Tinh Hoa

Vị tiến sĩ cao ngạo cuối cùng phải xấu hổ vì thói khinh người của mình

Cậy bản thân có học vị cao hơn nên vị tiến sĩ không muốn hỏi ý kiến của người khác, cuối cùng ông lại phải chịu “muối mặt” vì thói cao ngạo của chính mình.

Trong thời đại hiện nay, kinh nghiệm làm việc nhiều khi quan trọng hơn học lực. (Ảnh: Andremansur)

Có một vị tiến sĩ nọ được phân đến một trung tâm nghiên cứu mới và trở thành người có học vị cao nhất tại đây.

Một hôm, anh ta ra hồ nước sau trung tâm câu cá. Vừa hay lúc đó, có hai vị trưởng phó phòng làm việc cùng trung tâm nghiên cứu cũng ngồi câu cá ngay bên trái và bên phải anh ta.

Thấy vậy, anh ta chỉ hơi cúi đầu chào cho phải phép, trong đầu nghĩ: “Hai cử nhân này đâu có gì thú vị để giao lưu.”

Một lúc sau, vị trưởng phòng đặt cần câu xuống, vươn vai ưỡn ngực làm vài động tác vận động cơ thể rồi bất ngờ chạy như bay trên mặt hồ nước để sang nhà vệ sinh bên kia bờ hồ.

Vị tiến sĩ kinh ngạc mắt nhìn không chớp. “Anh ta có thể đi trên mặt nước? Không thể nào? Đây là một cái hồ cơ mà!” – Vị tiến sĩ thầm nghĩ.

Đi vệ sinh xong, vị trưởng phòng kia lại chạy như bay qua mặt hồ nước để về chỗ của mình.

“Thật kỳ lạ!” – Vị tiến sĩ lẩm bẩm trong miệng nhưng không tiện hỏi, bởi mình là tiến sĩ cơ mà!

Một lúc sau, vị phó phòng cũng đứng dậy, đi vài bước rồi lại bay qua mặt hồ vào nhà vệ sinh. Lúc này, vị tiến sĩ kinh ngạc đến mức suýt nữa thì ngã xuống đất.

“Không thể nào, mình đang ngồi ở nơi tập trung toàn cao thủ giang hồ chăng?”. Càng nghĩ, vị tiến sĩ càng cảm thấy rối trí, khó hiểu.

Rồi đến lượt anh ta buồn đi vệ sinh. Thế nhưng hồ nước này hai bên đều có tường vây, muốn đến được nhà vệ sinh bên kia bờ hồ phải mất 10 phút mới tới, mà trở về đơn vị cũng xa chứ chẳng gần, phải làm sao đây?

Dẫu vậy, anh ta vẫn không muốn ra hỏi hai người đồng nghiệp. Nhịn một hồi lâu, vị tiến sĩ cuối cùng cũng đứng dậy, bước chân trên mặt nước: “Mình không tin rằng hai cử nhân có thể chạy qua mặt hồ mà một tiến sĩ như mình thì không”.

Thế nhưng anh ta vừa động chân, một tiếng “tùm” vang lên. Vị tiến sĩ đã trầm mình xuống hồ nước. Hai đồng nghiệp vội chạy lại lôi anh ta lên và hỏi tại sao lại ngã xuống nước.

Lúc này, vị tiến sĩ mới hỏi: “Tại sao các anh có thể chạy qua mặt hồ?”

Hai vị trưởng phó phòng nghe vậy thì nhìn nhau cười, nói: “Trong hồ có hai dãy trụ gỗ. Vì mấy hôm nay trời có mưa, nước trong hồ dâng cao nên nó bị nhấm chìm dưới mặt nước. Chúng tôi đều biết vị trí của trụ gỗ nên có thể đi qua bình thường. Sao anh không hỏi chúng tôi một câu?”.

Cảm ngộ

Sai lầm của vị tiến sĩ không phải nằm ở việc bắt chước hai đồng nghiệp mà nằm ở chỗ anh ta đã đặt mình ở vị trí quá cao.

Trong thời đại hiện nay, kinh nghiệm làm việc nhiều khi quan trọng hơn học lực. Học lực không đại diện cho quá khứ, chỉ có khả năng học tập mới dại diện cho tương lai. Hãy tôn trọng những người có kinh nghiệm, bằng cách đó, chúng ta có thể giảm bớt được việc đi đường vòng. 

Tuệ Tâm (s/t)