Tinh Hoa

Vì sao người đàn ông thời xưa lại gọi vợ mình là tào khang?

“Tao” hay người Việt thường gọi thành “tào” có nghĩa là bã rượu sau khi chưng cất. “Khang” có nghĩa là cám, cám từ vỏ của hạt gạo, hạt lúa mì hay hạt kê. Vậy tại sao người đàn ông thời xưa lại gọi vợ mình là bã rượu và cám gạo?

Vì sao người đàn ông xưa lại gọi vợ mình là tao khang?

Từ “tao khang” liên quan đến điển cố nổi tiếng. Trong “Hậu Hán thư – Tống Hoằng truyện” có ghi chép lại:

Tống Hoằng, người đất Tràng An thời Đông Hán, làm quan đến chức đại tư không dưới thời Quang Vũ đế.

Năm 26, chị gái của Quang Vũ đế là Hồ Dương công chúa, không may góa chồng. Quang Vũ đế có ý tìm giúp chị một vị tướng công, nên thường mời Hồ Dương công chúa vào cung để xem ý chị mình thế nào. Một hôm, khi đang bàn về các quan đại thần, công chúa nói: “Tống Hoằng là bậc nhân tài, phẩm hạnh và tài năng đều phi thường xuất chúng, các quan trong triều quả không ai sánh bằng”.

Nàng cũng nhờ vua Quang Vũ dọ hỏi ý tình Tống Hoằng. Mấy ngày sau, Quang Vũ đế cho triệu kiến Tống Hoằng, và bảo Hồ Dương công chúa đứng sau một bức bình phong nghe chuyện.

Quang Vũ Đế hỏi Tống Hoằng rằng: “Ngạn ngữ có nói, giàu đổi bạn, sang đổi vợ, có phải là thường tình của con người không?”

Hoằng thưa: “Thần chỉ nghe nói rằng, bạn thuở bần tiện là không thể quên, người vợ tào khang là không thể bỏ”.

Nghe xong lời này của Tống Hoằng, Quang Vũ đế cũng hiểu được ý tứ của ông. Quang Vũ đế sau đó nói với chị gái: “Việc này không thành được”.

Từ đó về sau, hai câu thơ này được rất nhiều người truyền tụng.

***** 

Văn hóa truyền thống giảng rằng: “Một ngày vợ chồng trăm ngày ân”. Hôn nhân là sự ban ơn của đất trời và cha mẹ. Người xưa rất biết giữ đạo vợ chồng, vì vậy họ sẽ không vì lợi lộc vinh hoa trước mắt mà quên đi ân huệ mà mình đã nhận được.

Theo Epoch Times