Trong lịch sử có một vị hoàng đế với cuộc đời phi phàm. Ông một lòng hướng Phật, từng 4 lần lên chùa tu hành. Đặc biệt trong tiền kiếp, ông từng là một con giun đất, nhờ nghe kinh Phật mà đắc được cơ duyên chuyển sinh thành người…
Trong Phật giáo có giảng về lục đạo luân hồi. Trong 6 cõi luân hồi này, sinh mệnh tùy vào đức và nghiệp mà có thể chuyển sinh thành người, động vật hay thực vật…
Vào thời Đông Tấn, có một con giun đất sống trong chùa. Ngày ngày từ sớm đến tối nó đều nghe các nhà sư tụng niệm kinh Phật trong 3 năm. Một ngày nọ, vị hòa thượng mới xuất gia (sa di) đang làm cỏ trong sân thì vô tình chém đứt đôi con giun đất. Sa di thương cảm nói: “Tội lỗi! Tội lỗi!” rồi đem nó đi chôn.
Nhưng giun đất nhờ nghe kinh Phật nên đắc được phúc báo, có cơ duyên chuyển sinh thành người và tu luyện. Nó đầu thai vào một gia đình nghèo ở Giang Tô, trở thành cậu bé tên là Phạm Đạo. Khi vừa lớn lên thì cha mẹ qua đời, Phạm Đạo liền xuất gia đến chùa Quang Hóa, theo sư phụ Hư Cốc tu luyện, lấy Pháp danh Phổ Năng. Phổ Năng rất siêng năng, chịu khó, luôn ân cần cung phụng các trưởng lão trong chùa.
Tuy không biết chữ, nhưng cậu có thể học thuộc lòng Kinh Pháp Hoa. Từ sớm đến tối, lúc nào rảnh cậu lại nỗ lực tụng niệm kinh Phật. Sau hơn 30 năm tinh tấn, một ngày nọ, Phổ Năng nghe tin Thiền sư Đại Đồng của chùa Vạn Phật toạ hoá, cũng muốn chuyển kiếp. Sau khi nghe sư phụ dặn dò, Phổ Năng liền tọa hóa đi.
Chuyển sinh thành Hoàng Phục Nhân
Đời tiếp theo, Phổ Năng chuyển sinh tới một gia đình quan lại họ Hoàng. Khi con trai lên 1 tuổi, Hoàng viên ngoại đưa con đến chỗ sư phụ Hư Cốc, chùa Quang Hóa, đứa trẻ được đặt Pháp danh là Hoàng Phục Nhân.
Từ nhỏ, Hoàng Phục Nhân đã một lòng muốn tu luyện. Đến năm 15 – 16 tuổi, gia đình cưới cho anh con gái của một thái úy. Nhưng cô gái này từ nhỏ cũng đọc Kinh Phật và muốn xuất gia. Thế là sau khi kết hôn, họ không làm vợ chồng mà ngày ngày đọc kinh, ngồi thiền.
Nhưng Hoàng Phục Nhân đời này vì còn động tâm trước nữ sắc nên tu luyện không thành, đành phải tiếp tục chuyển sinh. Tu luyện trong quá khứ rất nghiêm khắc rất khổ, vì một chấp trước mà phải tiếp tục luân hồi.
Chuyển sinh thành Lương Vũ Đế
Khi Phục Nhân tọa hóa, đúng lúc vợ Tiêu Thuận Chi, họ hàng xa của Nam Tề Cao Đế sắp sinh. Một đêm, vợ Tiêu Thuận Chi mơ thấy một người đàn ông cao lớn mặc trang phục vua chúa, cả người tỏa ánh vàng kim đi vào phòng bà bái lạy. Bà kinh ngạc đang định hỏi thì tỉnh giấc rồi hạ sinh một bé trai.
Đứa trẻ sinh ra có dung mạo uy nghiêm, mắt hổ mặt rồng, trên cổ có vòng hào quang, tay phải có ấn chữ Vũ, được đặt tên là Tiêu Diễn (Tên húy của Lương Vũ Đế (464 – 549). Tiêu Diễn từ nhỏ đã thông minh lại thích đọc sách, có tài năng thiên bẩm về quân sự và văn học nghệ thuật, mới 7, 8 tuổi đã danh tiếng hiển hách.
Nhà sư giết giun đất
Theo “Triều Đình Thiêm Tải”, khi Lương Vũ Đế tại vị, ông từng sai người thỉnh mời một nhà sư hết sức tinh tấn, đã có thần thông vào cung.
Hôm đó, Vũ Đế đang chơi cờ tướng thì sứ giả tới tâu: “Thưa bệ hạ, nhà sư mà người cho tìm đã đến”. Vũ Đế đang chăm chú đánh cờ, muốn ăn quân cờ của đối phương liền nói “Giết chết!”. Sứ giả nghe vậy liền đưa nhà sư đi chém đầu.
Khi ván cờ kết thúc, Vũ Đế nhớ ra mời nhà sư vào điện nhưng sứ giả đã giết ông ta rồi. Lương Vũ Đế bàng hoàng hỏi trước khi chết nhà sư đã nói gì.
Sứ giả tâu: “Nhà sư nói: ‘Bần tăng vô tội, kiếp trước trong lúc ta đào đất đã giết lầm một con giun. Hoàng thượng lúc ấy chính là con giun đất này. Bây giờ ta đã phải chịu quả báo này”. Hoàng đế nghe xong rơi nước mắt hối hận.
“Hoàng đế Bồ Tát”
Từ khi Lương Vũ Đế lên ngôi, sự nghiệp trị vì của ông vô cùng hiển hách. Ông là người yêu thương dân chúng, siêng năng chăm lo chính sự. Bất kể là xuân hạ thu đông, mỗi ngày đều thức dậy vào lúc canh tư để phê duyệt tấu chương. Ông sẵn sàng tiếp thu những lời khuyên can, lắng nghe ý kiến của quần chúng, cố gắng hết sức tuyển mộ người tài. Ông còn đích thân giáo huấn quan lại các nơi nhất định phải thanh liêm, vì nước vì dân.
Lương Vũ Đế một lòng thành kính lễ Phật. Sau khi đăng vị, ông từng hạ chiếu nói mình sẽ xuất gia cùng nhà sư Huệ Ước tại điện Chính Giác. Trong quá trình xuất gia, trên bầu trời có mưa móc, còn có hai con chim công bay đến cửa điện khiến Vũ Đế rất vui mừng.
Mặc dù Vũ Đế đã xuất tâm tu luyện nhưng còn nhiều tâm người thường chưa buông bỏ, còn rất thích thể diện. Khi thọ giới, ông đóng cửa và dập dầu bái lễ với sư phụ. Ông còn nói nhỏ: “Đệ tử bái lễ, xin chớ để người ngoài biết”.
Nhìn đệ tử, sư phụ Huệ Ước lập chưởng bay vào trong chiếc bình, khoanh chân kết ấn, một lát sau lại hóa thành mây ngũ sắc bay ra. Ông nói với Vũ Đế: “Chuyện bần tăng hóa thân vào chiếc bình, mong bệ hạ cũng chớ nói cho người ngoài biết”. Người tu luyện đến một trình độ sẽ sinh ra thần thông quảng đại, trường sinh bất lão. Đây là điều bất cứ thứ gì ở nhân gian đều không thể sánh bằng. Việc tu luyện thần thánh cao quý như vậy, có gì để hổ thẹn chứ.
Sau này, Lương Vũ Đế nghiêm túc tuân thủ giới luật, mỗi ngày chỉ ăn chay một bữa, sống đạm bạc, giản dị. Ông còn từng 4 lần xả thân làm hòa thượng ở chùa Đồng Thái (hiện nay là chùa Kê Minh ở Nam Kinh).
Không chỉ chuyên cần tự tu bản thân, Lương Vũ Đế còn muốn hoằng dương Phật pháp để dân chúng được hưởng thọ ích. Ông đã cho xây dựng chùa tháp, đúc tượng Phật, truyền rộng Phật giáo khắp nơi. Dưới thời Vũ Đế, từ tông thất đế vương đến bách tính bình dân đều sùng kính thờ Phật. Phật giáo trở thành quốc giáo, hưng thịnh chưa từng có. Do đó, ông còn được người đời gọi là “Hoàng đế Bồ Tát”.
Ngoài việc chấn hưng Phật Pháp, triều đình của ông cũng lấy Nho giáo làm chủ đạo. Trên dưới trong cả nước, từ hoàng đế cho đến vương công quý tộc đều lấy nho nhã, đức hạnh làm vinh diệu, ai nấy đều nỗ lực đề cao văn hóa, đạo đức của bản thân.
Trong gần 50 năm tại vị, Lương Vũ Đế đã khiến Nam triều xuất hiện cảnh tượng văn hóa vô cùng thịnh thế. Ngay cả quốc gia ở phương Bắc cũng phải hết lời ca ngợi, học theo.
Một ngày nọ, Vũ Đế cảm thấy trong miệng rất đắng, sai người đi tìm mật ong mà không tìm được, cuối cùng đã ra đi trong điện Văn Đức.
Xây chùa lễ Phật công đức bao nhiêu
Trong số 480 ngôi chùa ở Nam Triều có rất nhiều là do Lương Vũ Đế xây dựng. Nhiều người cho rằng đây là chuyện công đức vô lượng. Tuy nhiên theo ghi chép, Vũ Đế đã từng gặp gỡ Sư tổ Thiền tông Bồ Đề Đạt Ma.
Vũ Đế hỏi: “Đại sư, từ khi lên ngôi, con đã tu sửa chùa chiền, sao chép kinh sách, cấp dưỡng vô số tăng nhân. Vậy con có công đức gì?”.
Tổ sư Đạt Ma nói: “Không có công đức”.
Võ Đế nghe vậy bực mình, bèn hỏi lại: “Vậy phải thế nào mới tính là có công đức?”.
Tổ sư liền nói: “Những việc con làm chẳng qua chỉ là hình thức bề ngoài. Mặc dù xuất phát điểm là tốt, coi như là Thiện quả nhưng không thể là Chính quả”.
Hoàng đế vội vàng hỏi: “Làm thế nào mới có thể có công đức thực sự?”.
Tổ sư Đạt Ma trả lời: “Chân chính tu chính mình, để cho bản thân thật sự thanh tĩnh, có trí huệ, cảm nhận được cảm giác trống không vắng lặng. Đây mới là công đức thực sự, mà không phải hướng ngoại cầu lấy điều gì”.
***
Phật gia giảng con người sống chính là vì nghiệp lực luân báo. Đời trước tạo nghiệp, đời sau phải trả, đời trước tích đức, đời sau hưởng phúc, nhưng vẫn phải chuyển sinh trong luân hồi. Chỉ có tu luyện đắc Đạo mới có thể giải thoát.
Cũng bởi lẽ đó mà từ xưa đến nay, không ít sinh mệnh ngộ tính tốt đều muốn tu luyện siêu xuất cõi hồng trần. Nhưng tu luyện không dễ, trong quá khứ người ta phải tu rất lâu, thậm chí phải chuyển sinh nhiều đời tu tiếp. Nếu không tu thành thì chỉ tích đức, đời sau làm quan lớn, phát đại tài.
Như chú giun đất trong câu chuyện trên, đã may mắn nghe được Phật Pháp, đắc được cơ duyên chuyển sinh thành người tu luyện. Nhưng trải qua nhiều đời, đến khi trở thành Hoàng đế, mặc dù hết lòng tu Phật nhưng vẫn chưa thể đắc Đạo.
Nhưng dẫu sao ông cũng đã lưu lại một thời kỳ vàng son trong quá trình hồng dương văn hóa Thần truyền, tạo cơ sở tốt cho chính ông và vô số thần dân trên con đường tìm kiếm ý nghĩa thực sự của sinh mệnh.
Theo Sound of Hope