Bạn có bao giờ thắc mắc rằng, vì sao ông bà ta lại gọi tháng Chạp là “Tháng củ mật”, nó có nghĩa là gì?
Cứ vào tháng Chạp, chúng ta đều được ba mẹ, ông bà nhắc đi nhắc lại câu “Tháng củ mật – cẩn thận cửa nẻo”.
Nhưng “củ mật” là cái củ gì? Tại sao lại gọi là tháng Chạp là “Tháng củ mật” mà không phải là tháng củ… cải?
“Củ mật” là củ gì?
Thực ra thì không có thứ củ nào trên đời tên là “củ mật” cả, có chăng chỉ là một thứ củ nào đó được ghép với từ “mật”, như củ khoai mật mà thôi.
Còn củ mật thực chất là từ Hán Việt, trong đó “củ” có nghĩa là đốc trách, xem xét.
Người xưa thường nói “củ sát” – tức là kiểm soát theo cách nói ngày nay.
Còn “mật” được dùng trong “cẩn mật“, ý chỉ sự kín đáo, không để lộ. Vậy, “củ mật” ở đây mang nghĩa “củ sát cẩn mật” – kiểm soát cẩn thận.
Tại sao tháng Chạp lại là “Tháng củ mật”?
Nguyên nhân cũng vì đây là tháng dễ xảy ra mất trộm nhất. Tháng Chạp là tháng sát Tết, ai cũng bận bù đầu, phải đi lại thường xuyên, thức khuya dậy sớm…nên thường rơi vào trạng thái mệt mỏi, và đặc biệt là cực kỳ buồn ngủ.
Thời điểm này, chỉ cần xong được việc là nhiều người sẵn sàng buông hết tất cả để ngủ ngon lành, thậm chí đôi khi còn quên khóa cổng, khóa cửa, thu dọn đồ đạc.
Trong tình cảnh “Phường đạo tặc” cũng hoạt động hết công suất để có một cái Tết no ấm thì chuyện mất trộm là hoàn toàn dễ hiểu.
Chính vì thế vào thời xưa, quan lại các cấp cứ đến tháng Chạp là nhắc nhở người dân phải cẩn thận đề phòng, tăng cường “củ mật” để ngăn ngừa trộm cắp.
Bên cạnh đó, “Tháng củ mật” cũng là tháng nhiều người quan niệm rằng hay gặp xui xẻo, hay bị “Tai bay vạ gió“.