Nghệ thuật đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình văn hóa của một xã hội. Một số người nói rằng, mục đích của người nghệ sĩ là thể hiện vẻ đẹp của thế giới xung quanh họ, những người khác lại cho rằng, giá trị thực của một tác phẩm nghệ thuật xuất phát từ khả năng thể hiện chân lý để hướng mọi người đến những điều tốt đẹp hơn.
Thể hiện chân lý
Nghệ sĩ Lesley Birch nói với tờ Artwork Archive: “Tôi tin rằng, trên hết, vai trò của nghệ sĩ là phải thành thật với bản thân mình nhất có thể trong xã hội, cộng đồng và thế giới nói chung. Điều này nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng nó khó thực hiện hơn nhiều so với những gì bạn nghĩ. Là một nghệ sĩ đồng nghĩa với việc phải đeo đủ thứ loại mặt nạ, giống như bất kỳ công việc nào khác, nhưng khác biệt nằm ở chỗ, chúng ta có một nghĩa vụ lâu dài là phải vén lên bức màn sự thật của mọi thứ. Đôi lúc chúng ta có thể dễ bị tổn thương, cũng có khi không tránh khỏi phạm phải sai lầm. Nhưng quan trọng là không được bỏ cuộc”.
Nhiều nghệ sĩ tự đặt ra những lý do mà họ tin tưởng và cống hiến cả đời cho điều đó. Ví dụ, một vài người trong số họ có thể lo lắng rằng, môi trường sẽ bị tàn phá, nên họ sẽ xây dựng một tác phẩm điêu khắc thể hiện nỗi đau của Mẹ Trái Đất, làm nổi bật hiện trạng con người đang làm ô nhiễm và phá hủy một thiên đường. Nếu bày tỏ những ý kiến như vậy theo cách thông thường có lẽ sẽ không có hiệu quả và không tác động được gì đến mọi người. Nhưng nếu một nghệ sĩ có thể thể hiện lập trường của một chuyên gia môi trường theo những cách thức giàu cảm xúc hơn thì sẽ có thể tạo nên một tác động lâu dài đối với người xem. Và đó chính là sức mạnh của một nghệ sĩ – sức mạnh thổi hồn vào sự thật.
Nghệ thuật hiện đại và khuynh hướng thoát ly thực tế
Thời kỳ phục hưng ở châu Âu thời trung cổ mở ra một kỷ nguyên mới trong nghệ thuật, và từ đó nghệ thuật bắt đầu tập trung hơn vào chủ nghĩa hiện thực. Cảm nhận được sự cần thiết phải phản ánh sự thật lên các bản vẽ là những điều đã thúc đẩy các nghệ sĩ vĩ đại như Leonardo Da Vinci và Michelangelo làm sáng tỏ những bí ẩn xoay quanh giải phẫu và ánh sáng. Tuy nhiên, nếu tua nhanh đến thời kỳ hiện đại, nghệ thuật đã dần quay lưng với chủ nghĩa hiện thực. Khuynh hướng thoát ly thực tế và những loay hoay trong việc tìm kiếm mục đích có vẻ chính là những thứ chi phối mạnh mẽ thế giới nghệ thuật hiện đại.
Ý tưởng của chủ nghĩa hiện đại là một ý tưởng phá hoại. Điều này đã được nhà lãnh đạo hiện đại Filippo Tommaso Marinetti thể hiện rất rõ ràng, ông đã nêu trong quyển Futurist Manifesto thứ nhất: “Chúng tôi sẽ phá hủy tất cả các viện bảo tàng và thư viện, cùng tất cả các thể loại học viện; chúng tôi sẽ chiến đấu chống lại chủ nghĩa đạo đức, chủ nghĩa nữ quyền, và cả chủ nghĩa cơ hội hèn hạ lẫn chủ nghĩa thực dụng”. Mặc dù những người theo chủ nghĩa hiện đại chưa bao giờ thực sự có hành động hung hăng chống lại xã hội hiện tại, nhưng họ cũng đã khơi dậy một cuộc tấn công ý thức hệ chống lại tất cả các giá trị truyền thống. Truyền thống nghệ thuật vốn tập trung vào chủ nghĩa hiện thực, đã được thay thế bằng nhiều phong cách mới như chủ nghĩa lập thể và nhiều “chủ nghĩa” khác nữa, làm suy thoái dần di sản nghệ thuật tinh tế mà những nghệ sĩ cổ điển vĩ đại đã để lại.
Kara Lysandra Ross, Giám đốc điều hành của Trung tâm Đổi mới Nghệ thuật, nói với Thời báo Đại Kỷ Nguyên: “Nghệ sĩ là một trong những nhân vật đóng vai trò quan trọng nhất trong xã hội của chúng ta. Họ có thể định hình lại thế giới, giúp thế giới này trở thành một nơi tốt đẹp hơn, nơi mà chúng ta có thể dễ dàng thể hiện tư tưởng một cách tự do và giao tiếp thực sự thông qua nghệ thuật cũng như qua tiếng nói chung của chủ nghĩa hiện thực. Nếu như chúng ta trở nên tích cực hơn và không ngừng nỗ lực, khi đó, một bức tranh sẽ đáng giá ngàn lời nói thay vì phải cần đến một ngàn lời để giải thích ý nghĩa của nó”.
Những năm qua, các nghệ sĩ mới dường như đã nhận ra sai lầm của những người đi trước, đó là họ đã quá tập trung thể hiện những chủ nghĩa không thực tế. Như vậy, có thể thấy, chủ nghĩa hiện thực đang được hồi sinh mạnh mẽ trong thế giới nghệ thuật.
Hồng Liên (Theo Vision Times)