Mặc dù vai trò của người phụ nữ trong nền y học Hy Lạp – La Mã cổ đại rất ít được biết đến, tuy nhiên vẫn tồn tại một số luận án y khoa, văn bản quy phạm pháp luật, tác phẩm văn học thậm chí những câu viết trên bia mộ chứng minh sự đóng góp của người phụ nữ trong nền y học La Mã cổ đại.
Theo một số kết quả nghiên cứu, những phụ nữ làm việc trong lĩnh vực y tế ở Rome thuộc ba dạng cơ bản:
Midwives (nữ hộ sinh), họ có nhiệm vụ hỗ trợ sản phụ trong khi sinh. Họ cũng đóng vai trò quan trọng trong một số trường hợp tranh chấp pháp lý nhất định bởi họ quản lý việc sử dụng thuốc phá thai và kiểm tra sức khỏe cho người phụ nữ.
Hình khắc cổ miêu tả cảnh một nữ hộ sinh hỗ trợ sản phụ trong khi sinh.
Tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống thời cổ đại, bao gồm cả việc sinh nở. Những người phụ nữ trong khi sinh thường gọi tên nữ thần Artemis, người có khả năng đưa đến và mang đi một sự sống mới. Mặc dù Artemis là một nữ thần đồng trinh nhưng khi chứng kiến sự đau đớn của mẹ trong quá trình sinh người anh em của mình, thần Apollo, cô lập tức đảm nhiệm vai trò một nữ hộ sinh. Nếu sản phụ chết trong khi sinh, quần áo của họ sẽ được đưa đến đền thờ Artemis. Nếu việc sinh nở thành công, người mẹ sẽ làm một lễ tạ ơn bằng cách dâng tặng một ít quần áo của mình cho nữ thần.
Medicae là vị trí thứ hai mà người phụ nữ cổ đại có thể đảm nhiệm trong ngành y học. Những người phụ nữ này phụ trách những công việc tương tự nhưng phức tạp hơn các midwives, trách nhiệm của họ không chỉ giới hạn trong lĩnh vực sản khoa hay phụ khoa mà còn mở rộng sang những chuyên môn khác. Hơn nữa, medicae là những phụ nữ tự do, có địa vị xã hội nhất định, thậm chí có thể kiếm tiền bằng việc hành nghề y, trong khi midwives chỉ là những nô lệ tự do, là một tầng lớp thấp trong xã hội.
Tượng đất nung của một y tá Hy Lạp cổ (khoảng năm 300 TCN).
Iatromea là những người có sự kết hợp chuyên môn cao giữa midwives và medicae.
Tuy nhiên, sau giai đoạn y học Hy Lạp phát triển ở La Mã, trình độ chuyên môn của midwives, medicae và iatromea mới được chú trọng. Trước đó, những người phụ nữ hành nghề y thường không được huấn luyện chuyên nghiệp về y thuật mà họ chủ yếu sử dụng những biện pháp tâm linh.
Các phương pháp truyền thống của những người phụ nữ này thường có mối liên kết chặt chẽ với tín ngưỡng tôn giáo, điều này làm tăng thêm mâu thuẫn với nam giới, vốn là những người chiếm ưu thế trong lĩnh vực y học. Bên cạnh đó, sinh lý của phụ nữ khiến họ dễ rơi vào những trạng thái tiêu cực. Do đó, họ tin rằng phụ nữ không thích hợp trở thành một thầy thuốc.
Tuy nhiên, trong nhiều ghi chép cổ, TK 4 TCN, một người phụ nữ tên là Agnodice đã trở thành một nữ thầy thuốc, nữ hộ sinh, thầy thuốc phụ khoa nhưng phải cải trang dưới hình dáng một người đàn ông.
Hình khắc hiện đại của nữ thầy thuốc Agnodice.
Hồ Duyên@Tinhhoa.net – Ancient Origins.