Tinh Hoa

Vì sao đôi lúc mới gặp một người lần đầu đã vô cớ cảm thấy thích hay ghét?

Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta mới gặp một người lần đầu tiên mà đã cảm thấy rất quen thuộc, rất có thiện cảm, nhưng cũng có lúc đột nhiên cảm thấy rất chán ghét. Trên thực tế, những cảm giác này đều không phải vô cớ nảy sinh, mà hết thảy đều do nhân duyên tiền kiếp.

Cảm giác yêu thích hay chán ghét một người chỉ mới gặp lần đầu không phải vô cớ nảy sinh, mà là do nhân duyên tiền kiếp. (Ảnh sưu tầm từ Internet)

Có một ngày, Phật Thích Ca Mâu Ni dẫn Tôn giả Ca Diếp cùng Tôn giả A Nan ra ngoài. Trên đường đi, khi khát nước Đức Phật dừng lại nói: “A Nan, bên kia có giếng, có một người phụ nữ đang múc nước ở đó, con hãy đi xin ít nước uống đi“.

A Nan liền vâng lời đi xin nước, nhưng mới vừa đến gần người phụ nữ kia thì cô đã hô lớn: “Đi đi, tôi sẽ không bao giờ múc nước cho ông“.

A Nan không vui quay về kể lại sự việc cho Thích Ca Mâu Ni. Ngài liền nở nụ cười bảo: “Ca Diếp, con đi múc nước đi“.

Sau khi Ca Diếp đi qua, người phụ nữ kia liền nói: “Vị xuất gia này đi xin nước à? Tôi có thể múc cho ông“.

Tôn giả Ca Diếp sau đó mang nước về. Lúc đó A Nan liền hỏi Đức Phật: “Hai con đều chưa từng tới nơi này, đều là lần đầu tiên gặp người này, tại sao phản ứng của cô ấy trước sau như hai người khác nhau vậy thưa thầy?

Phật Thích Ca Mâu Ni nói: “Trong quá khứ có một kiếp người phụ nữ này là một con chuột. Sau khi con chuột chết, xác nó bị ném trên đường. Con và Ca Diếp lúc ấy là sư huynh đệ đồng môn. Lúc con đi qua xác con chuột đã nói: ‘Xác chuột chết trên đường, thật đáng ghét’, sau đó đi luôn”.

Ngài nói tiếp, “còn Ca Diếp sau khi thấy xác chuột lại nói: ‘Con chuột làm sao lại chết ở chỗ này đây? Thật đáng thương’. Thế là chọn một chỗ ngay ven đường chôn xác chuột, hơn nữa còn niệm chú cầu nguyện cho con chuột. Vì nhân duyên đó nên kiếp này các con gặp mặt liền tự nhiên có cảm giác thích và không thích“.

Cho nên chúng ta đôi khi gặp tình huống tự nhiên cảm thấy thích hoặc chán ghét ai đó, thật ra cũng vì lý do tương tự, chẳng qua là chúng ta đã quên mất nhân duyên tiền kiếp mà thôi. Kỳ thực không chỉ tiền kiếp, mà còn rất nhiều chuyện trong kiếp này chúng ta cũng đã quên đi.

Do đó, một người không biết rõ chân tướng luần hồi kiếp trước và kiếp sau, thật sự là quá đáng thương. Bởi vì không biết rõ nhân duyên từ thuở ban đầu đến nay thì chỉ có thể nhìn đến ân oán hiện tại và tương lai, chỉ có thể lấy oán báo oán, oan oan tương báo bao giờ mới dứt!

Điều Phật Pháp muốn nói cho chúng ta biết chính là một người làm sao mới có thể có được trí tuệ chân chính, sống như thế nào mới có ý nghĩa nhất. Đã biết có nhân duyên quả báo, đã biết hiện tượng sinh mệnh luôn tương ứng nối tiếp, đã biết tương lai kéo dài vô hạn, thì mỗi người trong chúng ta đều nên quý trọng hiện tại. Cũng giống như chúng ta hôm nay, mỗi cá nhân đều có rất nhiều người đáng giá cho bản thân quý trọng. Phải quý trọng từng mối nhân duyên đến với bản thân, bởi một khi bỏ lỡ thì những nhân duyên này sẽ không lại đến nữa.

Tú Văn biên dịch