Tôn Ngộ Không tuy từng đại náo Thiên cung, phá hội Bàn Đào, nhưng nếu suy xét sâu xa thì Mỹ Hầu Vương lại là bậc thượng sĩ thành tâm tu đại Đạo hiếm có trong Tây du ký.
Hồi 2 của “Tây du ký” ghi lại, trong một hôm nghe Bồ Đề Tổ Sư giảng kinh, Tôn Ngộ Không nghe kinh thấm ý, cào tai, gãi mặt, khoa tay múa chân đến nổi nhảy dựng ra ngoài hàng mà không biết. Tổ Sư ngạc nhiên nói: “Nhà người sao vô lễ vậy? Mau vào hàng nghe giảng đạo“.
Ngộ Không thưa: “Ðệ tử nghe lời sư phụ giảng giải hay quá, khiến cho lòng thành thích ý, nhảy múa khi nào không hay“.
Tổ Sư hỏi tiếp mới nhớ Ngộ Không đã đến xin học Đạo được 7 năm, nay đã có trí nhớ, học được lễ nghi, cách ăn ở rồi, bèn muốn dạy Đạo cho hắn.
Tổ sư nói: “Phép Đạo có 360 cửa, ta dạy con Đạo chữ “thuật” được chứ?“
Ngộ Không hỏi: “Đạo ấy ra sao?“. Tổ Sư đáp: “Đạo chữ “thuật” chính là lên đồng thỉnh vài vị Thần Tiên, xem bói quẻ, có thể xu cát tị hung.“
Ngộ Không thưa: “Vậy có sống trường sinh được chăng?” Tổ sư nói: “Không thể sống lâu được!” Nghe vậy Ngộ Không liền lắc đầu không chịu học.
Tổ Sư lại hỏi: “Vậy ngươi chịu học Đạo chữ ‘lưu’ không?“. Ngộ Không thưa: “Đạo ấy thế nào xin sư phụ cho biết?“.
Tổ Sư nói: “Đạo chữ ‘lưu’ chính là Nho gia, Đạo gia, Âm Dương gia, Mặc gia, thầy thuốc hoặc tụng kinh niệm Phật…“
Ngộ Không thưa: “Đạo ấy có sống trường thọ được không?“. Tổ Sư đáp: “Học Đạo này mà muốn trường thọ thì khác nào trồng cột trong vách tường!“
Ngộ Không sầm nét mặt suy nghĩ giây lâu, rồi nói: “Thưa sư phụ, đệ tử vốn dốt nát không hiểu nổi lời cao kỳ, mong sư phụ giảng rõ.“
Tổ sư nhìn Ngộ không như dò ý, nói: “Người ta khi cất nhà muốn chắc chắn, dựng cột trong vách tường, đến khi nhà hư sụp, cột trụ đương nhiên cũng mục nát luôn.“
Ngộ không buồn bã đáp: “Như vậy cũng không dài lâu, con không học.“
Tổ Sư bảo tiếp: “Vậy ta dạy con đạo chữ ‘tịnh’ thì thế nào?” Ngộ không ngước mặt lên, nhìn Tổ Sư như van xin: “Đạo chữ ‘tịnh’ sẽ đắc chính quả gì?“
Tổ Sư đáp: “Đạo này tịch cốc, thanh tĩnh vô vi, tham thiền nhập định, im lặng giữ giới, các loại tọa quan nhập định.“
Ngộ Không hỏi vội: “Như vậy cũng có thể trường sinh sao?” Tổ Sư nói: “Theo Đạo này, như gạch sống để trước lò nung“. Ngộ Không ngớ ngẩn hỏi: “Như thế nghĩa là sao? Xin sư phụ giảng rõ?“
Tổ Sư phì cười: “Ðất tuy vỗ nên hình tấm gạch, song mới để lên lò chưa nung chín, đem ra dùng gặp nước phải rã” Ngộ Không lắc đầu ý không chịu học.
Tổ Sư bảo: “Nếu không muốn học chữ tịnh ta dạy chữ động cho“. Ngộ Không liền cúi đầu đáp: “Thưa sư phụ, bất kể động, tịnh, miễn được trường sinh bất tử con xin thọ giáo.“
Tổ Sư nghiêm nét mặt nói: “Đạo ấy có đầy triển vọng, thải âm bổ dương, phàn cung đạp nỏ, luyện hơi thở, uống thuốc kim đơn khỏi bệnh.”
Ngộ Không lại hỏi: “Học xong có thể trường sinh sao?” Tổ Sư thở dài: “Mơ ước trường sinh này chẳng khác nào mò trăng đáy nước!” Ngộ Không thưa: “Sư phụ lại vậy rồi, như thế nào là mò trăng đáy nước?”
Tổ Sư đáp: “Trăng ở trên trời cao, trong nước có bóng tuy nhìn thấy nhưng không thể nào mò tới, đến cùng chỉ như không mà thôi!” Ngộ Không nghe hiểu, liên tục nói không học.
Bốn lần “không học” này nói rõ “tâm cơ” của Tôn Ngộ Không chỉ một lòng tu Đạo, đắc phép trường sinh mà đối với những thứ khác lại hầu như không thèm ngó đến. Về sau, Ngộ Không được Bồ Đề tổ sư chân truyền, lại trải qua thiên tân vạn khổ cùng Đường Tăng đi Tây Thiên thỉnh kinh, được Như Lai Phật Tổ phong là Đấu Chiến Thắng Phật. Siêu xuất tam giới không trong ngũ hành.
Nếu như một người tu luyện có ngộ tính như Tôn Ngộ Không, nhất định sẽ có hy vọng đắc chính quả. Cho nên mới nói Tôn Ngộ Không là một trong những thượng sĩ đại đức ít có trong “Tây du ký”, là sinh mệnh có ngộ tính cao nhất.
Tú Văn biên dịch