Tinh Hoa

Vì sao lượng từ dùng cho ngựa trong tiếng Trung là “thất”?

Với rất nhiều người, lượng từ là một trong những khó khăn khi học tiếng Trung. Không chỉ người nước ngoài không hiểu tại sao phải dùng các lượng từ khác nhau với mỗi loại danh từ, mà ngay cả người Trung Quốc hiện nay cũng ít ai biết nguyên do. Bài viết sau đây sẽ giải thích vì sao lượng từ dùng cho ngựa lại là “thất” (匹).

Bức tranh “Mã lập trục” của Lang Thế Ninh, tu sĩ người Ý được làm họa sĩ cung đình nhà Thanh. (Ảnh: guo-hua)

Vào thời thượng cổ, “thất” (匹) là một đơn vị đo, chỉ được dùng để đo các sản phẩm dệt như vải vóc. Ví dụ như “thất luyện” (匹练) chỉ một thất lụa trắng, “thất bạch” (匹帛) và “thất đoạn” (匹段) nói về hàng dệt. Một thất bằng bốn trượng, một trượng tương đương 3,58m.

Việc sử dụng “thất” để tính ngựa được thấy sớm nhất trong “Thượng Thư văn hầu chi mệnh”: “Mã tứ thất“. Thượng Thư hay còn được gọi là Kinh Thư là một bộ phận trong bộ sách Ngũ Kinh, ghi lại những truyền thuyết, biến cố về các đời vua cổ có trước Khổng Tử, trong khoảng thời gian 2.000 năm tính từ đời Đế Nghiêu (2356 TCN – 2255 TCN) của thời Ngũ Đế đến trước đời Tần Thủy Hoàng (259 TCN – 210 TCN). Bản Kinh Thư hiện hành được chia làm 4 phần: Ngu thư (ghi chép về đời Nghiêu Thuấn), Hạ thư (ghi chép về nhà Hạ), Thương thư (ghi chép về nhà Thương) và Chu thư (ghi chép về nhà Chu, đến thời Tần Mục công). Có thể thấy, việc dùng “thất” để tính ngựa có lịch sử vô cùng lâu đời.

Ngoài ra, trong “Chu Dịch” cũng xuất hiện từ “thất”: “Nguyệt cơ vọng, mã thất vong“. Từ “thất” trong câu này có ý là phối ngẫu của ngựa.

Con ngựa trong tranh vẽ trên đá Trung Quốc cổ đại. (Ảnh: Fotolia)

Khổng Tử từng giải thích cặn kẽ với học trò Nhan Hồi về việc vì sao dùng “thất mã” làm cách gọi chung cho ngựa. Trong “Hàn thi ngoại truyện” của Hàn Anh người đời nhà Hán ghi lại, trong một lần Khổng Tử và Nhan Hồi cùng đi du ngoạn, sau khi leo lên núi Thái Sơn trong lãnh thổ nước Lỗ, thầy trò hai người nhìn về phía xa theo hướng Đông Nam. Không khí thời cổ đại không bị ô nhiễm như ngày nay nên độ trong suốt vô cùng cao, có thể nhìn xa ngàn dặm.

Lúc đó, Khổng Tử hỏi Nhan Hồi có thấy được Xương Môn hay không. Xương Môn là cửa phía Tây Ngô thành của nước Ngô, nay thuộc Tô Châu, do Ngô Hạp Lư cho xây. Nhan Hồi nhìn một lúc rồi đáp lại: “Con thấy được! Con thấy được!“.

Khổng Tử lại hỏi: “Ngoài cửa có thứ gì?“. Nhan Hồi trả lời: “Ngoài cửa có một thất luyện, phía trước có một bó lá tươi màu xanh“. Luyện là lụa trắng, bó lá cây đó là rơm cỏ.

Nghe xong Khổng Tử liền cười lớn: “Đó không phải là một thất luyện, mà là một thất bạch mã (con ngựa trắng) đang ăn cỏ đấy!“. Ông tiếp tục hỏi: “Con có biết tại sao lại dùng thất để tính mã không?“.

Nhan Hồi đương nhiên không biết. Vì vậy, Khổng Tử giải thích: “Dưới ánh nắng Mặt Trời, bóng của con ngựa dài đến bốn trượng, tương đương một thất, vì vậy gọi ngựa là mã thất“.

Viện bảo tàng Cố cung Đài Loan đã đặc biệt mở cuộc triển lãm “Thư họa Khổng Tử – Vạn thế sư biểu”. Trong ảnh là hình bìa sách tranh bán thân của Nhan Hồi và chí thánh tiên hiền đức – Khổng Tử. (Ảnh: Cố cung Đài Loan)

Ngoài cách giải thích của Khổng Tử, thời Đông Hán còn có cách lý giải khác. Ngựa tốt và quân tử đều phải qua sự xem xét của những người có đôi mắt tinh tường thì mới có thể xác định, từ đây thấy được rằng ngựa tốt có thể xếp ngang hàng với quân tử, do đó gọi “thất mã”. Có một cách giải thích nữa là ngựa chạy băng băng trong đêm khuya có thể nhìn xa bốn trượng trước mắt, vì thế gọi là “một thất”. Còn một cách nói khác rằng giá của ngựa chết là một thất bạch (thứ dệt bằng tơ trần gọi là bạch), cho nên gọi “một thất mã”.

Ngoài ra, vào thời Xuân Thu, lễ vật tặng nhau trong chư hầu thông thường đều là “thặng mã” và “thúc bạch”. “Thặng mã” là bốn con ngựa, “thúc bạch” là năm thất bạch gói lại thành một bó, đơn vị đo của bạch là một thất bằng bốn trượng, vừa bằng số lượng ngựa trong “thặng mã”, vì vậy người xưa dùng thất để tính ngựa.

Tú Văn