Vạn vật đều có linh tính, bởi vậy xưa nay người ta vẫn nhắc nhở nhau rằng ‘cứu vật vật trả ơn’ và phóng sinh hành thiện. Có không ít những câu chuyện vật trả ơn như thế, câu chuyện ba ba báo ân cứu mạng dưới đây là một trong số đó.
Rất nhiều động vật hoặc thực vật, đều có linh tính. Bởi vậy một số người già có hiểu biết đều không dám tùy tiện giết chúng, cũng không để cho những người trẻ tuổi làm hại chúng. Một số thứ có linh tính nào đó đại khái cũng giống như những sinh mệnh khác, đều biết báo ân.
Vi Đan là người Giang Tây, sống vào triều đại nhà Đường, tuổi đã gần 40 mà vẫn không thi đậu.
Một ngày kia, ông ngồi trên một con lừa bị cà thọt đi đến giữa cầu Lạc Dương, vừa khéo nhìn thấy người đánh cá bắt được một con ba ba lớn, đặt ở trên cầu,. Con ba ba đó hơi thở yếu ớt, nhìn có vẻ như đã sắp chết rồi. Rất nhiều người vây lại xem, đều muốn mua về nhà giết thịt, chỉ có Vi Đan là thấy tội nghiệp nó.
Vi Đan hỏi người đánh cá con ba ba này bao nhiêu tiền, người đánh cá nói: “Đưa tôi hai nghìn quan tiền, tôi sẽ bán cho ông”. Lúc đó tiết trời rét lạnh, Vi Đan chỉ mang theo áo quần tùy thân, chẳng có vật gì đáng giá. Bởi vậy ông đành đem con lừa mình cưỡi đổi lấy con ba ba đó, sau đó liền lập tức đem thả nó xuống sông, rồi rời đi.
Gần đó có một vị Hồ Lô tiên sinh có những hành động chậm chạp kỳ quái, không ai biết được ông ta đến từ đâu, nhưng ông ta rất biết gieo quẻ, liệu sự như thần. Sau khi phóng sinh ba ba được mấy hôm, Vi Đan đi giep quẻ đoán mệnh. Không ngờ Hồ Lô tiên sinh đã đứng trước cửa nghênh đón, rất vui mừng nói với Vi Đan rằng: “Tôi đã chờ ông suốt mấy ngày nay, sao lại đến muộn vậy?”.
Vi Đan nói: “Tôi đến gặp ông lần này, là xin ông hãy toán mệnh cho tôi”. Hồ Lô tiên sinh nói: “Người bạn Nguyên Trưởng Sử của tôi cứ nhắc đến mĩ đức của ông. Ông ấy thành khẩn cậy nhờ tôi tạo điều kiện để gặp mặt ông, chúng ta hãy cùng đi thôi”.
Vi Đan suy nghĩ một hồi, trong số những người mà ông quen biết, trước nay cũng chưa từng nghe qua có quan viên có tên như vậy. Bởi vậy ông bèn nói: “Tiên sinh nhầm rồi, chỉ cần toán mệnh cho tôi là được rồi”. Hồ Lô tiên sinh nói: “Tôi làm sao biết được chứ? Phúc thọ của ông không phải là điều tôi có thể đoán biết được. Nguyên Công chính là sự phụ của tôi, đi rồi đương nhiên sẽ có thể biết được tường tận hơn”.
Thế là Vi Đan và Hồ Lô tiên sinh chống gậy đến làng Thông Lợi, đi được mấy chục bước, đi vào một cửa ván, đi tiếp hơn mười mấy bước nữa, mới nhìn thấy cánh cổng. Ở đây kiến trúc to lớn lộng lẫy, là được xây dựng dựa theo gia viên của công hầu. Sau đó lại có mấy a hoàn, đều xinh đẹp phi phàm, bước ra nghênh đón khách. Phòng khách trưng bày trang hoàng hoa lệ, hương thơm khắp phòng. Một lúc sau, có một ông lão, râu tóc bạc trắng, thân dài bảy thước, mặc áo khoác dài có dây lưng rất đặc biệt. Ông lão đi cùng hai tì nữ bước ra, tự xưng là Nguyên Tuấn Chi.
Ông lão hành đại lễ với Vi Đan trước, Vi Đan rất hốt hoảng, vội vàng đáp lễ, nói rằng: “Tôi chỉ là thư sinh bần tiện, có tài đức gì mà lại được lão nhân gia xem trọng đến như vậy. Đến bây giờ tôi cũng không sao hiểu được”. Ông lão nói: “Lão phu suýt chút nữa thì mất mạng. Được ân công cứu giúp. Ân đức to lớn như vậy, lẽ nào còn không báo đáp đền ơn hay sao? Người giảng nhân nghĩa không để chuyện này trong tâm, tuy nhiên người nhận ân đức chính là nguyện lấy cái chết để trả ân”.
Vi Đan ngay tức khắc hiểu ra, biết được ông lão chính là con ba ba hôm trước.
Ông lão đã chuẩn bị tiệc rượu, giữ Vi Đan cả một ngày trời. Đến lúc chạng vạng tối, Vi Đan muốn cáo từ trở về, ông lão lấy ra từ trong ngực áo một cuốn sách, đưa cho Vi Đan, nói rằng: “Tôi biết cậu muốn hỏi vận mệnh thế nào, vì vậy tôi đã đến chỗ Thiên Tào ghi chép quan lộc và chỗ ở một đời của cậu, chính coi như là báo đáp vậy! Những điều trong đây, đều là vận mệnh của cậu, biết trước được đã là quý hóa rồi”.
Vi Đan nhận lấy cuốn sách, lạy tạ hai cái rồi đi. Cuốn sách đó viết rằng, tháng 5 năm sau trúng cử, lại đến năm nào đó đi thi đậu công danh, nhậm chức huyện úy Hàm Dương; lại một năm sau đi vào triều đình, làm chức quan nào đó, đảm nhiệm chức quan như vậy 17 lần, đều có năm tháng, cuối cùng điều đến Giang Tây nhậm chức Quan sát sử, quan hàm đến Ngự sử đại phu. Đến năm thứ ba sau cùng, cây bồ kết trước sảnh nở hoa, đã đến lúc nên phải từ quan đi về phía Bắc, cuối cùng không còn viết gì thêm nữa.
Vi Đan thường luôn mang theo cuốn sách giống như bảo vật vậy. Từ sau khi thi đậu khoa cử, mãi cho đến lúc nhậm chức Quan sát sử ở Giang tây, mỗi lần được trao một chức quan, thời gian đều không hề sai khác. Trước đại sảnh của thứ sử Hồng Châu có một cây bồ kết, đã lâu năm lắm rồi. Dân gian lưu truyền rằng, cây này trổ hoa, địa chủ lo buồn.
Năm Nguyên Hòa thứ 8, Vi Đan còn tại chức, có một buổi sáng sớm cây bồ kết bất ngờ trổ hoa. Thế là năm đó Vi Đan bị từ chức quan, chết đói trên đường trở về nhà.
Xem ra tất thảy đường đời của con người đều là đã được định sẵn, vốn không phải là điều có thể cưỡng cầu mà được. Bởi vậy, chi bằng hãy ung dung thanh thản mà sống trọn một đời, thế chẳng phải tốt hơn sao!
Tiểu Thiện, dịch từ epochtimes.com