Kể từ khi dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (viêm phổi ĐCSTQ) bùng phát đến nay, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã trở thành người phát ngôn tích cực cho chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) và tình nguyện trở thành tấm bia hứng chịu vô vàn lời chỉ trích thay cho ĐCSTQ. Trước làn sóng nghi ngờ Tổng Giám đốc WHO ông Tedros Adhanom đã bị ĐCSTQ mua chuộc, nhiều cư dân mạng đã gọi ông bằng cái tên là “Bí thư Ted”. Một số kênh truyền thông từng tiết lộ rằng, ông Tedros thuộc giới lãnh đạo của một đảng phái theo chủ nghĩa Mác-Lênin ở Châu Phi, thế nên cái tên “Bí thư Ted” cũng không phải là vô cớ.
Theo CUP Media – một kênh truyền thông ở Hồng Kông đưa tin vào ngày 15/4, Tedros từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ethiopia trước khi làm Tổng giám đốc WHO. Ngoài đó ra, ông ta còn là một thành viên quan trọng trong đảng “Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray” – một đảng chính trị thuộc cánh tả ở Ethiopia (Tigray People’ s Liberation Front – gọi tắt là TPLF).
Ngày 14/4, Minh Cư Chính – giáo sư danh dự Khoa Chính trị học tại Đại học Đài Loan – cũng đã đề cập đến vấn đề này trong một chương trình bình luận chính trị rằng, ông Tedros có bối cảnh là một đảng viên đảng Cộng sản, đảng TPLF mà ông ta đang làm việc là một đảng phái hoàn toàn theo đuổi chủ nghĩa Mác-Lênin cực tả.
Theo thông tin công khai, TPLF được thành lập tại Tigray thuộc khu vực phía bắc Ethiopia vào năm 1975, là một đảng cánh tả lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm chỉ đạo. Khi Đảng Cộng sản Đông Âu sụp đổ và Liên Xô tan rã, TPLF vẫn tiếp tục duy trì và thực hiện những cải cách đồng dạng với ĐCSTQ như “Kinh tế thị trường tự do” và “Cải cách Dân chủ”, thủ lĩnh của họ còn dặn dò các thành viên cao cấp của mình rằng những cải cách này không được trái với chủ nghĩa Mác-Lênin.
CUP Media còn đưa tin, vào những năm 1980, dưới chiêu bài “Cải cách ruộng đất”, TPLF đã thâm nhập vào các đảng phái đối lập trong nước và lôi kéo các nhóm sắc tộc khác thành lập nên “Mặt trận Dân chủ Cách mạng Nhân dân Ethiopia” (Ethiopian People’s Revolutionary Democratic Front, gọi tắt là EPRDF), và đến năm 1991 TPLF đã thành công giành được chính quyền.
Sau khi lên nắm quyền, TPLF theo đuổi cách cai trị khủng bố như tiến hành bắt bớ và giết hại những người bất đồng chính kiến, chiếm đoạt vùng đất của người Oromo – nhóm dân tộc lớn nhất trong nước. Năm 2005, “Tổ chức Theo dõi Nhân quyền” chỉ trích TPLF đã phạm phải nhiều loại tội ác nhân quyền. Vào những năm 1990, Hoa Kỳ từng coi TPLF là một tổ chức khủng bố.
Trải qua nhiều năm nội loạn, mãi đến năm 2018, EPRDF mới tiến hành cải tổ và không còn được kiểm soát bởi TPLF. Ông Abiy Ahmed thuộc Đảng Dân chủ Oromo bắt đầu nắm quyền, ông lập tức tiến hành cải cách chính trị và phóng thích các tù nhân chính trị, vì sự kiện này vào năm 2019 ông đã được trao giải thưởng Nobel Hòa bình.
Theo CUP Media, ông Tedros lớn lên ở bang Tigray, từ sau năm 1991 ông đến London để học ngành y và lấy được bằng tiến sĩ về sức khỏe cộng đồng. Một thời gian ngắn sau khi trở về nước, ông được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Y tế bang Tigray năm 2001, và năm 2005 ông trở thành Bộ trưởng Bộ Y tế. Ông đã từng bị buộc tội 3 lần che giấu thảm họa dịch tả ở vùng Oromo vào năm 2006, 2009 và 2011, khiến một số lượng lớn bệnh nhân tử vong. Tuy nhiên, vào năm 2012 ông vẫn tiếp tục được thăng chức với vai trò là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Trong 4 năm Tedros đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, chính phủ TPLF đã đàn áp đẫm máu cuộc nổi dậy và kháng chiến của người Oromo, Tedros đã tiếp tay bằng việc thao túng các cơ quan ngôn luận chính thức để che giấu tội ác này. Khi Tedros làm Tổng giám đốc WHO năm 2017, ông vẫn là thành viên của TPLF và được hưởng quyền lực của đảng và chính phủ.
Vào năm 2013, kênh truyền thông của Pháp là The Africa Report đưa tin, Tedros có triển vọng sẽ trở thành một nhà lãnh đạo thế hệ mới của TPLF. Kênh Fox News của Hoa Kỳ dẫn lời một phóng viên ở Ethiopia nói rằng Tedros là một trong ba nhà lãnh đạo quyền lực nhất của TPLF, ông ta phải chịu trách nhiệm cho những hành động tàn bạo của chính phủ như giết người, tra tấn, bắt bớ bừa bãi và chiếm đất, v.v..
CUP Media chỉ ra rằng, từ sau khi Đảng Dân chủ Oromo nắm quyền ở Ethiopia vào năm 2018, họ đã trở thành phe phái đối địch với Tedros, vậy nên quan lộ của Tedros ở WHO có thể đi được bao xa là tùy thuộc vào yếu tố ĐCSTQ ở sau lưng ông ta.
Theo một bài báo của BBC đưa tin vào tháng 6 năm ngoái, Ethiopia từng được gọi là “Trung Quốc thu nhỏ” ở Đông Phi, trong giai đoạn từ năm 2006 đến 2015 khi TPLF vẫn đang nắm quyền, Trung Quốc đã cho Ethiopia vay hơn 13 tỷ đô la để xây dựng đường cao tốc, đường sắt, các khu công nghiệp cùng các lĩnh vực khác, chiếm một nửa tổng số nợ hiện tại của đất nước này.
Hạ Vũ (Theo NTDTV)