Không chỉ trong tôn giáo mà nhiều nghiên cứu khoa học ngày nay cũng đã cho thấy con người có kiếp trước kiếp sau. Một người khi chết đi, linh hồn sẽ ly thể và chuyển sang một kiếp sống mới; quá trình này gọi là luân hồi. Vậy mục đích của việc luân hồi là gì?
Theo giới tu luyện, khi một người làm việc tốt sẽ nhận được “đức”. Người có nhiều đức thì khẳng định là người tốt, họ cũng sẽ nhận được những ban thưởng tương xứng với lượng đức mà họ có. Chẳng hạn như: Khỏe mạnh, giàu có, sự nghiệp thành công, hôn nhân mỹ mãn, gia đình đầm ấm, v.v.
Còn khi một người làm điều xấu thì sẽ nhận phải “nghiệp lực”. Người có nghiệp lực thì phải hoàn trả những tội nghiệp do mình gây ra. Ví như, kiếp này bạn sống trong cảnh nghèo túng, có thể là vì kiếp trước bạn đã lạm dụng tiền của mà hành ác. Nhưng đồng thời cũng là một khảo nghiệm, xem bạn khi sống trong hoàn cảnh đau khổ đến tuyệt vọng, bạn có thái độ sống đúng đắn hay không. Nếu bạn có thể đối đãi với những khổ nạn của cuộc đời bằng một tâm thái bình tĩnh, và lựa chọn một thái độ sống tích cực, thì nghiệp lực của bạn cũng theo đó mà hoàn trả.
Do đó các sinh mệnh đều trải qua các kiếp luân hồi để cân bằng hết thảy những thiện duyên và ác duyên đã gieo từ nhiều đời trước, cho nên cũng nói: Nghiệp và đức là nguồn gốc của luân hồi, và luân hồi là để cân bằng đức và nghiệp.
Dick Sutphen là một nhà tâm lý học nổi tiếng. Ông từng tiến hành nghiên cứu và quan sát tỉ mỉ đối với những người có thể nhớ những ký ức đã trải qua trong nhiều tiền kiếp và ghi lại kết quả trong cuốn sách “Predestined Love” (Tạm dịch: Tình yêu tiền định) và “Past-life Therapy in Action” (Tạm dịch: Liệu pháp nhớ lại kiếp trước).
Theo Dick Sutphen, nghiệp lực được chia thành năm loại:
1. Nghiệp cân bằng
Đây là hình thức dễ thấy nhất, là một loại quan hệ nhân quả cân bằng
Một người thanh niên tại đời trước đã đối xử tàn nhẫn với người khác. Ở kiếp này, anh ta đã sống rất cô độc, anh ta cũng không tìm được một người bạn tri kỷ nào. Một ví dụ khác là có một người trong đời này dẫu nỗ lực đến đâu cũng không được thăng chức, là vì đời trước anh ta đã phá hủy cơ hội thăng chức của người khác. Một người phụ nữ mắc bệnh đau nửa đầu vô cùng nghiêm trọng, là vì cô ta ở kiếp trước do ghen tuông mà dùng hung khí đánh vào đầu người yêu cho đến chết. Có người sinh ra mắt đã bị mù, là vì đời trước anh ta làm lính La Mã đã làm mù mắt của một người tù nhân Cơ Đốc giáo.
2. Nghiệp lực tự thân
Nghiệp lực tự thân là kết quả của việc đã làm tổn thương chính thân thể của mình ở đời trước, và hoàn trả nghiệp phần nhiều đều sẽ biểu hiện trên bộ phận tương ứng. Nghiệp lực tự thân đa phần là do luân hồi quá nhanh, để rồi khi đầu thai để lại vết sẹo di lưu từ tiền kiếp. Một đứa trẻ sinh ra mắc bệnh phổi, có thể là do ở kiếp trước hút thuốc lá quá nhiều rồi đến cuối đời chết vì bị ung thư phổi. Còn có người trên thân hay khuôn mặt có mang vết bớt, đó là hậu quả của vết bỏng nặng trong đời trước di lưu lại.
3. Nghiệp sợ hãi
Nguyên nhân gây ra nghiệp sợ hãi xuất phát từ những tổn thương trong cuộc sống tiền kiếp.
Ví dụ như có một người nghiện làm việc, khi thôi miên hồi tưởng tiền kiếp anh ta đã nhớ ra mình không thể nuôi sống gia đình trong thời kỳ Đại suy thoái, anh ta nhớ rằng anh ta đã tự tay chôn cất đứa con trai chết vì đói của mình. Kết quả là ở kiếp này, trong vô thức anh ta làm mọi cách để tránh lặp lại việc tương tự trong quá khứ. Vì vậy, loại động lực nội tại này khiến anh ta làm việc ngày đêm không ngừng nghỉ, để đảm bảo cuộc sống kinh tế gia đình đầy đủ.
4. Nghiệp giả tội
Cảm giác giả tội là do vết thương hoặc gặp sự cố trong sinh hoạt ở đời trước, nhưng người đó không thật sự có lỗi trong việc đó.
Có một người bị bệnh bại liệt trẻ em mà tê liệt hai chi dưới. Anh ta nhớ lại trong tiền kiếp mình làm nghề tài xế, trong một lần chạy xe trên đường đã sơ ý tông phải một đứa trẻ, khiến nó bị thương tật, về sau hai chân không thể đi đứng như bình thường. Khi nhớ lại điều ấy, anh ta đã vô cùng hối hận mà tự trách bản thân. Là vì anh ta trong khi tự trách mà đã tiêu trừ được nghiệp lực, do đó đạt được giải thoát bản thân.
5. Nghiệp do phấn đấu bản thân
Tài năng và tri thức của một người có được trong đời này phải trải qua đời đời kiếp kiếp tích luỹ mới có thể đạt được.
Chẳng hạn như, có một người rất quan tâm đến âm nhạc và hạ quyết tâm sẽ nỗ lực chăm chỉ để có thành tựu vì niềm đam mê âm nhạc của mình. Anh ta trong sáu lần luân hồi đã bồi dưỡng năng lực âm nhạc của bản thân, mỗi đời đều có chút tiến bộ. Cuối cùng, ở đời này, anh ta đã trở thành một nghệ sĩ nổi danh.
Có một người phụ nữ trung niên, trong 30 năm qua bà đã có một cuộc sống hôn nhân mỹ mãn khiến nhiều người vô cùng ngưỡng mộ. Đó là kết quả của việc qua nhiều lần luân hồi chuyển thế, bà luôn chú trọng tu dưỡng phẩm hạnh, duy trì mối quan hệ hài hòa với mọi người.
Có câu “Nhân vô thập toàn”, con người không một ai là hoàn hảo. Mỗi người đều từng phạm phải những lỗi lầm trong cuộc sống. Hiểu được luân hồi, sẽ hiểu được ý nghĩa của sinh mệnh, làm tư tưởng và đạo đức thăng hoa. Luân hồi là hình thức tồn tại cơ bản của sinh mệnh, cũng là biểu hiện từ bi của vũ trụ đối với một sinh mệnh. Sự từ bi này được thể hiện thông qua việc cấp cho sinh mệnh một lần cơ hội để sinh mệnh đó có thể sửa sai, học tập, bổ sung và không ngừng hoàn thiện chính mình.
Còn từ một góc độ cao hơn nữa mà xét, chúng ta có thể thấy rằng mọi việc trên đời đều đã có an bài từ trước, tuyệt đối không có chuyện ngẫu nhiên. Nếu như một sinh mệnh trong quá trình không ngừng hoàn trả nghiệp và tích đức, sinh mệnh đó trở nên ngày càng thành thục, thuần khiết và tốt đẹp hơn thì chắc chắn sẽ có một tương lai tốt đẹp.
An Nhiên (Theo Chánh Kiến)