Võ thuật được xếp là một trong những bộ môn thể thao truyền thống nhưng nó không đơn giản chỉ là thứ để khỏe người và phòng thân. Mục đích thực sự của nó chính là để rèn luyện cho người học ý chí, sự nhẫn nại, trau dồi phẩm chất về đạo đức, và đó mới là nhân tố quyết định trình độ cao thấp của võ thuật.
Ngày nay, với nhiều hình thức võ thuật mới ra đời, các học viên theo học võ thuật truyền thống dần nhận ra rằng “tinh hoa võ thuật” dường như đang mất dần trong xã hội.
Với mong muốn khôi phục lại “tinh hoa võ thuật” chân chính, đại sư võ thuật truyền thống Trung Quốc Lý Hữu Phú đã đứng ra chủ trì một cuộc thi võ thuật cổ truyền Trung Hoa kéo dài hàng thập kỷ nhằm vực dậy một nền văn hóa đã mất.
Đạo đức là khía cạnh quan trọng nhất trong võ thuật truyền thống
Võ thuật truyền thống, hay còn gọi là “wushu” – là một phần của nền văn hóa Thần truyền 5.000 năm của Trung Hoa, nó bắt nguồn từ thời Hiên Viên Hoàng Đế. Đây là một hình thức võ thuật mà Sư phụ truyền cho các đồ đệ của mình, hoặc đôi khi chỉ truyền lại cho một đệ tử duy nhất.
Theo ông Lý, người chủ trì cuộc thi cho biết, trong quá khứ, Sư Phụ sẽ tìm chọn đồ đệ cho mình, nhưng tiêu chí phải dựa trên phẩm chất đạo đức của họ. “Đây là khía cạnh quan trọng nhất trong võ thuật truyền thống”.
Ông cho rằng: “‘Võ đức’ chỉ đơn giản là ngăn chặn cái ác và giúp đỡ cái tốt. Trước đây, khi tôi luyện tập võ thuật và những người khác yêu cầu tôi so tài với họ, mọi người thường dùng những biện pháp rất cực đoan. Nhưng khi bạn thực sự gặp nguy hiểm đe dọa đến tính mạng, nếu bạn mang trong mình một tinh thần chính nghĩa, sẵn sàng hy sinh mạng sống vì người khác, thì đó lại là biểu hiện của đức tính cơ bản ở một con người. Nếu chúng ta có thể duy trì điều này qua từng thế hệ, thì những gì không lành mạnh trong xã hội sẽ cải thiện rất nhiều”.
“Phân biệt rõ tốt và xấu, ngăn chặn cái ác khi giúp đỡ người công chính là những phẩm chất đạo đức quan trọng nhất đối với một học viên võ thuật”, võ sư Lý nhấn mạnh.
Mục đích thực sự của võ thuật truyền thống chính là “tu luyện”
Vào ngày 25/8, gần 70 đối thủ từ khắp nơi trên thế giới đã tham dự vòng bán kết và chung kết cuộc thi võ thuật cổ truyền Trung Hoa quốc tế lần thứ sáu của NTD.
Những thí sinh tham gia cuộc thi không phải để phô diễn những động tác hào nhoáng hay chiến đấu để giành chiến thắng, hầu hết các thí sinh đều nhất trí bày tỏ rằng mục đích thực sự của võ thuật truyền thống chính là “tu luyện”.
Lưu Tử Xuyên – người đạt huy chương đồng chia sẻ: “Ngày nay, võ thuật không chỉ là những động tác, người tham gia không phải chỉ chú ý đến chuyển động, kỹ thuật chính xác hay những thứ khác, mà hơn thế, nhiều người trong số đó đều mang trong mình một tư tưởng truyền thống. Họ cũng tập trung vào tu luyện. Điều đó có nghĩa là người tập võ sẽ tìm xem làm thế nào để cải thiện tâm tính của bản thân thông qua quá trình tập luyện.”
“Bạn sẽ phải dành cả đời để có thể hiểu một điều gì đó thật cặn kẽ”, Lưu Tử Xuyên chia sẻ thêm.
Tiếp đó là Lưu Đại Nhạn, người đạt huy chương vàng đến từ Đài Loan cho biết bản thân anh chưa từng được tham gia một cuộc thi nào giống như cuộc thi quốc tế NTD lần này trước đây.
“Đây quả thực là một sự kiện đặc biệt. Ở đây tôi có cảm giác như gặp lại những người bạn cũ vậy, và bầu không khí này là thứ mà bạn không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác, ít nhất là tôi chưa bao giờ tìm thấy”, anh nói “Ở đây tôi có thể biểu diễn võ thuật truyền thống Trung Hoa thực sự một cách thỏa mãn nhất.”
Anh cũng cho rằng “tu luyện” là yếu tố độc nhất chỉ có ở võ thuật Trung Hoa và cũng là yếu tố mà một số hình thức võ thuật mới hiện nay đang khuyết thiếu.
“Đây không chỉ đơn thuần là một môn võ thuật, mà còn bao hàm cả việc phải trau dồi nhân cách một người, ẩn chứa trong đó là sự hòa hợp giữa ‘thiên địa nhân’ và là yếu tố cần thiết để quay về với bản tính tiên thiên của một người.”
Một cuộc thi mang ý nghĩa bảo tồn văn hóa
Được biết, từ “truyền thống” trong tiếng Trung bao gồm hai ký tự, và từ đầu tiên có nghĩa là “truyền lại”.
Lưu Đại Nhạn đã thật sự bày tỏ lòng biết ơn về những giá trị truyền thống tốt đẹp mà đến nay vẫn còn lưu truyền lại. “Tôi thực sự biết ơn cuộc thi này, vì họ thực sự đang bảo tồn và truyền lại võ thuật truyền thống Trung Hoa. Bạn không thể tìm thấy điều này ở bất cứ nơi nào khác” và “võ đức” là một nhân tố quan trọng nhất trong võ thuật truyền thống.
Martin Alonso Valderrama Correa đến từ Colombia đã tự hào đại diện cho đất nước của mình gửi lòng biết ơn đến nền văn hóa Thần truyền 5.000 năm của Trung Hoa, bởi nó đã truyền lại những giáo lý vĩ đại từ các bậc thầy cổ xưa.
“Đạo đức trong võ thuật là điều tốt nhất các cổ nhân có thể cung cấp cho chúng tôi, đó là một trong những môn học có từ hàng thiên niên kỷ, cảm ơn Thượng đế là tới nay nó vẫn còn tồn tại” anh nói. “Tôi hy vọng rằng những sự kiện như thế này sẽ vẫn được tiếp tục, vì lợi ích của nhân loại, những đức tính này sẽ mãi mãi được lưu truyền.”
Cải thiện sức khỏe
Giành huy chương bạc, cô Laura Franco Gomez, có cha mẹ đều là những người luyện võ, và cô cũng bắt đầu tập võ thuật từ năm 3 tuổi.
Nhưng mãi đến khi bắt đầu tập luyện võ thuật truyền thống Trung Hoa vài năm trước thì cô mới nhận ra thứ mình đang tìm kiếm là gì.
“Tôi luôn hướng về mặt tâm linh, và võ thuật truyền thống Trung Hoa mang một sức mạnh tinh thần và ẩn chứa rất nhiều năng lượng.”
Đối với Franco Gomez, động tác không quan trọng, mà điều quan trọng là cách năng lượng được điều tiết thông qua chuyển động, thông qua các hình thức truyền thống và “võ đức”. Cô nhận ra võ thuật vượt xa khỏi về mặt thể chất, và điều này đã mở ra một con đường tâm linh cho cô.
Võ thuật truyền thống Trung Hoa cũng khác với các môn thể thao mạo hiểm khác ở chỗ chúng có thể cải thiện sức khỏe về thể chất của một người. Các chấn thương phổ biến của các vận động viên khác hầu như không thấy ở những người luyện võ.
Eike Andreas Opfermann, người đạt huy chương đồng đến từ Đức đã nhớ lại trong một lần tai nạn trượt tuyết, cô đã nhanh chóng có thể đứng dậy và đi đứng trở lại bình thường, trong khi những người khác nếu gặp vụ việc tương tự sẽ phải nằm trên giường suốt một khoảng thời gian dài.
Cô cho rằng võ thuật cũng tương phụ tương thành với đạo đức:
“Khi bạn đạt đến một mức độ nhất định về sức mạnh hoặc điều kiện thể chất, nhưng nếu bạn không trui rèn phẩm chất đạo đức của mình, thì bạn sẽ không thể nâng cao trình độ lên được”. Opfermann nói: “Nó rất quan trọng, cũng giống như bạn đang tập luyện các động tác của chúng vậy”.
Cuối cùng, chia sẻ với NTD, ông Lý Hữu Phú bình luận: “Trong tất cả những gì bạn học được, điều quan trọng nhất là trau dồi tâm tính. Nếu bạn làm được điều này, các mối quan hệ giữa người với người của bạn sẽ vô cùng hài hòa, và khi đó nó sẽ mang lại lợi ích cho toàn xã hội. Nếu bạn không làm được, vậy thì bất kể trong hoàn cảnh thế nào, ngay cả trong kinh doanh, nhiều người sẽ luôn có tâm lý muốn cắt xén, làm điều xấu và làm hại người khác.”
“Tôi cảm thấy những điều này đang bị mất dần trong xã hội hiện đại, nó không còn được chú trọng đến nữa. Nhưng những cuộc thi như thế này, ở giữa dòng chảy này vẫn còn những thứ như võ thuật truyền thống Trung Hoa thì quả thật rất đáng quý.”
Ông cũng cho biết thêm: “Mục đích của việc học võ thuật truyền thống là để phòng thủ, có một cơ thể khỏe mạnh, một ý chí kiên cường và cũng để trau dồi lòng dũng cảm. Để khi đối mặt với khó khăn, bạn sẽ không sợ hãi và mạnh dạn bước tới để ngăn chặn những điều xấu.”
Lý Hữu Phủ vốn là nhân vật tên tuổi lừng lẫy trong giới võ thuật, Đông y và khí công ở Trung Quốc. Ông đã từng được mời sang làm việc ở Trung tâm nghiên cứu Khoa học Nga. Năm 1993 ông đến nước Mỹ, lần lượt được mời làm giáo sư Đông y và giáo sư võ thuật của Đại học Đông y Samra và Đại học Đông y Alhambra.
Về lĩnh vực võ thuật, Lý Hữu Phủ đã đạt được các danh hiệu như: Vô địch võ thuật trong Đại hội thể dục dân tộc toàn quốc, Huy chương vàng võ thuật cúp thế giới. Ông cũng là nghiên cứu sinh thạc sỹ đầu tiên của Trần Thịnh Phủ – vị giáo sư võ thuật hàng đầu Trung Quốc, hiện đang làm giáo sư võ thuật Đại học Sơn Tây.
Sau khi tốt nghiệp thạc sỹ, võ sư Lý được giáo sư Trần giới thiệu với Trần Tế Sinh tiên sinh, Chủ tịch hiệp hội võ thuật Tế Nam tỉnh Sơn Đông, kiêm chủ nhiệm võ đường Sơn Đông. Ông nhanh chóng trở thành môn sinh được tiên sinh Trần Tế Sinh đánh giá cao nhất.
Thiên Thanh (Theo The EpochTimes)
Xem thêm:
Võ sư Lý Hữu Phủ: Khí công đã mang đến cái nhìn mới về nhân sinh
Tinh hoa võ thuật: Võ sư Dương Long Phi và Thất Tinh Đường Lang Quyền