Tinh Hoa

Tụng kinh hướng Phật vì sao có thể tiêu tan bệnh tật?

Con người ta khi rơi vào cảnh khốn cùng bế tắc thường chỉ biết nương nhờ nơi cửa Phật, tụng kinh sám hối mong được Thần Phật từ bi cứu vớt. Và có rất nhiều trường hợp, tụng kinh đã giúp con người ta thoát bệnh, thoát khổ. Trong sách cổ cũng có một số ghi chép như vậy.

(Ảnh: Internet)

Chuyện kể rằng, nghị tào viện (tên gọi một chức quan) họ Âu của Nam quận đời nhà Tấn, bị bệnh suốt một năm. Bệnh tật hành hạ ông đến nỗi chỉ còn da bọc xương, cả nhà ông cầu thầy y, cúng bái Thần linh, chữa trị đủ mọi cách cũng không thấy khỏi, cuối cùng không còn nghĩ ra được cách nào nữa. Một hôm, con trai ông là Dạ Như nằm ngủ, mơ thấy có rất nhiều hòa thượng đến thăm cha của mình.

Ngày hôm sau, Dạ Như đến chùa và hỏi hòa thượng rằng: “Phật là Thần gì vậy?”. Hòa thượng giảng những đạo lý đơn giản của Phật giáo cho cậu nghe, cậu liền mời các hòa thượng về nhà để tụng kinh trừ nạn cho cha mình. Buổi tối hôm đó sau buổi tụng kinh, cha cậu đã cảm thấy bệnh tình thuyên giảm rất nhiều.

Hôm sau, vào ban ngày Dạ Như nằm ngủ một lúc, đang lúc mơ màng ngẩng đầu nhìn lên, thì thấy ngoài cửa có mấy chục đứa bé, toàn bộ đều mặc áo quần sặc sỡ, có đứa trong tay cầm phiên, có đứa cầm trượng, đứa thì cầm đao, cầm mâu, từ cổng nhà đi vào.

Có hai đứa bé đi trước, khi đi đến trước rèm cửa, bỗng nhiên lại quay trở lại, và nói với những đứa trẻ phía sau rằng: “Bên trong đều là hòa thượng cả, lần sau chúng ta chớ có đến nữa”. Từ đó về sau, bệnh tình của ông dần dần khỏi hẳn.

(Trích từ “Linh Quỷ chí”).

Thời xưa, người nào đã xuất gia, thì mọi người không còn xem họ là người thường nữa. Người xưa kính trọng nhất chính là người tu luyện. Chắc rằng ở không gian khác là có Thần đang phù hộ cho họ. Người bệnh trong câu chuyện kể trên có lẽ là vào đời trước đã có duyên với hòa thượng, nên đời này được hòa thượng ghé thăm và tụng kinh trừ nạn giúp.

Người tu luyện thật đáng trân quý, mỗi lời kinh Phật được họ tụng ra thì đến cả quỷ thần cũng đều phải kính nể. Tuy nhiên lại nói rằng, đó là đối với người tu luyện chân chính, khi niệm kinh đạt được nhất tâm bất loạn thì mới có được trạng thái thần thánh đó.

Còn đối với một số hòa thượng, đặc biệt là những vị hòa thượng trong thời mạt Pháp này, họ chỉ xem tu luyện như là một chức danh trong xã hội người thường, không còn hiểu ý nghĩa chân chính của 2 từ “tu luyện”; mỗi lời tụng kinh là lẫn lộn bao nhiêu thứ danh – lợi – tình; thử hỏi như vậy thì quỷ thần có kính nể hay không?

Tiểu Thiện, theo Epochtimes