“Nhân sinh nếu được như lúc đầu, bức tranh bi ai sẽ lấp đầy bởi gió thu”; “Từng ở trong biển cả thì sông hồ không phải nước, chỉ mây Vu Sơn mới là mây”… đều là những áng thơ kinh điển về nhân sinh của những đại thi hào. Chúng ta hãy cùng nhau thưởng thức!
Nhân sinh nếu như lúc ban đầu, bức tranh bi ai lấp đầy bởi gió thu. (Nhân sinh nhược chích như sơ kiến, hà sự thu phong bi họa phiến)
Đây là trích đoạn trong bài thơ “Mộc Lan hoa lệnh”. Nhân sinh nếu như rất nhiều thứ, rất nhiều cảnh ngộ, rất nhiều người có thể giữ được như lúc ban đầu hẳn là tốt biết bao.
Nếu chỉ là mới gặp, hết thảy điều tốt đẹp đều sẽ không rơi mất. Rất nhiều khi, mới bắt đầu là ái mộ, sau một thời gian quay đầu nhìn lại, thì người và vật đều đã không còn, bãi bể đã hóa thành nương dâu.
Nắm tay đã hẹn, sánh bước đến già. (Chấp tử chi thủ, dữ tử giai lão)
Câu thơ trích trong bài thơ “Kích cổ 4”. Một câu thơ vô cùng đơn giản, nhưng lại là nguyện vọng của bao nhiêu người từ xưa đến nay. Tựa như câu hát: “Điều lãng mạn nhất ta có thể nghĩ đến, có lẽ chính là được sánh bước cùng người mình thương đến hết cuộc đời”.
Kỳ thực, sống tại thế gian, nếu có một người sẵn lòng cùng bạn sinh tử bên nhau, cuộc đời này như thế là quá đủ.
Từng trong biển cả sông hồ không phải nước, chỉ mây Vu Sơn mới là mây. (Tằng kinh thương hải nan vi thuỷ, trừ khước Vu Sơn bất thị vân)
Câu thơ trích trong bài “Ly tư kỳ tư”. Xưa nay, tâm con người nếu đã chìm trong biển cả bao la, thì sẽ không nhìn thấy dòng sông nhỏ hay suối nhỏ tầm thường, đã từng nhìn thấy mây trên Vu Sơn, thì sẽ cảm thấy mây nơi khác không xứng là mây.
Kỳ thực, gặp phải nam nhân/nữ nhân tốt quá sớm chưa hẳn đã là điều tốt, bởi nếu như đánh mất họ, cả đời bạn sẽ như sống trong câu thơ này.
Trong đám đông tìm người trăm ngàn lần. (Chúng lý tầm tha thiên bách độ)
Câu thơ trích trong bài “Thanh ngọc án”. Toàn bộ câu này là: “Chúng lý tầm tha thiên bách độ, mạch nhiên hồi thủ na nhân khước tại, đăng hoả lan san xứ”. Tạm dịch: Trong đám đông tìm người trăm ngàn lần, bỗng quay đầu người ngay sát bên, đứng đó dưới lửa tàn. Nhiều khi, chúng ta vẫn luôn hướng về chỗ xa xăm tìm người trong lòng mình, nhưng chẳng thấy bóng dáng họ, bỗng nhiên quay đầu, mới phát hiện họ vẫn luôn ở cạnh ta.
Tình này sớm đã thành nhớ nhung về dĩ vãng, giờ chỉ còn lại nỗi đau thương. (Thử tình khả đãi thành truy ức, chỉ thị đương thời dĩ võng nhiên)
Là trích đoạn trong bài “Cẩm sắt”. Thời gian trôi qua, bỗng một ngày hồi tưởng lại, thấy tình cũ khó quên, vẫn còn trong ký ức, chỉ là hết thảy đều đã như mây khói. Chữ “đã” là vô cùng đáng sợ, nếu thời thiếu niên không vô tri, thì đâu đến nỗi như thế này!
10 năm cách biệt sinh tử, không cố nhớ cũng chẳng thể quên. (Mười năm sinh tử lưỡng mang mang, bất tư lường tự nan vương)
Câu trên là trích trong bài thơ “Giang thành tử”. Bài thơ là nỗi cảm thương của Tô Thức đối với người vợ đã qua đời của mình. Mười năm là một cái thoáng qua, nhìn tựa như không dài, nhưng lại đủ để cho em bé mới lọt lòng khóc oa oa biến thành một đứa trẻ, đủ để một người thanh niên trở nên trưởng thành chín chắn, đủ để cho một người trung niên chính trực tiến vào màn cuối của cuộc đời.
Câu “Túng sử tương phùng ưng bất thức, trần mãn diện, mấn như sương”, ý rằng “Có gặp nhau không dễ nhận, mặt đầy bụi, tóc pha sương” trong bài thơ này, làm ta hình dung đến những năm tháng cô đơn vô vị dài đằng đẵng, một cảnh tượng thật khiến người ta tan nát cõi lòng.
Lê Hiếu biên dịch