Những năm cuối thời Minh, có một vị tú tài đến từ An Huy, Đồng Thành tên là Trương Bỉnh Di. Một lần nọ, Trương Bỉnh Di trong lúc ngủ thấy một giấc mơ lạ. Trong mơ ông gặp một vị tướng mặc chiến bào nói sẽ đầu thai làm con của mình…
Vị tướng mặc áo giáp vàng này nói: “Ta là Vương Đôn (266-324) thời Đông Tấn, bây giờ muốn đầu thai làm con của ngài”. Vừa nghe người đó nói vậy, Trương Bỉnh Di sợ hãi vội khoát tay lắc đầu, lập tức cự tuyệt.
Vị tướng quân mặc kim giác đứng trước mắt kia nhìn khí thế phi phàm, oai phong lẫm liệt, nhưng vì sao Trương Bỉnh Di lại không chấp nhận người này? Thì ra, hơn 1300 năm trước, Vương Đôn thời Đông Tấn tuy có lai lịch không tầm thường, nhưng danh tiếng của ông lưu lại trong sử sách lại không hay lắm.
Trương Bỉnh Di nói: “Theo sử sách ghi chép, ngài đã từng là quyền thần, là đại tướng quân thời đầu Đông Tấn; nhưng ngài lại âm mưu soán ngôi hoàng đế. Mặc dù sau đó bệnh chết, soán vị cũng không thành công, nhưng ngài đã bị lưu lại ô danh trong lịch sử. Nhà của tôi không muốn chứa loại người loạn thần dã tâm như ngài!”.
Vị tướng quân mặc áo giáp vàng vội thanh minh: “Sinh ra làm người trong dòng chảy lịch sử, phải đóng vai gì, làm chuyện gì, thật ra không phải hoàn toàn là ý của ta, ta chỉ là dựa theo trời cao an bài mà hành sự.
Năm đó thiên ý định ra tiều Tấn sắp suy bại, cho nên ta được an bài làm nghịch thần; hiện tại thiên hạ thanh bình, ta lần này tới là muốn phụng thiên ý làm lương thần phụ tá thánh nhân”.
Tướng quân áo giáp vàng vừa hạ giọng, Trương Bỉnh Di liền tỉnh dậy từ trong mộng, sợ đến mồ hôi lạnh chảy ròng ròng. Chính ông cũng bán tín bán nghi, không biết giấc mộng kia rốt cuộc là thật hay giả, cũng không biết đó là họa hay phúc.
Phúc trạch của Trương gia mất rồi trở lại
Không lâu sau, Trương gia quả nhiên sinh một đứa con trai. Gia tộc sinh con trai là điều đáng mừng, nhưng khi cả gia đình còn đang vui vẻ, không ngờ không bao lâu sau đứa bé chết yểu, Trương gia lập tức chìm vào bầu không khí tang tóc, đau buồn, nhất là Trương phu nhân bị mất con càng khóc như chết đi sống lại.
Qua mấy năm sau, Trương Bỉnh Di lại mơ thấy Vương Đôn. Vừa thấy Vương Đông, Trương Bỉnh Di liền nhào đến trách mắng: “Ông quả nhiên là tên gian tặc gạt người, nói đến rồi vội vã đi, làm hại nhà ta chịu một trận bi thương”.
Vương Đôn nói: “Bởi vì lần trước sau khi nói chuyện với ngài, nhận thấy ngài cũng không chào đón ta làm con ngài, cho nên ta cũng do dự rốt cuộc nên đến hay là không.
Lần trước sau khi vội vã đến, ngẫm lại không thấy thích hợp lắm nên rời đi (đứa bé chết yểu). Bởi vì ta nghĩ hay là đi quan sát thêm vài thế gia khác ở Giang Nam có duyên với mình, xem xong rồi quyết định”.
Vương Đông lại nói tiếp: “Kết quả là ta nhận thấy phúc trạch của bọn họ không bằng được Trương gia các ngài, vì vậy lần này ta quyết định làm con ngài rồi, tuyệt đối sẽ không đi nữa”.
Trương gia là một thế gia nhiều đời làm quan, ông của Trương Bỉnh Di đậu tiến sĩ vào năm Long Khánh thứ hai (năm 1568), làm tới chức Thiểm Tây bố chánh sử. Cha Trương Sĩ Duy làm quan chức Trung Hiến đại phu, tri phủ Phủ Châu. Chú Trương Bỉnh Văn, đảm nhận chức Sơn Đông tả bố chính sử; chú Trương Bỉnh Trinh, giữ chức Binh bộ thượng thư. Người xưa quan niệm tổ tiên tích đức dày thì gia tộc mới được hưng thịnh như vậy.
Không chỉ vậy, bản thân Trương Bỉnh Di là một người trời sinh thích làm việc thiện, thấy người khác đang trong nguy khốn, ông cũng hay động lòng trắc ẩn. Mỗi năm Đồng Thành, An Huy gặp loạn giặc cỏ, còn có nạn đói lớn, Trương Bỉnh Di thường lấy gạo cứu tế người đói khổ, rất nhiều người nhờ vậy mà sống sót. Phu nhân của ông là Ngô thị cũng là một người rất thường cứu trợ bố thí người khác.
Quý tử ra đời, kỳ mộng ứng nghiệm
Không lâu sau, Trương gia quả nhiên sinh một đứa bé trai, đặt tên là Trương Anh (năm 1637), vì kỷ niệm hai lần giấc mơ kỳ lạ của mình, Trương Bỉnh Di đặt tên tự cho con mình là Đôn Phục.
Trương Anh sau khi lớn lên, quả nhiên tài giỏi hơn người. Vào năm Khang Hy thứ sáu (năm 1667) thi đậu tiến sĩ, làm quan tới chức Văn Hoa đại học sĩ, kiêm Lễ bộ thượng thư, cống hiến lớn suốt giai đoạn Khang Càn thịnh thế, được khen ngợi là hiền thần, để lại tiếng thơm trong sử sách.
Con trai của Trương Anh là Trương Đình Ngọc, đỗ tiến sĩ vào năm Khang Hy thứ 39 (năm 1700), đảm nhận chức Bảo Hòa điện đại học sĩ, quân cơ đại thần, là trọng thần trong cả ba triều đại Khang – Ung – Càn, vào thời Càn Long được phong thái bảo.
Không chỉ hai cha con họ đều giữ chức quan lớn, ngay cả cháu trai và cháu cố của Trương Anh cũng có người làm đại quan, gia tộc bốn đời vinh quang phi phàm, trong lịch sử Trung Quốc quả thật hiếm thấy.
Bàn về phúc trạch, Trương gia quả là đệ nhất ở Giang Nam. Cha của Trương Anh năm đó mơ thấy giấc mơ lạ quả thực đã ứng nghiệm.
(Trích trong “Dung Nhàn Trai Bút Ký”)
Tuệ Tâm (Theo NTDTV)
Xem thêm: