Ông lão thức dậy thì hoảng hồn khi thấy “người” nằm bên cạnh mình đêm qua là một con hổ vằn dài hơn 3m. Ông sợ đến toát mồ hôi hột, nằm im không dám nhúc nhích…
Vào thời nhà Đường, có một người đàn ông dựng chiếc lều cỏ đơn sơ bên hồ Biệt Tận Bạc, phía bắc huyện Bắc Hải, Thanh Châu. Người này tên là Trương Ngư Chu, sống thanh bần, giản dị một mình bằng nghề đánh cá.
Đến đêm nọ, đột nhiên có một con hổ tiến vào lều của Trương Ngư Chu, lúc này ông đã ngủ say nên không hề hay biết. Con hổ thấy người đã ngủ, không có tiếng động, bèn yên lặng nằm xuống trong lều. Khi trời gần sáng, Trương Ngư Chu mơ hồ nghe thấy tiếng thở hổn hển bên cạnh, còn tưởng rằng có người qua đường ghé lại ngủ nhờ qua đêm. Nhưng rồi ông cũng chẳng quan tâm, lại thiếp đi ngủ tiếp.
Sau khi trời sáng, ông mới mở mắt ra thì nhìn thấy “người” đang nằm cạnh mình, hóa ra là một con hổ vằn dài khoảng hơn 3m. Ông hoảng hồn sợ toát mồ hôi hột, nằm im không dám nhúc nhích.
Không ngờ, con hổ biết ông đã tỉnh, còn đưa chân trước lên chạm vào người ông. Trương Ngư Chu cảm thấy con hổ này không giống những con hổ bình thường khác nên từ từ ngồi dậy thì thấy nó giơ một bàn chân lên trước mặt ông. Ông nhìn kỹ thì thấy một cái gai dài 5, 6 tấc đâm vào chân nó. Ông Trương liền cẩn thận nhổ chiếc gai ra.
Sau đó, con hổ cúi rạp người xuống như thể cảm ơn, rồi lấy thân mình cọ vào người Trương Ngư Chu. Mãi một lúc sau nó mới nhảy khỏi lều, đi vài bước lại ngoái đầu lại nhìn rồi dần đi xa.
Một hôm vào lúc nửa đêm, Trương Ngư Chu đột nhiên nghe thấy tiếng động lớn trước lều. Ông khoác áo ra xem thì thấy một con lợn rừng nằm dưới đất, nặng khoảng 300 cân. Bên cạnh là con hổ hôm trước chui vào lều của ông. Nhìn thấy ông Trương, con hổ lại đến quanh quẩn, cọ vào người ông, một lúc lâu sau mới chịu rời di. Ông Trương biết hổ mang lợn rừng đến là để báo đáp mình.
Kể từ đó, đêm nào hổ cũng mang thức ăn đến cho ông, hôm thì lợn rừng, hôm lại hươu rừng.
Bị hiểu lầm là yêu quái
Dân làng ven hồ cũng biết chuyện bất thường này, họ hoảng sợ cho rằng Trương Ngư Chu là yêu quái nên đã dùng ma lực sai khiến hổ săn mồi cho mình. Một ngày nọ, một nhóm dân làng đã hẹn nhau đến lều cỏ đem ông Trương giải lên nha môn để làm rõ chuyện.
Huyện lệnh cũng thấy sự việc này hết sức kỳ quái: Làm sao một con hổ lại không ăn thịt người mà trái lại, ngày nào cũng mang thức ăn đến cho ông ta? Huyện lệnh nhanh chóng sai người đưa nghi phạm đến, thăng đường thẩm vấn. Trương Ngư Chu được đưa vào công đường, nghe thấy quan huyện đập bàn hét lớn: “Lão Trương, mau đem chuyện ngươi và hổ kể rõ sự tình đi”.
Trương Ngư Chu vốn là người điềm tĩnh, chất phác, trong đời chưa từng làm điều gì sai trái, tuy bị hiểu lầm đưa lên quan nhưng trong lòng rất thản đãng. Tại công đường, ông bình tĩnh kể lại toàn bộ sự việc. Quan huyện bán tín bán nghi, bèn sai nha dịch đưa ông Trương về lều cỏ rồi ẩn nấp ở một nơi kín đáo theo dõi.
Canh hai hôm đó, con hổ lại mang đến một con nai sừng tấm, nó vẫn nán lại bên cạnh Trương Ngư Chu một lúc lâu, trông rất thân thiện. Đám sai nha sững sờ, hóa ra những gì lão Trương nói đều là sự thật, mọi chuyện đã được chứng thực. Sai nha liền về bẩm báo lại những gì mắt thấy tai nghe cho huyện lệnh. Huyện lệnh cảm phục, trả lại sự trong sạch cho ông Trương.
Sau khi được thả ra, Trương Ngư Chu ngẫm lại mình chỉ nhổ một chiếc gai cho hổ, lại được hổ báo đáp hậu hĩnh như vậy, mình có thể làm được gì cho hổ nữa đây? Ông thấy con hổ này rất có linh tính, có lẽ do nợ nghiệp kiếp trước nên nó mới bị đọa vào cõi súc sinh, nên ông định sẽ làm chút công đức cho nó tiêu bớt nghiệp chướng. Vì vậy, ông đã đặt 100 suất ăn làm từ thiện cho dân.
Đêm đó, hổ lại mang đến một lễ vật khác, nhưng lần này không phải là thức ăn, mà là một dải lụa trắng tinh.
Rồi một ngày, túp lều cỏ của ông Trương bất ngờ bị hổ đến phá hỏng. Trong lòng ông Trương hiểu rằng, con hổ làm vậy là muốn nói ông không nên sống ở nơi này nữa. Sau đó, ông Trương cũng chia tay nơi đây và chuyển đến một nơi khác. Kể từ đó, con hổ cũng biến mất không thấy tung tích.
Thiện thực chất là một loại năng lượng rất mạnh mẽ, không chỉ có thể cảm hóa con người, mà còn cảm hóa được mọi thứ thế gian. Con hổ có lẽ đã biết ông Trương từ lâu, cảm nhận được ông là người hiền lành, lương thiện nên đã không làm hại ông, ngược lại còn đến nhờ ông giúp đỡ. Sau này lại báo đáp ông vô cùng hậu hĩ. Quả là một kỳ tích về mối thiện duyên giữa người và mãnh thú cùng lòng tốt cảm hóa vạn vật.
Nguồn: “Quảng dị ký” của Đới Phu thời nhà Đường.
Hồng Liên (Theo Epoch Times)