Tinh Hoa

Vạn vật đều có linh: Trâu thông linh biết đền ân đáp nghĩa

Người ta thường nói chó là người bạn thân thiết của con người, trong cuộc sống có nhiều câu chuyện cho thấy tình cảm ân nghĩa của loài chó. Thực tế không chỉ loài chó mà trâu cũng như vậy, chúng cũng rất có linh tính.

Vào triều Minh có một ngươi tên Chu Khải, tự Thọ Nhân, tính tình thuần hậu hiếu học. Vì gia cảnh nghèo khó nên chàng nhận dạy học tại thôn bên cạnh. Đến Tết Đoan ngọ, Chu Khải nhận được 8 lượng bạc tiền công liền chuẩn bị về nhà ăn Tết.

Trên đường về gặp mưa to, Chu Khải vội vàng chạy vào một tòa miếu cổ thì gặp đồ tể trong thôn tên Vưu Quang Vũ.

Chu Khải hỏi: “Ông đến đây làm gì vậy?”.

Vưu Quang Vũ đáp: “Tôi mới mua một con trâu gầy, lo sẽ lỗ vốn nên đến miều này xin quẻ xem thế nào“.

Chu Khải lại hỏi: “Thế ông để con trâu ở đâu rồi?

Vưu Quang Vũ nói: “Tôi cột nó ở ngoài miếu“.

Chủ Khai ra xem thì thấy con trâu kia quỳ 2 chân trước xuống, hai dòng nước mắt chảy như suối. Cảnh tượng này khiến chàng vô cùng thương xót cho con trâu, bèn hỏi giá của nó. Vưu Quang Vũ nói 7 lượng bạc, Chu Khải liền đưa đủ số tiền này. Nhưng Vưu Quang Vũ chê chất lượng bạc thấp lại đòi thêm 3 chỉ bạc nữa, Chu Khải lại đưa tiền.

Sau khi mua được con trâu này, Chu Khải viết lên một tấm gỗ 4 chữ “Thần Minh phóng sinh” rồi đeo vào cổ trâu, sau đó tháo dây xỏ mũi trâu và thả nó đi.

Cùng năm đó, Chu Khải rốt cuộc thi đậu tú tài, trở thành con rể ở rể nhà Vương Hiền, nhà họ Vương là một danh gia vọng tộc trong vùng.

Vào ngày cưới, Chu Khải uống rượu với nhạc phụ, nhắc đến chuyện thả con trâu kia, đúng lúc đó người hầu tiến đến bẩm báo: “Thưa ông, trước cửa có một con trâu, trên cổ đeo một tấm ván, đuổi thế nào cũng không đi“.

Lấy làm lạ, Chu Khải đi xem xét thì nhận ra đó là con trâu mình đã phóng sinh, vì vậy sai người hầu dắt nó vào ở trong một căn phòng trống tại hậu viện.

Trong vùng có một người từng nhiều lần vào tù ra tội có biệt hiệu là “Nhân Mi Hầu”, biết rất rõ về Vương gia. Khi nhìn thấy của hồi môn quý giá của con gái nhà họ Vương, ông ta đã nổi lòng tham, nên nhân trời tối hắn đào lỗ dưới chân tường bên cạnh phòng của con trâu lẻn vào Vương gia. Nhân Mi Hầu đi thẳng đến phòng Chu Khải vơ vét quần áo, đồ trang sức vào một cái túi. Khi chuẩn bị rời đi thì con trâu đột nhiên lao vào đụng ngả cái bàn, tạo ra tiếng động lớn.

Chu Khải giật mình tỉnh dậy thấy có người lạ trong phòng liền hô lớn: “Có cướp!“, khiến mọi người trong nhà đều kinh hô lên. Tên trộm hoảng sợ từ dưới chân con trâu bò ra ngoài, trâu phát giận giẫm chân lên cái túi, lúc này tiếng hô bắt trộm ngày càng gần, tên trộm đành phải bỏ lại cái túi mà chạy trốn.

Sau một thời gian ngắn, vào một đêm mưa, tên trộm này lại đến Vương gia, hắn phá cửa sau tiến vào thì nhìn thấy con trâu có vẻ đang rất tức giận. Vì từng chịu thất bại trước con trâu nên lần này hắn không dám vào trộm đồ, nhưng lại dắt con trâu đi. Nhân Mi Hầu vứt tấm gỗ đi rồi bán con trâu cho đồ tể, thu được 4 lượng bạc.

Cùng thời gian đó, Chu Khải thay nhạc phụ ra ngoài thu nợ, lúc đi ngang trước cửa nhà đồ tể, liếc thấy con trâu chàng liền vào hỏi chuyện, đồ tể cũng kể lại sự tình. Con trâu vẫn như lần trước, quỳ xuống trước mặt Chu Khải và khóc, chàng lại trả tiền mua con trâu, một lần nữa đeo tấm bảng gỗ lên cổ nó và viết “Lôi điện phóng sinh”, sau đó tháo dây xỏ mũi và thả nó đi.

Vài năm sau, Chu Khải dạy học tại nhà phú hộ Chung Khoan tại Cổ Điền. Gần thôn trang này có một nhóm cường đạo đang hoành hành khiến Chung Khoan rất lo lắng. Chu Khải liền nghĩ cách giúp ông ta, đắp tường vây cao hơn để đề phòng bất trắc.

Đột nhiên, một người hầu tiến đến bẩm báo: “Thưa ông, có một con trâu không biết từ đâu đến cứ đứng trước phòng Chu tiên sinh, trên cổ nó có treo một tấm ván gỗ“.

Nghe vậy, Chu Khải giật mình nói: “Đây chính là con trâu được tôi phóng sinh, nó rất nhạy bén cảnh giác, nó lại đến đây biểu thị nhóm cường đạo cũng sắp tới đây“. Chàng còn kể rõ cho Chung Khoan chuyện con trâu này đã đuổi tên trộm tại Vương gia, nhắc nhở ông ta đề phòng nghiêm ngặt.

Vào buổi tối ba ngày sau, quả nhiên nhóm cường đạo đến đây, chúng cầm đao, đi đến đâu thì phóng hỏa đến đó. Chung Khoan leo thang lên cao nhìn ra ngoài bờ tường, ông nhìn thấy trong ánh lửa cháy rực có một con trâu đang rống giận, mạnh mẽ lao tới, bốn vó tung bay, ra sức húc kẻ địch, khiến bọn trộm cướp bỏ chạy tán loạn. Đến khi mọi người trong thôn trang tập trung lại thì nhóm cường đạo liền dồn dập chạy trốn. Lúc này con trâu cũng đã kiệt sức, nó ngửa mặt lên trời, dậm chân vài cái rồi tắt thở. Nằm cạnh nó là 2 tên cướp bị thương, khi dân làng cầm đuốc đến soi thì đúng là Vưu Quang Vũ và tên trộm Nhân Mi Hầu.

Mọi người trói hai tên cướp này lại áp giải lên huyện nha, đồng thời truy bắt đồng bọn của chúng, từ đó nhóm cường đạo này bị dẹp loạn. Chung Khoan cảm kích ân đức của con trâu nên đã an táng nó, lập bia mộ khắc dòng chữ “Mộ nghĩa ngưu”. Chung Khoan cũng thề không ăn thịt trâu nữa.

Không lâu sau, năm đó đến kỳ thi hương ba năm tổ chức một lần, Chu Khải tham gia kỳ thi này. Bài thi của Chu Khải do một vị huyện lệnh tên Quy An chấm, sau khi xem xong ông không hài lòng với bài thi này nên đã để nó sang một bên.

Tối hôm đó, Quy An nằm mơ thấy một con trâu quỳ trên mặt đất vừa khóc vừa cầu khẩn. Sau khi tỉnh dậy, ông đọc lại bài viết của Chu Khải, văn vẻ thực sự không được tốt lắm, ông nghĩ: “Nhật định người này tích được âm đức”. Quy An miễn cưỡng tiến cử bài thi nay, cuối cùng lại được quan chủ khảo tuyển chọn.

Quy An tuy không hài lòng nhưng vẫn miễn cưỡng tiến cử bài thi của Chu Khải lên quan chủ khảo. (Ảnh: Wikimedia)

Sau khi kết quả thi hương được công bố, Chu Khải đã bái kiến vị giám khảo chấm bài của chàng. Quy An hỏi: “Cậu từng tích âm đức phải không?“.

Chu Khải đáp: “Thưa ngài, tôi không tích được âm đức gì“.

Vị giám khảo này hỏi thăm tiếp, Chu Khải liền kể chuyện phóng sinh con trâu mấy năm qua. Nghe xong, Quy An cũng tán thán việc này bất thường, và kể lại giấc mộng của ông cho Chu Khải nghe.

Đến kỳ thi hội vào mùa xuân năm sau, Chu Khải tiếp tục thi đậu. Giám khảo phụ trách chấm bài thi lúc đó cũng gặp dấu hiệu kỳ dị.

Sau khi thi đậu tiến sĩ, Chu Khải được bổ nhiệm chức huyện lệnh Thương Khâu, chính tích rất tốt. Lúc đương nhiệm, Chu Khải nghiêm cấm giết trâu, lấy con trâu ân nghĩa kia làm gương để khuyên bảo dân chúng, nhiều người bị cảm hóa. Về sau ông được thăng lên chức vị khá cao, có thực quyền thì liền từ chức về quê phụng dưỡng mẹ già. Mẹ ông hưởng thọ 91 tuổi, còn ông sống đến 96 tuổi. Ông có hai người con trai đều bước vào quan trường, đến nay con cháu thịnh vượng.

***

Trộm cướp chưa tới nhưng con trâu đã biết, phải chăng con trâu này có thể đoán trước tương lai? Nó cũng đã được phóng sinh đi xa vậy làm sao biết chỗ ở của Chu Khải mà tìm đến? Đây chẳng phải là con trâu đã thông linh hay sao, quả đúng như câu “vạn vật đều có linh”!

Còn Chu Khải tuy xuất thân bần hàn, chỉ là một thầy dạy học bình thường, nhưng vì thương cảm con trâu mà mua lại nó để phóng sinh nên có công đức lớn hơn những người giàu sang, cũng nhờ thế mà về sau công thành danh toại. Từ đó có thể thấy con người nếu có thể gìn giữ đạo đức và lương tri, trong tâm luôn tồn giữ thiện niệm, lấy Chân Thiện Nhẫn để đối đãi với mọi chuyện thì tự khắc sẽ được thần linh và vạn vật bảo hộ.

>> Vạn vật đều có linh: Truy tìm hồn ngựa

Tú Văn