Nhìn những vấn vạn xã hội ngày nay, từ bạo lực học đường, gian lận thi cử, đến những thói đời bất lương… thật không khỏi khiến người ta bùi ngùi suy ngẫm tại sao lại đến cơ cảnh này. Phải chăng bởi một thời gian dài chúng ta đã quá xem nhẹ việc dạy những giá trị đạo đức?!
Khi nói về chương trình giảng dạy ở trường học, hầu hết mọi người thường nghĩ về toán, khoa học, nghiên cứu xã hội và các khóa học ngôn ngữ. Trong khi đó môn đạo đức dường như không được chú trọng là mấy trong các chương trình giảng dạy.
Vấn đề nằm ở chỗ, khi bỏ bê công tác giảng dạy về đạo đức trong trường học, nghĩa là chúng ta đang làm tổn thương học sinh và gây ra các vấn đề trong xã hội. Nếu một người chưa bao giờ được dạy dỗ bất kỳ đạo lý nào, làm sao người đó có thể phân biệt được đúng sai? Đó là bản chất cốt lõi của việc giáo dục đạo đức.
Tại sao cần giảng dạy các giá trị đạo đức cho học sinh trong trường học?
Với tư cách là các bậc phụ huynh và nhà giáo dục, tất cả chúng ta nên ủng hộ việc giảng dạy các giá trị đạo đức trong trường học vì những lý do sau:
1. Chuẩn bị hành trang vào đời cho con trẻ
Kiến thức tiếp thu ở trường chỉ là một mục tiêu của giáo dục. Mục tiêu chính của giáo dục là tạo điều kiện cho học sinh nắm được cả kiến thức và các giá trị đạo đức. Trẻ em sẽ cần đến cả hai yếu tố này để chuẩn bị hành trang trở thành cha mẹ và những công dân tốt của xã hội trong tương lai.
2. Nhiều phụ huynh không chú trọng dạy con em mình các giá trị đạo đức
Nếu như ở nhà, tất cả các bậc cha mẹ đều dạy con cái về các giá trị đạo đức, thì trường học sẽ không cần thiết phải làm công việc này nữa. Nhưng có một thực tế đáng buồn là rất nhiều trẻ em không được học cách phân biệt đúng sai từ cha mẹ.
Điều này có lẽ vì phần lớn phụ huynh ngày nay đều chỉ có thể dành ra một ít thời gian cho con cái sau những giờ làm việc bận rộn. Thậm chí trong nhiều gia đình, chỉ có một phụ huynh chịu trách nhiệm chăm sóc con cái và con của họ không có một hình mẫu nào khác để noi theo.
3. Xã hội đang tồn tại quá nhiều vấn nạn bất lương và bạo lực
Mỗi ngày, học sinh đều đang phải đối mặt với vấn nạn bạo lực, bất lương và các vấn đề xã hội khác trên cả phương tiện truyền thông lẫn thế giới thực. Đã bao lần chúng ta nghe về những học sinh bị bắt quả tang gian lận trong các kỳ thi? Rồi những vụ bắt nạt ở trường và đánh nhau giữa các băng nhóm… Nếu các giá trị đạo đức được giảng dạy trên trường lớp, chắc hẳn những vấn đề như thế sẽ giảm đi rất nhiều.
4. Để chống lại những ảnh hưởng xấu trong xã hội
Thật không may, nhiều mẫu hình đại diện cho thế hệ trẻ hiện nay lại đang trở thành những tấm gương xấu. Các ví dụ điển hình trải rộng trên nhiều phương diện, từ quan hệ tình dục bừa bãi, xem thường phụ nữ, thúc đẩy bạo lực, cho đến sử dụng thủ đoạn gian lận để đạt được thành tích.
5. Giá trị đạo đức sẽ gắn bó với bạn suốt đời
Thật đáng kinh ngạc trước lượng kiến thức toán học và khoa học mà tôi đã quên từ khi còn đi học. Tuy nhiên, tôi không hề quên những bài học đạo đức mà mình được dạy ở trường. Một trong những bài học đạo đức ấy tôi đã học được khi đang là một cầu thủ bóng đá.
Đội của chúng tôi vừa thua một trận đấu cam go vì trọng tài đã ra phán quyết chúng tôi phải dừng lại trong gang tấc trước khi kịp ghi bàn thắng. Khi nghe nhiều đồng đội của tôi phàn nàn về việc trọng tài đã khiến đội thua trận như thế nào, hiệu trưởng trường đã lên xe buýt của đội sau trận đấu và an ủi chúng tôi rằng trong cuộc sống, trọng tài sẽ không bao giờ có thể đánh ngã các em.
Bảy giá trị đạo đức hàng đầu mà ai cũng nên biết
Xã hội sẽ trở nên tốt đẹp biết bao nếu các trường học giảng dạy cho học sinh 7 giá trị đạo đức này:
1. Trung thực
Học sinh phải được dạy rằng không trung thực hay gian lận là những hành vi sai trái và sẽ chẳng thể khiến ta nên người mai sau. Là một học sinh, các em sẽ chỉ làm hại chính mình khi có hành vi gian lận, bởi vì việc làm này sẽ dần mang đến những hậu quả xấu cho các em sau này.
2. Tình yêu thương và lòng tốt vô điều kiện
Hầu như, khi bạn yêu quý một ai đó, người đó cũng sẽ có xu hướng yêu quý bạn. Tuy nhiên, đây không phải là ý nghĩa thực sự của tình yêu. Tình yêu dành cho nhau nên là vô điều kiện. Để rồi, lòng tốt sẽ được người truyền người tâm truyền tâm, tiếp nối trong cuộc sống bao la và thay thế cho cái ác.
3. Làm việc chăm chỉ
Khi còn trẻ, tôi học được rằng thành công chỉ đến từ 1% cảm hứng, còn 99% là đến từ mồ hôi của sự nỗ lực. Ngày nay, rất nhiều học sinh thường có ý muốn gian lận và đốt cháy giai đoạn trong các nghiên cứu vì các em lười biếng và không chịu dồn hết tâm huyết để thực hiện. Quan điểm này chắc chắn cần phải thay đổi.
4. Tôn trọng người khác
Đáng buồn thay, trong xã hội cạnh tranh khắc nghiệt của chúng ta, nhiều người sẽ bất chấp giẫm đạp lên người khác để thăng tiến trong cuộc sống. Sự tôn trọng dành cho người khác nên bao gồm cả thái độ tôn trọng tôn giáo, chủng tộc, giới tính, tư tưởng cũng như lối sống khác biệt của nhau.
5. Tinh thần hợp tác
Để đạt được một mục tiêu chung, tất cả mọi người cần phải làm việc cùng nhau. Nếu không chung sức, một vài người có thể sẽ được lợi riêng, nhưng đó sẽ là thất bại đối với kết quả cuối cùng của tập thể. Tôi vẫn vững tin vào phương châm “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”.
6. Sự lương thiện
Lòng lương thiện được định nghĩa là sự cảm thông, đồng cảm trước những hoàn cảnh khó khăn, cơ cực của người khác. Nếu trên thế giới này có nhiều người lương thiện như vậy, thì chắc hẳn những mảnh đời vô gia cư, nạn đói, chiến tranh và bất hạnh sẽ ít đi rất nhiều.
7. Lòng bao dung
Chúa Giê-su đã dạy chúng ta phải biết tha thứ cho kẻ thù hay những người làm tổn thương chúng ta. Sự tức giận trong hầu hết các trường hợp thường là do ta chưa sẵn lòng để tha thứ. Có lẽ sẽ không còn nhiều tình trạng bạo lực, đánh nhau tại trường học nếu như học sinh được dạy dỗ đức tính này.
Tôi đã dạy tiếng Anh tại một trường Công giáo ở Thái Lan trong hơn 6 năm và việc trau dồi đạo đức luôn được xây dựng trong tất cả các bài học của chúng tôi. Trên thực tế, 10% điểm số của học sinh được dựa trên thái độ các em thực hành các giá trị đạo đức trong và ngoài lớp học ra sao. Đây là một chính sách tuyệt vời mà mọi trường học đều nên học hỏi và áp dụng.
Tác giả:
Bảo San (Theo Soapboxie)