Người xưa có câu: “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”, lịch sử đã từng chứng kiến rất nhiều trận chiến mà tương quan lực lượng hoàn toàn chênh lệch, nhưng cuối cùng chiến thắng lại thuộc về bên yếu thế hơn. Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ chính là một ví dụ điển hình.
Trước khi chiến tranh Hán – Sở diễn ra, Hạng Vũ sở hữu 40 vạn quân binh, còn Lưu Bang chỉ mang theo 3 vạn binh mã. Nếu luận về thân thế, Hạng Vũ là quý tộc nước Sở, trong khi Lưu Bang chỉ là một trưởng đình nhỏ nhoi. Đối mặt với đối thủ có thực lực hùng mạnh như vậy, Lưu Bang làm cách nào lấy yếu thắng mạnh, thống nhất thiên hạ?
Đáp án được tiết lộ đúng vào ngày Hàn Tín đăng đàn bái tướng. Mặc dù Lưu Bang không hiểu tài học của Hàn Tín, nhưng dưới sự đề bạt liên tục của Tiêu Hà, Lưu Bang bán tín bán nghi hỏi Hàn Tín: “Tiêu thừa tướng nhiều lần nhắc đến tướng quân, tướng quân có kế sách gì muốn chỉ giáo cho ta?”
Hàn Tín không trực tiếp trả lời câu hỏi này, mà hỏi ngược lại: “Hôm nay đại vương muốn hướng về phía đông tranh đoạt thiên hạ, đối thủ lớn nhất của ngài không phải là Hạng Vũ sao? Luận về dũng mãnh, nhân ái, quân lực, ngài cho rằng bản thân mình vượt qua được Hạng Vũ ở điểm nào?”
Lưu Bang trầm mặc hồi lâu mới thành thật đáp: “Không sánh bằng”.
Hàn Tín thấy ông hiểu rõ bản thân bèn hướng ông vái hai vái, sau đó nói: “Thần cũng cho rằng đại vương không bằng Hạng Vũ. Tuy nhiên, thần từng là thủ hạ dưới trướng Hạng Vũ, trước tiên xin hãy để thần nói những gì thần hiểu biết về Hạng Vũ”.
Theo cách nhìn của Hàn Tín, ưu thế của Hạng Vũ chỉ là biểu hiện ngoài mặt, thực chất đó chỉ là “thất phu chi dũng” (dũng mãnh của kẻ thất phu), “phụ nhân chi nhân” (nhân ái của đàn bà). Hạng Vũ hét một tiếng có thể dọa sợ hàng vạn binh sĩ, nhưng ông ta không có khả năng sử dụng những nhân tài chân chính.
Ông ta đối với người khác nhân từ cung kính, nói chuyện đầy hòa khí, nếu như có người bệnh tật, ông ta thậm chí có thể mắt ngấn lệ mà đưa đồ ăn đến cho họ. Tuy nhiên khi có người lập chiến công, cần phong vương phong hầu thì ông ta lại do dự không nỡ ban đại ấn, đây chính là “phụ nhân chi nhân”.
Lại nói đến phương diện mưu lược, mặc dù Hạng Vũ xưng bá thiên hạ, phân phong chư hầu, nhưng lại phạm vào rất nhiều đại kỵ. Ông vi phạm hiệp ước với Nghĩa Đế “tiên nhập Quan Trung giả xưng Vương”, có nghĩa là ai vào bình định Quan Trung trước thì sẽ cho người ấy làm vua. Nhưng Hạng Vũ lại trở về Bành Thành.
Ngoài ra ông ta còn phong vương cho thân tín của mình, trục xuất Nghĩa Đế đến Giang Nam. Cũng vì vậy mà chư hầu bốn phương đều bất mãn, nhưng vì sợ Hạng Vũ nên liên tục phản lại Nghĩa Đế. Hạng Vũ tự xưng là Tây Sở Bá Vương, quân đội của ông ta vô cùng tàn bạo, nơi nơi giết người phóng hỏa khiến cho dân chúng ai oán ngút trời.
Hàn Tín tổng kết rằng: Hạng Vũ chỉ là Bá Vương trên danh nghĩa, trên thực tế ông ta đã sớm đánh mất lòng dân trong thiên hạ. Sự cường mãnh của ông ta rất dễ biến thành suy yếu.
Xưa có câu: “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”. Với sự thấu hiểu Hạng Vũ sâu sắc của mình, Hàn Tín đã đưa ra sách lược “Phản kỳ đạo nhi hành” cho Lưu Bang. Nội dung của sách lược này chính là: Sử dụng những tướng sĩ dũng cảm thiện chiến, ban thưởng đất đai thành trì cho những người lập chiến công, tập hợp nghĩa quân phản kháng lại bạo chính. Như vậy, Lưu Bang không những có thể chiêu mộ được một đội quân hùng mạnh, mà còn có được lòng quân vững chắc.
Đối với chiến lược cụ thể, bước đầu tiên trong kế hoạch tiến về phía đông của Lưu Bang là phải nắm được vùng đất Tam Tần. Đây chính là vùng đất mà Hạng Vũ ban cho ba vị tướng nhà Tần đã đầu hàng. Ba người họ đã lãnh đạo huynh đệ Quan Trung chiến đấu nhiều năm, nhưng Hạng Vũ đã lừa gạt họ đầu hàng, kết quả giết chết hơn hai mươi vạn hàng binh. Bách tính nhà Tần đối với ba người này hận tận xương tủy, chỉ vì Hạng Vũ đã dùng sức mạnh của ông ta ép buộc họ trở thành chư hầu.
Khi Lưu Bang tiến vào đất Tần, dựa vào ước định xưng vương và ước pháp Tam Chương với bách tính nước Tần, mà hợp lý hợp tình cai trị vùng đất này. Tuy nhiên, ông lại bị Hạng Vũ đoạt quyền, ép đến Hán Trung. Cũng vì vậy mà bách tính đất Quan Trung vô cùng bất bình thay cho Lưu Bang. Hàn Tín tự tin nói: “Nếu như ngài muốn tiến quân về phía đông, chỉ cần phát thông tri ở vùng đất Tam Tần, thì không cần chiến đấu cũng có được đất Quan Trung này”.
Sau khi nghe xong, Lưu Bang vui mừng khôn xiết, lúc bấy giờ ông mới tin tài năng của Hàn Tín, còn cảm thấy nuối tiếc khi gặp được Hàn Tín quá muộn. Từ việc phân tích tình thế cho đến việc Hàn Tín vì Lưu Bang mà định ra mưu lược thống lĩnh thiên hạ, tất cả đều vô cùng hoàn mỹ.
Lưu Bang cũng vô cùng tôn trọng và bái phục Hàn Tín, can tâm tình nguyện đem tương lai của Hán thất phó thác cho ông, dựa theo kế hoạch của ông mà từng bước mở mang cuộc chiến Hán-Sở.
Hàn Tín được xưng là “Hán Trung Đối”, lưu danh thiên cổ, cùng với “Long Trung Đối” Gia Cát Lượng mà lưu lại nhiều kiệt tác quân sự được hậu thế ca ngợi.
Theo ĐKN