Một thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử đã xảy ra trong thời kỳ thống trị kéo dài hàng thập kỷ của cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông. Và theo một số báo cáo, nguyên nhân một phần là do kế hoạch xây dựng sơ sài và tham nhũng.
Đập Bản Kiều thuộc tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc được xây dựng trên sông Nhữ vào đầu những năm 1950 như một phần của công trình chống lũ lụt và sản xuất điện. Năm 1975, cơn bão Nina đã tàn phá khu vực này với những trận mưa lớn nhất trong lịch sử. Lượng mưa trong cả năm đã đổ xuống chỉ trong 24 giờ .
Vào ngày 8/8/1975, có người đã gào lên rằng: “Trời sập đất nứt rồi!” Mực nước ở vùng thượng lưu của các con sông trong vùng nhanh chóng dâng cao, gây sức ép lên các hồ chứa nước và dần biến thành lũ lớn. Khi cơn lũ tràn qua, các đập nước lần lượt bị vỡ và Trú Mã Điếm, nơi có đập Bản Kiều, trở thành rào chắn cuối cùng. Con đập bị vỡ, toàn bộ thị trấn bị phá hủy và một cơn đại hồng thủy được sinh ra.
Thảm họa đó gây ra một cơn sóng khổng lồ trải rộng gần 10km, cao từ 3-7,5m lao đi với vận tốc khoảng 48km/giờ. Từ 170.000 đến 240.000 người đã thiệt mạng trong vụ vỡ đập này, tuy nhiên con số chính thức mà chính quyền công bố chỉ là 85.600 người chết. Mức độ thiệt hại của thảm hoạ này chỉ được tiết lộ sau khi nó xảy ra hàng thập kỷ. Ngày nay, rất ít người trong và ngoài Trung Quốc biết đến thảm họa này.
Chen Xing, một nhà thủy văn tham gia xây dựng đập Bản Kiều đã từng bày tỏ sự lo lắng về chính sách xây dựng đập của chính phủ. Ông đã đề nghị xây 12 cửa cống cho đập Bàn Kiều – nhưng ĐCSTQ đã chỉ trích ông vì quá “thận trọng” và dự án đã được thu nhỏ lại thành 5 cửa cống.
Ông Chen cũng tham gia vào việc xây dựng đập Thạch Mãn Than và một lần nữa phê bình các quan chức vì quá vội vã trong việc thi công; sau đó ông đã bị loại ra khỏi dự án. Đập Thạch Mãn Than sau đó cũng bị vỡ tan vào năm 1975.
Tại sao con đập lại thất bại?
Sự thất bại của con đập có thể là do sự tham nhũng tràn lan của ĐCSTQ và các tiêu chuẩn yếu kém kết hợp với lượng mưa lũ bất thường của cơn bão Nina. Tuy nhiên, con đập được tạo ra để chống lại lũ lụt trong “1.000 năm”, nhưng nó đã sụp đổ chỉ sau 20 năm kể từ khi được xây dựng.
Trong các dự án xây dựng, Mao Trạch Đông luôn muốn có “kết quả tức thời”, bao gồm cả đập Bàn Kiều, theo cuốn sách “Mao: Câu chuyện không được biết”. Một trong những khẩu hiệu của ông là “Khảo sát, thiết kế và thi công cùng lúc”. Một công đoạn thứ tư sau đó được thêm vào là: “Xét duyệt”.
Nhiều dự án xây dựng của Mao “thực ra vô cùng lãng phí”, và “nhiều dự án phải bỏ dở nửa chừng”. Có đến 200 trong số 500 hồ chứa lớn được xây dựng trong những năm 1950 đã bị hủy bỏ vào năm 1959. Và “nhiều công trình khác bị đổ vỡ trong cuộc đời Mao”, bao gồm cả đập Bản Kiều, cuốn sách tiếp tục cho biết.
Trong cơn bão năm 1975, “nhiều hồ chứa được xây dựng trong thời kỳ Đại Nhảy vọt đã sụp đổ tan tành trong một cơn bão”, dẫn đến vụ vỡ đập Bản Kiều, cuốn sách cho biết thêm.
Sự che giấu
ĐCSTQ đã cố gắng che giấu số người chết trong thảm họa vỡ đập Bản Kiều và thậm chí là cả vụ vỡ đập, giống như họ vẫn thường làm khi các bi kịch khác xảy ra. Theo David Bandurski thuộc Đại học Hồng Kông, nếu nhìn vào báo chí nhà nước Trung Quốc vào thời điểm đó, có vẻ như chuyện này chưa bao giờ xảy ra.
Hơn nữa, theo báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền năm 1995, “vụ đập Bản Kiều và Thạch Mãn Than sụp đổ là một thảm hoạ quy mô lớn do con người gây ra, là kết quả của sự thiếu sót trong các chính sách kiểm soát dòng nước. Nhìn chung sự thiếu sự minh bạch của chính phủ trong quá trình xây dựng đập đã góp phần gây ra tình huống nhiều đập của Trung Quốc bị coi là không an toàn. Vụ vỡ đập vào năm 1975 gần như hoàn toàn không được báo cáo ngoài phạm vi lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc”.
Khi đập Bàn Kiều và các con đập cùng thời khác của Trung Quốc được xây dựng, các vết nứt đã xuất hiện và chúng liên tục cần các kỹ sư Liên Xô sửa chữa. Sau khi sửa chữa xong, chúng được gọi là “đập sắt” và là những con đập không thể bị phá vỡ.
Trung Quốc có hơn 40.000 hồ chứa “nguy hiểm”, cùng nhiều hệ thống phòng chống lũ quanh các con sông lớn, hầu hết được xây từ năm 1950 đến năm 1980, theo báo cáo của Đài Á Châu Tự Do. Nhiều hệ thống từ thời Mao được làm từ đá và đất sét chỉ có tuổi thọ 50 năm, đây cũng chính là những vấn đề đang khiến giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay đau đầu.
Hồng Liên, theo Epoch Time