Con người nếu bị va đập mạnh vào đầu, những mạch máu trong mắt có thể bị phá vỡ, dây thần kinh cũng bị tổn thương. Thế nhưng chim gõ kiến gõ vào thân cây khoảng 12.000 lần mỗi ngày lại không hề gì. Chúng có gì đặc biệt?
Kết quả nghiên cứu về chim gõ kiến cho thấy bất chấp thói quen săn mồi độc nhất vô nhị, loài chim này không hề bị ảnh hưởng thần kinh hay gặp chấn thương nguy hiểm nào. Khi dùng chiếc mỏ sắc gõ liên tục với tốc độ nhanh lên thân cây, chim gõ kiến phải hứng chịu cùng lúc áp lực khủng khiếp lên phần đầu – sức ép có thể khiến con người tử vong.
Nhưng trên thực tế loài chim này vẫn bình an vô sự. Đó là lý do các chuyên gia nghiên cứu cách chim gõ kiến được bảo vệ khỏi những ảnh hưởng có hại trong lúc mổ thân cây, với hy vọng có thể tìm ra những hướng tiếp cận mới nhằm ngăn chặn và điều trị chấn thương đầu ở người.
Chấn thương vùng đầu là một trong những nguyên nhân gây tử vong chính trên toàn thế giới. Ước tính tổn thương não chiếm đến 15% các trường hợp chết chóc và tàn tật. Những chấn thương này có thể xảy ra dưới ảnh hưởng hoặc sự thay đổi đột ngột trong vận tốc của đầu. Dù vậy, quy luật áp dụng lên loài người dường như chẳng mảy may gây tác động đến loài chim gõ kiến, bất chấp chúng thường dùng mỏ mổ thân cây ở vận tốc từ 6 -10m/giây, và đôi khi sản sinh ra lực ép đến 1.000G.
Cơ bắp săn chắc, xương sọ cấu tạo kiểu bọt biển, cùng với một mí mắt dày cộp đã giữ cho bộ não của chúng được nguyên vẹn.
“Nếu bạn bị đập mạnh vào đầu, bạn có thể bị vỡ mạch máu sau mắt hoặc bị chấn thương dây thần kinh sau mắt. Từng chứng kiến nhiều bệnh nhân bị tai nạn ôtô và biết được hành động của chim gõ kiến, tôi không khỏi băn khoăn tự hỏi vì sao những chấn thương này không xảy ra ở loài gõ kiến“, bác sĩ khoa mắt Ivan Schwab tại Đại học California Davis cho biết.
Và Schwab đã được trao giải Ig Nobel vào mùa hè năm 2014 nhờ công trình nghiên cứu vì sao chim gõ kiến tránh được những cơn đau đầu.
Cùng với những cú gõ thẳng tắp như mũi tên vào thân cây giúp tránh gây chấn động lên đầu, cơ thể của loài chim cũng được thiết kế để giảm thiểu tác động. Một phần nghìn giây trước khi cú gõ xảy ra, khối cơ dày đặc trong cổ chim co lại còn mí mắt thì nhắm chặt lại. Một phần lực được giải toả xuống cơ ở cổ và bảo vệ sọ khỏi bị một cú trời giáng. Xương chịu nén ở sọ cũng tạo nên một lớp đệm bảo vệ. Trong khi đó, mí mắt nhắm chặt của con chim bảo vệ mắt khỏi bị bất cứ mảnh gỗ nào bắn vào và giữ con ngươi được cố định.
“Mí mắt có tác dụng như cái thắt lưng an toàn và giữ mắt khỏi bị bắn ra khỏi mặt“, Schwab nói. “Nếu không lực gia tốc sẽ xé tan võng mạc”. Bản thân phần bên ngoài của mắt cũng rất chắc và căng đầy máu để bảo vệ võng mạc khỏi bị xô đẩy.
Não chim cũng rất chắc chắn trong những lần bổ đầu như vậy. Những chấn thương lên đầu người thường làm bộ não bị va đập lắc lư trong lớp chất lỏng tuỷ não. Nhưng chim gõ kiến thì hầu như không có lớp chất lỏng này.
Một số chuyên gia cho rằng có thể áp dụng những khám phá về cấu trúc xương đầu của chim gõ kiến trong việc thiết kế mũ bảo hiểm thế hệ mới giúp giảm tối đa ảnh hưởng của những cú va chạm chết người đối với não bộ con người.
Và như vậy hình ảnh chim gõ kiến mổ liên tục vào thân cây sẽ không còn khiến bạn lo lắng nữa nhé, vì yên tâm rằng chúng sẽ không cần đến panadol…
Hồng Liên t/h