Tinh Hoa

Vai trò của một nhạc trưởng là gì? Có phải họ vẩy đũa cho vui?

Nhiều người thắc mắc hẳn là ai cũng được phân công chơi đoạn nhạc nào trước, và đã phải luyện cả trăm lần rồi mới lên biểu diễn. Vậy cần nhạc trưởng quơ gậy chỉ huy để làm gì? Chúng ta hãy cùng đi tìm giải đáp qua bài viết dưới đây.

Vai trò của người nhạc trưởng trong dàn nhạc là gì? (Ảnh: Epochtimes.com)

Trước khi có những nhạc trưởng đại tài xuất hiện, người Hy Lạp cổ đại đã có Pherekydes của Patrae, được mệnh danh là Người mang giai điệu tới – Giver of rhythm. Từ năm 709 TCN, Pherekydes đã sử dụng một cây gậy bằng vàng để điều khiển dàn hợp xướng 800 người ngồi thành một vòng tròn xung quanh ông. Đó là lần đầu tiên cách thức chỉ đạo dàn nhạc được ghi lại trong lịch sử loài người.

Hàng ngàn năm qua, bản chất của việc chỉ đạo dàn nhạc đã khác nhiều, nhưng về cơ bản, người nghe vẫn cứ thắc mắc tại sao những hành động vẩy đũa tưởng chừng như vô nghĩa của một cá nhân duy nhất ấy lại có thể khiến cả trăm người hợp sức lại tạo ra một bản nhạc đầy cung bậc?

Không hiểu sao họ lại có thể tạo ra được một trải nghiệm âm nhạc bất kỳ ai dù nghe một lần, cũng sẽ nhớ đến cuối đời.

Không thể đưa ra câu trả lời một cách hoàn toàn chính xác được. Có thể coi công việc của nhạc trưởng giống với huấn luyện viên đội bóng vậy: bạn không thể chỉ ra chính xác công việc của họ trên sân khấu cũng như trên sân đấu, nhưng bạn biết lúc nào họ đang làm việc và ảnh hưởng của việc đó như thế nào.

Để lý giải điều đó, đây là một vài trong số hàng nghìn luận cứ cho thấy họ đã làm những gì để có thể bước lên bục chỉ đạo dàn nhạc.

Thời gian của từng nhịp điệu

Arturo Toscanini – nhạc trưởng huyền thoại người Ý. (Ảnh: Renonews)

“Bổn phận của một nhạc trưởng nằm ở khả năng luôn ra dấu chính xác được nhịp độ của một bản nhạc”, đó là lời nhận định của Richard Wagner, một nhạc trưởng đại tài và cũng là một nhà sáng tác nhạc tài ba.

Cung cách chính thống của một nhạc trưởng là sử dụng bàn tay phải để giữ gậy chỉ huy (nhưng có người lại thích sử dụng tay không hơn) và đặt một nhịp độ cho toàn bộ dàn nhạc, điều khiển nó, ra dấu hiệu đâu là điểm bắt đầu của một bar nhạc mới, căn thời gian chính xác của từng nhạc cụ trong dàn nhạc có thể lên tới hàng trăm người.

Hiển nhiên vai trò của một nhạc trưởng đâu có đơn giản chỉ là một cái máy tạo nhịp mặc một bộ cánh đẹp mắt.

Phải biết cách truyền đạt

Cố nhạc trưởng vĩ đại người Đức, Wilhelm Furtwängler.

Nhiệm vụ của nhạc trưởng là biến một bản nhạc trở nên sống động, truyền những hiểu biết, những cảm nhận của cá nhân mình về âm nhạc thành những động tác tay đặc biệt. Chính những động tác ấy sẽ tô tạc nên dòng nhạc, đem ra những sắc thái âm thanh, nhấn mạnh những điểm hay của giai điệu trong khi điều khiển những người khác làm theo mình, biến một bản nhạc cũ thành một thứ gì mới và rất riêng.

Những hành động này thường được thực hiện bằng tay trái, tay không cầm gậy chỉ huy.

Bên cạnh những động tác tay thông thường, những nhạc trưởng vĩ đại có phong cách riêng của mình. Furtwängler thường nắm tay để tạo nên một động tác thúc mỗi khi cao trào, Valery Gergiev – nhạc trưởng tài năng người Nga – lại có một phóng cách “đánh piano không khí” đặc trưng, Gergiev giải thích rằng đó là do ông đã học đánh piano từ bé.

Nhạc trưởng hàng đầu thế giới Valery Gergiev.

Phải biết sử dụng đôi tai để lắng nghe

“Nhạc trưởng tai năng nhất là những người nghe nhạc giỏi nhất”, đó là lời khẳng định của Tom Service, phóng viên, nhà báo và cũng là tác giả nghiên cứu viết nên cuốn sách Âm nhạc cũng như Giả kim thuật: Cuộc hành trình với những Nhạc trưởng đại tài và những Buổi hòa nhạc của họ.

“Họ trở thành một thứ cột thu lôi đối với âm thanh; một sự tập trung cao độ cho phép nhạc trưởng và người chơi nhạc cụ có thể hợp lại thành một thứ gì đó vượt lên trên họ – trên tất cả chúng ta – và cùng lúc đó, những cảm nhận của từng cá nhân lại xuất hiện dưới dạng từng cá thể nhỏ bé”.

Với Service, cố nhạc trưởng Claudio Abbado chính là ví dụ điển hình nhất của những gì vừa được nêu ở trên. Đó là một nhạc trưởng có được một thứ siêu nhận thức.

Tom Service. (Ảnh: BBC)

Phải biết dẫn dắt, cả dàn nhạc lẫn người nghe

Một nhạc trưởng phải thuyết phục được mọi người đi theo quan điểm của mình. Người đi nghe nhạc lắng tai nghe các giai điệu, nhưng mắt họ lại tập trung vào chính vị nhạc trưởng đang đứng trên bục cao kia. Họ muốn được dẫn dắt đi qua từng giai điệu, những gì họ nhìn thấy phải đi đôi với những gì họ nghe thấy.

Từ đó, người nghe nhạc mới có được một cảm giác trực quan, một cầu nối giữa con mắt và bất cứ thứ âm nhạc đẹp đẽ gì đang được đôi tai cảm nhận.

Valery Gergiev chỉ huy dàn nhạc tại London.

Thời gian tập luyện không kém bất kỳ ai

Nhìn bề ngoài, có lẽ một nhạc trưởng có công việc dễ dàng nhất: họ chỉ cần hoạt động hai cổ tay là xong. Nhưng “chỉ huy dàn nhạc còn khó hơn cả việc chơi một nhạc cụ nào đó”, Pierre Boulez, một nhạc trưởng – nhạc sĩ huyền thoại khác nói. “Bạn phải hiểu về văn hóa, về chính bản nhạc ấy và cách thức trình diễn bài nhạc theo cách mà bạn muốn nghe”.

Năng khiếu âm nhạc là không đủ, một nhạc trưởng còn cần có vô số thời gian tập tuyện cũng như tìm hiểu, nghiên cứu về những bản nhạc, những cách thức dẫn nhạc, … Không có ngành nào dễ dàng cả, tất cả đều cần thời gian trau dồi, tập luyện.

Một nhạc trưởng tài ba có thể biến hóa ra những giai điệu thực sự quyến rũ, như biến đá thành vàng vậy. Đó là lý do tại sao các nhạc trưởng lại được trả lương hậu hĩnh – có khi lên tới hàng triệu USD một năm. Và thường thi, một khi có một buổi biểu diễn nào bị chỉ trích, thì người nhạc trưởng mới là người “hứng mũi chịu sào”.

Và hơn hết, phải biết cách biến một màn trình diễn thành trường tồn, bất tử

Nhạc cổ điển khác với đa số những thể loại nhạc đương đại. Chúng là những bản nhạc hàng chục, hàng trăm năm tuổi rồi và vẫn tiếp tục được trình diễn qua năm tháng, có khi một năm nhiều lần. Dù thế, vẫn có những màn trình diễn bất hủ và qua nhiều thập kỷ, vẫn không hề mất đi giá trị.

Tại sao một bản nhạc lại có được khả năng ấy? Hãy hướng mắt về phía bục cao nhất, nơi một nhạc trưởng đang chỉ huy một dàn nhạc cụ gồm hàng trăm thứ: họ đang biến những nốt nhạc hàng trăm năm tuổi kia thành bất tử.

Theo GK