Trên đường đời tấp nập, người với người gặp nhau rồi trở thành bằng hữu tâm giao hay vợ chồng… hết thảy đều do hai chữ “duyên phận”. Tuy vậy, việc đối xử với nhau tốt xấu thế nào lại phải xét đến vấn đề nợ nghiệp.
Vì sao có một số phụ nữ thường phàn nàn về người chồng của mình?
Người phụ nữ từ thời khắc được gả làm vợ của một người đàn ông thì họ đã đem toàn bộ tâm, thân giao phó cho người đàn ông này. Sau khi kết hôn, họ sẽ phải một mực yêu thương gia đình và chăm sóc chồng con.
Tuy nhiên, có những người cả đời không nhận được một câu động viên khích lệ của chồng. Thậm chí có người còn bị chồng lạnh nhạt, không coi trọng. Thế là họ sinh ra bực bội, than vãn và phàn nàn về người chồng của mình.
Nếu xét về mặt nhân quả trong đạo lý nhà Phật thì đây là do kiếp trước người vợ đã thiếu nợ người chồng ở kiếp này của mình. Người vợ đã bao giờ từng nghĩ: “Tại sao mình không lấy người khác mà lại lấy chồng mình bây giờ?” Đó là bởi vì người vợ thiếu nợ người chồng nên kiếp này được gả cho anh ta để trả nợ. Nếu như không thiếu nợ thì sẽ không đến, không có duyên thì sẽ không tụ.
Có người phụ nữ lại nói: “Tôi không nợ chồng tôi thứ gì cả, bởi vì chồng tôi đối xử rất tốt với tôi!”. Điều này là bởi vì ông chồng ở kiếp trước mới là người đã mắc nợ. Không có nợ thì sẽ không tạo thành một gia đình.
Có những người đàn ông chỉ vì mong muốn lấy được người vợ đó mà chấp nhận làm hết mọi việc từ chăm sóc gia đình đến nuôi dưỡng con cái… Đây chẳng phải là vì thiếu nợ sao? Chỉ là trong xã hội đa phần chúng ta chứng kiến đều là phụ nữ thiếu nợ đàn ông mà thôi.
Có người phụ nữ lại than rằng: “Tại sao tôi lại lấy được một người chồng vô dụng như vậy? Làm gì cũng không thành?”
Người phụ nữ kiểu này đi đâu cũng chỉ trích chồng của mình là vô dụng, không làm được việc gì cả, việc kiếm sống toàn là do bản thân mình đảm nhiệm. Kỳ thực, đó là bởi vì ở kiếp trước, người đàn ông này đã vì người vợ mà dốc hết sức mình. Cho nên, ở kiếp này người vợ phải đền bù tổn thất đó cho người chồng. Đây không phải là người vợ gặp xui xẻo mà bởi vì kiếp trước đã gieo nhân nào thì kiếp này sẽ nhận được quả đó.
Cũng có cặp vợ chồng rất hòa thuận, vợ chồng đối xử với nhau rất tốt, sẵn lòng vì nhau. Nhưng người vợ lại không mấy hòa hợp với mẹ chồng. Đây là vì người vợ đã thiếu nợ mẹ chồng của mình ở kiếp trước. Nếu như giữa mẹ chồng và con dâu bất hòa cũng đều là do oan thân, chủ nợ ở kiếp trước gặp lại trong kiếp này.
Phật gia giảng rằng, chấp nhận là có thể chấm dứt được oan nghiệp này. Cho nên, người vợ và người chồng đều nên giữ tâm bình tĩnh, chấp nhận người bạn đời của mình.
Người phụ nữ được gả cho người đàn ông nào thì đều là mệnh của họ. Hết thảy những người mà hôm nay chúng ta gặp đều là đã có trong mệnh rồi, đều là nhân gieo trồng từ kiếp trước, hôm nay mới nhận được quả như vậy. Đàn ông cũng vậy, không nợ sẽ không đến.
Cho nên, trong gia đình, vợ chồng đừng nên trách mắng nhau, bởi vì như vậy, nợ kiếp trước chưa giải quyết xong lại tăng thêm nợ ở kiếp này, tức là “nghiệp cũ chưa hết lại thêm nghiệp mới.” Hãy đối xử tử tế với nhau để hóa giải nợ kiếp trước.
Phật gia có câu: “Chúng sinh là bình đẳng”. Người chồng hay người vợ không phải là tài sản riêng của mình, chỉ là có một đoạn nhân duyên với mình ở kiếp trước, kiếp này đến để kết thúc đoạn nhân duyên đó mà thôi.
Duyên tận duyên tán, tất cả sẽ phân ly. Đừng oán trách người chồng hay người vợ của mình mà hãy chấp nhận, bỏ công sức ra nhiều hơn, lặng lẽ giúp đỡ người kia nhiều hơn từ lúc này, bạn chắc chắn sẽ nhận được quả ngọt. Phàn nàn người khác cũng chỉ là tự làm hại mình mà thôi.
Theo Daikynguyenvn