Sinh tồn ở thế gian, dẫu là người hay động vật đều có tình, đôi khi cái tình và sự trung nghĩa ở động vật lại là bài học đáng suy ngẫm cho loài người.
Câu chuyện thứ nhất: Trư đạo nhân
Vùng Phụng Dương có một lái buôn theo nghề buôn heo. Trong đám heo của ông có một con heo đặc biệt phục tùng, giống như có thể nghe hiểu được ý người vậy. Người lái buôn rất yêu thích nó, giữ nó lại làm heo mẫu. Mỗi lần bầy heo kết thành hàng mà đi thì con heo này đi trước dẫn đường, nó đã được nuôi dưỡng mười mấy năm.
Có một ngày, lái buôn đi đến Từ Khê Khẩu, Túc Châu, dừng chân nơi quán trọ. Người chủ quán trọ trông thấy bạc tiền của người lái buôn nên nảy lòng tham nhẫn tâm xuống tay giết chết ông, rồi quăng thi thể vào một cái giếng khô, không ai phát hiện. Chủ quán trọ sau đó đem bán con heo này cho đồ tể, nhưng nó đã thừa cơ chạy thoát, đồ tể đuổi sát theo sau. Vừa khéo gặp được quan Thái thú xuất hành, chú heo quỳ gối kêu gào trước xe của quan Thái thú, giống như có chuyện muốn tố cáo vậy.
Thái thú cảm thấy chuyện này rất khác lạ, liền cử sai dịch đi theo nó. Con heo này chạy đến bên cạnh cái giếng khô thì bắt đầu kêu thét không thôi; sai dịch bèn xuống xem thử thì phát hiện trong đó có một thi thể. Thái thú hỏi đồ tể thông tin về người chết, đồ tể không biết gì để mà trả lời ông. Hỏi đồ tể con heo này từ nơi nào đến, ông ta mới trả lời rằng: “Mua từ quán trọ”.
Thái thú sai người truyền gọi chủ quán trọ đó, người trong quán trọ nói rằng ông chủ đã đi vắng lâu ngày chưa thấy về. Lúc này, con heo này đột nhiên xông vào trong quán trọ, cắn chặt y phục của chủ quán không buông. Sai dịch bắt giữ chủ quán trọ, áp giải đến quan phủ, một lần thăng đường xét xử, chủ quán trọ đã khai nhận toàn bộ.
Thái thú sai người đưa con heo này vào chùa, mỗi ngày cấp cho nó khoảng một thăng lương thực.
Về sau, vị quan Thái thú này đã được thăng chức chuyển đi nơi khác, người kế nhiệm không phát lương thực cho nó nữa. Các tăng nhân trong chùa bởi thường xuyên thiếu thốn lương thực, liền gọi con heo này đến bảo nó đi hóa duyên. Con heo gật gật đầu, giống như đã nghe hiểu được ý người vậy.
Tăng nhân treo cái túi vải hóa duyên lên trên cổ con heo, dẫn nó ra chợ, mọi người đều vui vẻ bố thí lương thực cho nó. Ngày hôm sau, con heo này liền tự mình lên đường, những ai đã cho nó lương thực thì nó không còn xin nữa, còn những người chưa bố thí cho nó thì nó đứng canh ở đó mãi không có rời đi. Mọi người thấy vậy đều nói: “Đây là hẳn là Trư đạo nhân đó!”.
Từ đó, nó mỗi ngày đều tự mình đi ra ngoài chợ hóa duyên, gió mưa vẫn vậy, chỉ cần có người gọi: “Trư đạo nhân”, nó liền vẫy vẫy cái đuôi chạy đến. Cho nó hoa quả, nó cũng không chịu ăn, chỉ chịu để cho mọi người đặt hoa quả vào trong cái túi vải trên cổ, rồi mang về nhà. Mọi người càng cảm thấy kỳ lạ. Suốt 30 năm ròng rã như vậy, tăng nhân trong chùa đã sống dựa vào những lương thực mà nó xin được.
Năm Mậu Tý thời vua Càn Long, con heo này đã già chết, tăng nhân dùng quan tài an táng con heo này ở phía sau chùa, lập bia đặt tên là “Nghĩa Trư Phần” (mộ của chú heo nhân nghĩa).
Câu chuyện thứ hai: Con khỉ trung nghĩa
Vào giữa những năm Vạn Lịch, triều Minh, vùng Tỳ Lăng (huyện Vũ Tiến, tỉnh Giang Tô ngày nay) có một người ăn xin, mỗi ngày đều dẫn theo một con khỉ ra phố làm xiếc xin tiền, tích cóp như vậy suốt mấy năm, đã dành được khoảng năm, sáu lượng bạc.
Có một lần, ông ta cùng với một người ăn xin khác uống rượu, sau khi uống say liền khoe số bạc với người bạn ăn xin đó. Người bạn đột nhiên nảy ý xấu, cho thuốc độc vào trong rượu, rồi ép đối phương uống cạn, thuốc chết ông ấy. Sau đó, y lấy mất năm, sáu lượng bạc mà ông ấy tích cóp được, rồi chôn cất thi thể của người ăn xin ở đồng ngoại, không ai phát hiện.
Con khỉ của người bị thuốc chết này, không chịu đi theo tên ăn mày trộm cướp đó nên y mỗi ngày đều dùng roi đánh nó, con khỉ đành phải miễn cưỡng vâng lời.
Bỗng một ngày, con khỉ biến đâu mất tăm.
Lúc này, huyện lệnh Trương Đình Kiệt vừa đến nơi này nhậm chức, trong lúc thăng đường, nhìn thấy một con khỉ đột nhiên chạy vào, ngồi xếp bằng ngay trước công đường, không ngừng kêu thét trước mặt huyện lệnh. Trương Đình Kiệt cảm thấy rất kỳ lạ, liền cử một nha dịch đi theo nó, xem xem là chuyện gì.
Con khỉ đến sân nhà, tìm không thấy người ăn xin đó; nó lại kéo nha dịch đi về phía trước, ven đường xin bánh ngọt đưa cho nha dịch lót dạ. Khi đi ngang qua cây cầu lớn, gặp được người ăn xin đó, nó lao đến hai tay tóm chặt lấy hắn ta, rồi nhảy lên vai, nhéo mạnh vào hai bên má của hắn, tên ăn mày không thể thoát thân. Nha dịch áp giải tên ăn mày này đến huyện nha, Trương Đình Kiệt đã thẩm vấn nhiều lần, sau cùng hắn ta mới nhận tội.
Trương Đình Kiệt sai nha dịch áp giải tên ăn mày này đi thu hồi lại số bạc mà hắn ta cướp được, phát hiện cái túi đựng tiền vẫn còn đó. Nha dịch đào bới lớp đất mặt ở ngoài đồng, cho thi thể người ăn mày bị thuốc chết vào trong quan tài, châm lửa hỏa thiêu. Ngay đúng lúc thế lửa đang mạnh, con khỉ chắp tay dập đầu bái lạy nha dịch mấy cái, sau đó lao vào trong đống lửa chết cháy —- nó đã đi theo người chủ của mình.
Sau khi nha dịch trở về đã kể lại toàn bộ sự tình xảy ra. Huyện lệnh Trương Đình Kiệt vô cùng kinh ngạc, đã đích tay viết “Nghĩa Hầu Ký” (ghi chép về con khỉ trung nghĩa), khắc lên trên bia đá, lưu truyền nhiều đời, và lấy đó giáo dục người dân trong huyện giữ gìn đạo đức tuân theo pháp luật.
Trích từ “Kiên Hồ tập”
Tiểu Thiện, dịch từ Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung