Tinh Hoa

Viên quan nhà Tùy dám chống lệnh xử tử của Hoàng đế và kết cục…

Thời xưa, Hoàng đế được xem như là Thiên tử (con của Trời), là cửu ngũ chí tôn, nhưng nếu Hoàng đế muốn giết một người, thì cũng không hề dễ dàng, mà cũng phải thông qua quần thần. Thời nhà Tùy có một quan từng chống lệnh xử tử của Hoàng đế, nhưng cuối cùng nhận được kết cục có hậu.

Hoàng đế muốn giết một người cũng không dễ dàng, phải thông qua những vị quần thần. (Ảnh: Epoch Times)

Triệu Xước quê ở Hà Đông, ngày nay là tỉnh Sơn Tây. Ông tính tình cương nghị, thành thật. Bởi vì ông làm việc công bằng, điều tra xét xử thoả đáng mà đã được Tùy Văn Đế tin tưởng phong chức Đại pháp quan, chuyên nhận trách nhiệm xử án.

Thời đó có quan niệm rằng, màu đỏ tượng trưng cho sự thăng quan phát tài. Vào một ngày, Hình bộ thị lang Tân Đãn mặc đồ màu đỏ lên triều. Khi nhìn thấy, Hoàng đế đã vô cùng tức giận, ông cho rằng Tân Đãn đang sử dụng “chiêu thuật” nào đấy nên đã lệnh chém đầu Tân Đãn, và giao cho Triệu Xước thi hành án.

Ngay sau đó, Triệu Xước đã dâng tấu lên Hoàng đế nói: “Căn cứ pháp luật triều đình, Tân Đãn không đáng bị chết, thần không thể chấp hành lệnh này”.

Tùy Văn Đế đọc xong vô cùng giận dữ, liền nói với Triệu Xước: “Ngươi thương tiếc Tân Đãn, vậy không thương tiếc bản thân mình sao?”.

Rồi Hoàng đế hạ lệnh cho Tể tướng Cao Quýnh xử tử Triệu Xước. Tuy vậy, Triệu Xước không hề sợ hãi, ông nói: “Bệ hạ có thể giết ta, nhưng không thể giết Tân Đãn”.

Sau đó, quân lính vào bắt Triệu Xước, cởi bỏ quan phục của ông, lôi ra ngoài để chém đầu. Khi chuẩn bị hành hình, Hoàng đế phái người hỏi Triệu Xước: “Ngươi bây giờ ông cảm thấy thế nào?”.

Triệu Xước nói: “Cho dù có mất mạng của mình, ta cùng toàn tâm toàn ý tuân thủ luật pháp”.

Hoàng đế thấy không thể dùng uy quyền của mình để khuất phục Triệu Xước, nên cuối cùng đã lệnh thả Triệu Xước ra. Sáng ngày hôm sau, Tùy Văn Đế còn đến chỗ Triệu Xước tạ lỗi và ban thưởng cho Triệu Xước.

Không lâu sau, lại xảy ra một vụ án nữa. Quan binh trên đường tuần tra đã bắt được hai người đang đổi tiền thật lấy tiền giả. Đại thần báo việc này lên Hoàng đế, Tùy Văn Đế đã hạ lệnh xử tử hai người này.

Triệu Xước lại tấu trình lên khuyên ngăn nói: “Hai người chỉ đáng nhận tội phạt trượng hình. Xử tử họ là phi pháp”.

Văn Đế nói: “Việc này không liên quan đến ngươi!”.

Triệu Xước nói: “Trước đây, bệ hạ vì thấy thần quang minh chính đại, mới phong chức Đại Pháp Quan cho thần. Giờ bệ hạ tùy tiện xử tử, thì sao lại không liên quan đến thần?”

Văn Đế nói: “Ngươi không thể làm ta thay đổi quyết định được, hãy lui ra!”.

Triệu Xước lại nói: “Thần hy vọng sẽ cảm động đến tâm của bệ hạ, chứ không hề có ý chống đối!”.

Văn Đế còn nói: “Lệnh của Thiên tử, ngươi cũng dám xúc phạm sao?”.

Triệu Xước liền vừa quỳ vừa tiến đến chỗ Hoàng đế. Văn Đế quát lớn bảo Triệu Xước lui ra, Triệu Xước cũng không lui khiến Hoàng đế tức giận trở lại điện. Nhưng sau khi bình tĩnh lại, Hoàng đế thấy Triệu Xước tâm địa ngay thẳng, trung thực, nên mỗi khi có chuyện quốc gia đại sự thường triệu kiến Triệu Xước đến để bàn luận.

Triệu Xước bởi vì trung thực, thẳng thắn khuyên ngăn Hoàng đế mà nhiều lần phạm thượng, nhưng cuối cùng cũng cảm hóa được vị Thiên tử. Nhờ vậy ông đã trở thành vị Đại pháp quan chính trực nổi tiếng của nhà Tùy, cũng như trong lịch sử Trung Hoa.

Lê Hiếu