Tinh Hoa

Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ thông qua “Đạo luật Đài Bắc” giúp củng cố vị thế Đài Loan

Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua “Đạo luật Đài Bắc” nhằm mục đích củng cố vị thế của Đài Loan trước bối cảnh có thêm các nước cắt đứt quan hệ với vùng lãnh thổ này. 

Đạo luật Đài Bắc củng cố vị thế Đài Loan

Thượng nghị sĩ Cory Gardner cho rằng Washington nên sử dụng mọi công cụ cần thiết để ủng hộ vị thế của Đài Loan. (Ảnh: NPR)

Theo South China Morning Post, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua “Dự luật Bảo vệ và Tăng cường Đồng minh Quốc tế với Đài Loan” (TAIPEI Act). Động thái này sẽ mở đường cho việc dự luật được đưa ra bỏ phiếu ở Thượng viện trong thời gian tới. 

Thượng nghị sĩ Cory Gardner từ bang Colorado nói: “Mỹ nên sử dụng mọi công cụ để ủng hộ vị thế của Đài Loan trên trường quốc tế”. Ông Gardner còn nói thêm rằng chính phủ Mỹ nên ngay lập tức bắt đầu đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do với Đài Loan.

“Dự luật được cả hai đảng ủng hộ đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện của chính phủ để tăng cường sự hỗ trợ của chúng ta cho Đài Loan, và nó sẽ gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ tới các quốc gia khác rằng sẽ có hậu quả cho việc ủng hộ các hành động của Trung Quốc để làm suy yếu Đài Loan”, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cho biết.

Được đưa ra trước quốc hội vào hồi tháng 5/2019, dự luật sẽ cho phép Bộ ngoại giao Mỹ mở rộng, chấm dứt hoặc giảm viện trợ với các quốc gia đang xem xét hạ cấp quan hệ – chính thức hoặc không chính thức – với Đài Loan.

Dự luật cũng cho rằng Mỹ nên ủng hộ tư cách thành viên hoặc quan sát viên của Đài Loan trong các tổ chức quốc tế, và Tổng thống Mỹ nên “thường xuyên thực hiện sự chuyển giao sản phẩm quốc phòng” cho Đài Loan.

“Đạo luật Đài Bắc” được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện thông qua diễn ra ngay sau khi Đài Loan mất đi hai đồng minh lâu đời ở khu vực Thái Bình Dương là Quần đảo Solomon và Kribati vào tay Bắc Kinh. Tính từ năm 2016, Đài Loan đã mất đi 7 đồng minh, ngoài 2 khu vực vừa nói trên thì còn có: El Salvador, Burkina Fasso, Cộng hòa Dominica, Panama, São Tomé and Príncipe.

Hoa Kỳ cũng đã chỉ trích quần đảo Solomon trong việc cắt đứt quan hệ với Đài Loan. Hôm 18/9, một quan chức cấp cao của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho biết chính phủ Mỹ sẽ đánh giá lại các chương trình viện trợ cho quần đảo này. Hiện tại, chỉ còn 15 nước và vùng lãnh thổ có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan.

Bà Âu Giang An (Joanne Ou), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan trong buổi họp báo hôm 26/9 đã hoan nghênh việc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ thông qua dự luật này.

Bà Âu cũng nói thêm, hiện Bắc Kinh đã tạo sức ép buộc Đài Loan chấp nhận mô thức “một quốc gia, hai chế độ” mà Hồng Kông đang áp dụng. Theo bà Âu, sức ép mà Trung Quốc áp đặt lên Đài Loan là vô cùng “kinh hoàng”. Theo đó, Đài Loan sẽ tiếp tục hợp tác với Hoa Kỳ để đảm bảo nền dân chủ trên đảo quốc này, cũng như tăng cường hơn nữa sự hiện diện của Đài Loan trên trường quốc tế.

Trong bước tiếp theo, dự luật sẽ được đưa ra trước toàn thể Thượng viện Mỹ để được bỏ phiếu thông qua. Sau đó nó tiếp tục được đưa qua phê duyệt ở Hạ viện trước khi được mang tới bàn làm việc của ông Trump để Tổng thống Mỹ ký.

Bà Thái Anh Văn yêu cầu cơ quan đối ngoại Đài Loan nỗ lực hết sức mình trong việc gìn giữ các mối quan hệ với đồng minh. (Ảnh: SCMP)

Bầu cử Đài Loan trước sức ép từ Trung Quốc

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, trong buổi họp báo 26/9 vừa qua cũng đã cảnh báo việc Bắc Kinh có thể triển khai các chiến dịch can thiệp vào cuộc bầu cử sắp tới. Bà cũng đã yêu cầu cơ quan đối ngoại Đài Loan nỗ lực hết sức mình trong việc gìn giữ các mối quan hệ với đồng minh.

Vào ngày 11/1/2020, Đài Loan sẽ tổ chức bầu cử tổng thống lần thứ 15. Bà Thái Anh Văn, thành viên Đảng Dân tiến (DPP), đảng phái có lập trường ủng hộ việc Đài Loan chính thức tuyên bố độc lập hoàn toàn với Trung Quốc, sẽ tham gia tranh cử. Trong cùng ngày, 113 ghế quốc hội trên đảo quốc cũng sẽ được bầu chọn.

Theo Cơ quan thông tấn chính phủ Đài Loan (CNA), hôm 23/9, Hội đồng An ninh Quốc gia Đài Loan (NSC) đã cảnh báo Đài Loan có thể mất thêm một đến hai đồng minh trong năm nay. Việc các quốc gia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan sẽ tạo áp lực kinh tế và ngoại giao rất lớn lên Đảng Dân tiến của bà Thái.

Bắc Kinh hiện đang tạo tác động nhằm thúc đẩy các luồng dư luận chống lại ứng cử viên của Đảng Dân tiến, nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Quốc dân Đảng – KMT, nơi có nền tảng thân Bắc Kinh.

NSC cũng cảnh báo rằng Trung Quốc có thể sẽ gây áp lực lớn hơn cho Đài Loan thông qua việc hạn chế các khoản đầu tư, cắt giảm chuyến bay, tạm dừng việc chuyển đổi tiền tệ xuyên eo biển. Nếu tiền Đài Loan không đổi được sang nhân dân tệ, thì hoạt động kinh doanh giữa thương nhân Đài Loan và Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là các hoạt động đầu tư của người Đài Loan vào công ty Trung Quốc. Tất cả động thái từ phía Trung Quốc nói trên đều nhằm mục đích tác động lên kết quả bầu cử ở Đài Loan vào năm tới.

Đã có những suy đoán cho rằng các đồng minh còn lại của Đài Loan ở Thái Bình Dương như quần đảo Marshall, Palau, Cộng hòa Nauru và Tuvalu có thể chuyển hướng sang ủng hộ Bắc Kinh. Nhưng thời gian gần đây, Cộng hòa Nauru, quần đảo Marshall, Palau đã lên tiếng ủng hộ ngoại giao Đài Loan.

Trong tuyên bố hôm 24/9, Tổng thống quần đảo Marshall là Hilda C. Heine đã bày tỏ “sự cảm ơn sâu sắc” đối với sự ủng hộ của Đài loan trong suốt 20 năm qua. Bà cũng cho biết thêm, Đài Loan đã thể hiện cam kết không ngừng trong việc “thúc đẩy tự do, dân chủ và nhân quyền”. “Tất cả đều có thể thấy Trung Quốc đang ra sức bành trướng lực lượng và mở rộng phạm vi hoạt động, các quốc gia dân chủ nên nhìn nhận thật sự nghiêm túc về vấn đề này”.

Khải Hoàn (Theo Epoch Times)