Người ta vẫn thường nói: “Lùi một bước biển rộng trời cao”. Nhưng thế gian có biết bao người lại cố chấp, dù biết đường cùng vẫn cứ tiến lên, cuối cùng phải rơi vào cảnh thân bại danh liệt.
Hồi thứ hai trong tác phẩm “Hồng Lâu Mộng” kể rằng, Giả Vũ Thôn trong một lần đến ngoại ô thưởng ngoại phong cảnh, tại nơi non nước bao quanh, rừng trúc rậm rạp thấy có một ngôi miếu tự tường vách mục nát.
Trước cửa tự treo một bức hoành đề rằng “Tri Thông Tự”, bên cửa có một cặp câu đối cũ kĩ viết rằng “Thân hậu hữu dư vong súc thủ; Nhãn tiền vô lộ tư hồi đầu”, ý rằng sau lưng có đường lui nhưng không chịu buông tay, trước mắt muốn quay trở về cũng không còn lối.
Câu nói ấy khiến Giả Vũ Thôn có ấn tượng thật sâu sắc, bởi hai câu nói này, câu cú đơn giản, nhưng ý nghĩa lại thâm sâu. Tác giả Tào Tuyết Cần chính là muốn dùng hai câu nói này để biểu đạt một chút đạo lý nhân sinh.
Sau lưng có đường lui nhưng không chịu buông tay, đây là lỗi lầm mà những người tham lam, ham mê danh lợi nhiều lần mắc phải. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể khiến người ta rơi vào tình huống “bước vào đường cùng”. Đến nước này rồi, liệu có thể “quay đầu” được không, cũng rất khó đoán trước.
Trong lịch sử không thiếu những ví dụ về “biết lùi bước” và “không lùi bước”, tuy nhiên nếu đem ra so sánh, thì “không lùi bước” lúc nào cũng chiếm phần nhiều hơn, do đó bi kịch của lịch sử vẫn không ngừng tái diễn.
Trương Lương từ bỏ sự nghiệp khi trên đỉnh vinh quang
Trương Lương là một trong ba nhân tài kiệt xuất thời sơ Hán (hai người còn lại là Tiêu Hà và Hàn Tín), thay Lưu Bang định thiên hạ, lập nên triều Hán, được Tư Mã Thiên miêu tả là “Mưu tính trong màn trướng mà có thể quyết định chiến thắng ở ngoài nghìn dặm”.
Triều Hán được thành lập, Trương Lương có công rất lớn. Nhưng khi Lưu Bang chuẩn bị luận công để ban thưởng, Trương Lương lại chọn “từ bỏ sự nghiệp khi đang trên đỉnh vinh quang”.
Ông nói rằng: “Nhà ta bao đời làm tể tướng nước Hàn, do đó không tiếc vạn lạng vàng để báo thù cho nước Hàn. Một chùy ở Bác Lãng Sa (nơi ông thuê người hành thích vua Tần) chấn động khắp thiên hạ, rồi lại làm thầy đế vương, được phong thưởng vạn hộ, địa vị trong hàng ngũ chư hầu.
Đời người đến đây, cũng đã đủ thỏa nguyện rồi, bây giờ chỉ mong muốn theo Xích Tùng Tử (một người tu Đạo xưa, đắc Đạo thành Tiên), đi vân du học Đạo, không màng đến thế sự nữa”.
Ông học thuật nhịn ăn, khinh công là muốn rời xa danh lợi, làm tín đồ của Đạo giáo, sống một cuộc sống đạm bạc. Quyết định này của ông không được Lưu Bang thấu hiểu, và đương nhiên người đời cũng không dễ mà hiểu được.
Người ta vẫn nói, chơi với vua như chơi với hổ, đôi khi chỉ vì một sơ suất nhất thời, hoặc sự ghen ghét vô duyên vô cớ đều có thể dẫn đến họa sát thân mà không dự liệu trước. Hàn Tín lập công lớn, nhưng lại bị vu oan là làm phản, bị chu di tam tộc, thậm chí xác cũng bị cắt thành thịt vụn.
Được làm vua thua làm giặc, đây là những bài học vô cùng sâu sắc. Trương Lương là một người cực kỳ thông minh, lựa chọn cuối đời đúng đắn của ông đã chứng minh tất cả.
Phạm Lãi “biết lùi bước” nên được toàn mạng
Phạm Lãi cũng là một ví dụ điển hình “biết lùi bước”. Trong thời kỳ Ngô – Việt tranh bá, Phạm Lãi là người đã giúp cho Việt vương Câu Tiễn thành đại sự. Nhưng sau khi Việt Vương lên ngôi làm bá chủ, Phạm Lãi lại lặng lẽ ẩn mình, từ đó rời xa nước Việt.
Phạm Lãi cuối cùng để lại một phong thư cho người bạn đồng cam cộng khổ của mình là Văn Chủng, đại ý nói: “Chim đã hết cung tên vứt bỏ, thỏ chết rồi chó bị phanh thây. Điều này thật rõ ràng. Câu Tiễn là người miệng nhọn mà cổ dài, tướng người như thế, chỉ có thể cùng hoạn nạn chứ không thể chung hưởng lạc. Ông làm sao không mau mà bỏ đi?”.
Văn Chủng đọc thư, bèn cáo bệnh, không vào chầu. Lúc này, Việt vương Câu Tiễn bắt đầu nghi ngờ Văn Chủng có ý mưu phản, sai người đưa cho Văn Chủng một thanh kiếm, ý muốn ông tự sát. Văn Chủng nhìn thanh kiếm, cũng giống như Phù Sai muốn giết Ngũ Tử Tư, ngửa mặt lên trời, không ngăn được tiếng thở dài, hối hận vì đã không nghe lời Phạm Lãi, đành phải tự sát.
Phạm Lãi mang theo gia quyến cùng tùy tùng lênh đênh đến nước Tề, khai hoang canh tác, đồng thời kinh doanh buôn bán. Không quá vài năm, tích lũy được mấy ngàn vạn gia sản.
Trở thành đại phú ông, nhưng Phạm Lãi trọng nghĩa khinh tài, thường làm việc thiện ở quê nhà. Về sau, Tề vương nghe nói đến danh của ông, liền mời ông đến kinh thành, tấn phong làm Tướng quốc.
Phạm Lãi cảm thán nói: “Làm quan đến Tể tướng, gây dựng gia sản có được nghìn vàng, đối với một người xuất thân là dân thường, vốn chỉ có hai bàn tay trắng mà nói thì đã là lên tới cực điểm, nếu sống hưởng thụ cái tôn danh mãi như vậy thì e rằng không phải là điều tốt lành”.
Vì thế, sau 3 năm làm Tướng quốc, lần nữa Phạm Lãi giã từ sự nghiệp khi đang trên đỉnh vinh quang, từ quan bỏ lại gia tài mà rời đi.
Sau khi lặng lẽ rời khỏi nước Tề, Phạm Lãi lần này đi đến Đào (nay là tây bắc Định Đào, Sơn Đông), tiếp tục khởi nghiệp kinh doanh. Phạm Lãi căn cứ vào thời tiết, khí hậu, dân tình, phong tục,…mà lập nghiệp tích gia sản. Trong vài năm, ông lại trở thành phú hào, lấy hiệu là “Đào Chu Công“. Vì Đào Chu Công làm giàu có đạo, cho nên được xưng là “Thương thánh”.
Nội hàm của “lùi một bước” thật vô cùng phong phú. Ở mâu thuẫn trước mặt, lùi một bước có thể tránh cho mâu thuẫn trở nên gay gắt và khuyếch đại tình trạng của sự việc, còn có thể khiến bản thân tỉnh táo tĩnh hạ xuống, từ đó mà thấy rõ được ngọn nguồn của sự tình, khiến sự tình được hóa giải.
Khi đối diện với lợi ích trước mặt, lùi một bước thì có thể nhảy xuất ra khỏi sự tranh đoạt, có thể bồi dưỡng đức hạnh nhân nghĩa của bản thân, cuối cùng không phải chịu tổn thất gì.
Trong cõi hồng trần này, nếu chúng ta thời thời khắc khắc ghi nhớ “lùi một bước” thì hoàn cảnh khi xảy ra mâu thuẫn sẽ cải biến thành một trạng thái khác, một thế giới khác.
Tranh tranh đấu đấu, cố chấp không buông tay, suy cho cùng cũng có được gì đâu? Danh lợi, chết không mang theo được, chỉ có nghiệp lực là mang theo bên thân mà thôi.
Tuệ Tâm biên dịch