Tinh Hoa

Vì sao con gái Thiên tử thời xưa được gọi là “Công chúa”?

Từ những điển tịch cổ thư, chúng ta đều có thể thấy danh thiệu “Công chúa” là chỉ con gái của Hoàng đế, nhưng rốt cuộc danh xưng “Công chúa” này từ đâu mà có?

Nhiều người khá quen thuộc với danh xưng ‘công chúa’ nhưng rất ít ai biết được nguồn gốc của danh từ này. (Ảnh qua Afamily)

Trong Xuân Thu Công Dương truyện, có ghi chép:

Thiên tử giá nữ hồ chư hầu, tất sử chư hầu đồng tính giả chủ chi.

Tạm dịch:

Thiên tử gả con gái cho chư hầu, tất phải do chư hầu cùng họ làm chủ hôn.

Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, chư hầu của các nước chư hầu xưng là “công”. Khi Thiên tử gả con gái cho chư hầu, bản thân Thiên tử không làm chủ hôn mà lệnh cho chư hầu cùng họ là Công hầu đến chủ trì hôn sự.

Sách ‘Ấu học quỳnh lâm‘ thời Minh, bổ túc thêm:

Con gái hoàng đế do công hầu làm chủ hôn, vì vậy gọi là Công chúa.

Từ “主” (chủ) phiên âm sang tiếng việt thành “Chúa”, vì vậy từ “công chủ” cũng được biến âm thành “công chúa”. Do đó con gái của Thiên tử cũng được gọi là Công chúa.

Vì vậy, danh xưng “Công chúa” bắt nguồn sớm nhất từ thời Xuân Thu Chiến Quốc. Về sau, xưng hiệu này tiếp tục được sử dụng từ triều nhà Hán mãi cho đến triều nhà Thanh.

Danh xưng Công chúa bắt nguồn sớm nhất từ thời Xuân Thu Chiến Quốc. (Ảnh: kknews)

Theo quy định trong triều Hán, con gái Hoàng đế xưng là “Công chúa”, chị em của Hoàng đế xưng là “Trưởng công chúa”, cô của Hoàng đế xưng là “Đại trưởng công chúa“. Thêm chữ “Đại trưởng” hay “Trưởng” đều có ý tôn kính.

Thời Đông Hán, con gái Hoàng đế được phong là “Huyện công chúa”, tức là danh xưng trước Công chúa đều là tên Huyện. Đến thời nhà Tấn, con gái của Hoàng đế đều được phong làm Quận công chúa, chính là danh xưng trước Công chúa đều là tên Quận.

Bức tượng của Tùng Tán Can Bố và Văn Thành công chúa (bên phải) và Xích Tôn công chúa (bên trái). (Ảnh: Pinterest)

Đến triều đại nhà Đường, danh xưng “Công chúa” vẫn như cũ, nhưng có quy định cấp bậc, Đại trưởng công chúa, Trưởng công chúa, Công chúa, đều có thể hưởng đãi ngộ ngang với quan nhất phẩm.

Đến triều Thanh, Thái Tông Hoàng Thái Cực kế thừa quy định của triều Minh, nên con gái của hoàng đế gọi là Công chúa. Tuy nhiên, Công chúa cũng có phân biệt các cấp, Công chúa do Hoàng hậu hạ sinh được phong là “Cố Luân công chúa“, hưởng đãi ngộ ngang với Thân vương; con gái nuôi của Hoàng hậu hoặc Công chúa do Hoàng phi hạ sinh được phong là “Hòa Thạc công chúa“, hưởng đãi ngộ ngang với Quận vương.

Tiểu Thiện (Theo Epoch Times)