Hoa huyên thảo (hoa hiên) tượng trưng cho đức tính ôn nhu, hiền lành, chất phác, kiên nhẫn và tinh thần hy sinh của người phụ nữ phương Đông...
Đa số các nước đều xem hoa cẩm chướng là loài hoa đại biểu cho mẹ, dùng để biểu thị sự kính yêu và hoài niệm đối với mẹ. Kỳ thực, vào thời cổ đại ở Trung Quốc sớm đã có loài hoa đại biểu cho mẹ, đó là hoa huyên thảo. Huyên thảo tượng trưng cho tính ôn nhu, hàm súc, hiền lành, chất phác, kiên nhẫn và tinh thần hy sinh của người phụ nữ phương Đông; trong sự điềm đạm đã lan tỏa ánh sáng về tình yêu thương của mẹ.
Vậy tại sao ở Trung Quốc cổ đại, “huyên thảo” lại là loài hoa đại biểu cho mẹ? Huyên thảo tục xưng là “hoàng hoa”, “hoàng hoa thái”, “kim châm”, “kim châm hoa”, “kim châm thái”, “nghi nam thảo”. Hình dáng của hoa giống hoa bách hợp, màu vàng quýt hoặc vàng pha chút đỏ, không mùi, khi hoa chưa nở có thể hái làm món ăn, rễ của cây có thể dùng làm thuốc, nếu hoa đã nở thì dùng để thưởng thức.
Theo Thuyết văn – Thảo bộ: “Huyên là loại cỏ có thể khiến người ta quên đi ưu phiền”. Người xưa cho rằng lấy chồi non của loại cỏ này làm rau, ăn vào có thể khiến người ta như bị say, làm cho quên đi ưu phiền, cho nên cũng gọi là “vong ưu thảo”, “vong ưu vật”.
Và trong Thái Bình ngự lãm – quyển cửu cửu lục cũng dẫn lời ở Thuật dị kí của Lương Nhậm thời Nam Triều rằng: Huyên thảo còn có tên là tử huyên, cũng gọi là vong ưu thảo, thư sinh đất Ngô gọi nó là liệu sầu hoa.
“Huyên thảo” có nghĩa là quên. Trong Thi kinh – Vệ phong – Bá hề có ghi:
Làm sao có được cây cỏ huyên,
Trồng nó ở nhà phía bắc.
Trong Mao truyện ghi rằng: “Huyên thảo làm cho người ta quên đi ưu phiền; bối là nhà phía bắc”. Hay như Lý Bạch trong bài Tống Lỗ quận Lưu Trưởng sử thiên Hoằng Nông Trưởng sử đã viết:
Muốn nhờ bóng mát nên trồng cây lí,
Muốn quên ưu phiền nên trồng cỏ huyên.
Bắc đường ý chỉ phía sau căn phòng phía đông, là nơi phụ nữ giặt rửa, như trong Nghi lễ – Sĩ hôn lễ có câu: “Phụ nữ giặt rửa tại bắc đường”. Trịnh Huyền cũng viết rằng: “Bắc đường là nửa gian phòng ở phía bắc”. Cho nên người ta mượn “bắc đường” để chỉ mẹ, về sau dùng “huyên thảo” để chỉ nơi ở của mẹ, cũng mượn để ví mẹ.
Có một bài thơ mang tên Bá hề trong Thi kinh cũng thuật lại nỗi nhớ của người phụ nữ về người chồng viễn chinh, mong tìm được cỏ huyên trồng ở bắc đường để quên đi nỗi ưu tư.
Tương truyền vào cuối đời Tuỳ, Đường Thái Tông Lý Thế Dân cùng phụ thân là Lí Uyên nam chinh bắc chiến, mẫu thân của Lý Thế Dân vì nhớ con mà sinh bệnh. Lúc bấy giờ, đại phu đã dùng huyên thảo có tác dụng sáng mắt an thần, nấu lên cho bà dùng, đồng thời đem trồng nơi bắc đường để giải trừ nỗi âu lo.
Vì vậy sau này, những người con khi đi xa sẽ trồng cỏ huyên ở bắc đường, hi vọng mẹ mình sẽ giảm được nỗi nhớ con mà quên đi ưu phiền. Việc trồng cỏ huyên ở bắc đường có thể làm cho người ta quên đi sầu muộn cũng dẫn đến ý nghĩa tình mẫu tử. Như Mạnh Giao – thi nhân thời Đường trong bài Du tử có viết:
Cỏ huyên mọc nơi thềm nhà,
Con đi xa tận cuối chân trời.
Mẹ tựa cửa nhà trông ngóng,
Mà không thấy cỏ huyên trổ hoa.
Bài thơ này mượn cảnh ngụ tình, bộc lộ sâu sắc tình cảm hàm súc giữa mẹ với con, khiến người đọc cảm động. Và thế là ở Trung Quốc, huyên thảo trở thành loài hoa đại biểu cho người mẹ.
Theo chuonghung.com