Mỗi một việc dù là rất nhỏ xảy ra trong cuộc đời mỗi người đều là có nguyên do nhân quả, chỉ là con người sống trong mê nên không nhìn thấy rõ. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ chân thực.
Thời Lương Vũ Đế còn chưa trị vì Nam triều, từng quen biết một người đàn ông rất nghèo khổ. Sau khi Lương Vũ Đế tại vị, có một ngày ông đến Uyển Lý ngao du thì gặp lại người nghèo khổ này đang ở trên bờ sông.
Lương Vũ Đế bèn tới trước mặt ông ta hỏi thăm, mới biết người này vẫn nghèo khó như trước kia, ông bèn nói: “Ngày mai ông đến gặp ta, ta cho ông làm huyện lệnh”.
Ngày thứ hai, người này đi tìm gặp Lương Vũ Đế nhưng không gặp được. Sau đó người đó lại tiếp tục đi xin gặp vài lần nữa, nhưng đều gặp các sự cố và rồi cuối cùng anh ta vẫn không thể gặp được.
Nghe nói, người thông qua tu luyện mà xuất hiện công năng, họ có thể nhìn thấy được nguyên nhân và hậu quả của một số việc. Người nghèo khổ kia có biết được một vị tăng nhân như vậy, nên anh ta bèn đi tìm vị tăng nhân ấy để thỉnh giáo nguyên nhân của sự việc này.
Khi anh ta đi tới nơi ở của vị tăng nhân, chưa kịp mở miệng nói, vị tăng nhân đã biết anh ta đến để hỏi việc gì, bèn nói với anh ta:
“Có phải anh không đạt được chức vị huyện lệnh nên đến đây để hỏi nguyên nhân đúng không ? Anh không thể nào có được chức vị đó đâu ! Bởi vì trong kiếp trước, Lương Vũ Đế từng là một vị trại chủ, khi ấy anh từng viết thư hứa rằng sẽ ủng hộ 500 quan tiền, nhưng đến cuối thì anh lại không giữ lời hứa gửi tiền cho ông ấy. Vậy nên hôm nay ông ta chỉ hứa hẹn trao chức quan cho anh mà thôi, rốt cuộc anh cũng chẳng đạt được đâu!”.
Người này cuối cùng đã hiểu ra được nhân duyên trong chuyện này, nên không tiếp tục đi tìm Lương Vũ Đế nữa, mà Lương Vũ Đế cũng chẳng hề đi tìm anh ta.
Phật Gia nói rằng “Con người sống trong cõi mê”. Những sự việc mà chúng ta gặp trong cuộc sống hàng ngày không có gì là ngẫu nhiên, đều là có quan hệ nhân quả báo ứng, chỉ có những người tu luyện khai trí khai huệ mới có thể nhìn thấy được nó.
Hơn nữa, rất nhiều sự việc không chỉ nhờ ý chí của con người mà có thể thay đổi, tất cả những cố gắng tranh đấu và chấp trước đau khổ chỉ tạo thêm nghiệp lực cho bản thân mà thôi, không thể từ căn bản mà giải quyết vấn đề.
Vì thế con người nên biết “kính trời, biết mệnh”, “thuận theo tự nhiên”, “tùy kỳ tự nhiên” , mọi việc đừng quá cưỡng cầu và cố chấp, nên thủy chung bảo trì tâm bình thản và bình tĩnh thì mới có thể sống được an nhiên, tự tại.
Theo Vietdaikynguyen