Trong kinh doanh, chữ “tín” luôn được đặt lên hàng đầu, bởi vì nó chính là nền tảng cho sự tồn tại và phát triển. Người Do Thái hay người Nhật đều rất coi trọng chữ tín, với họ, thất tín chính là con đường đi đến hủy diệt.
Thời gian gần đây, hai sự kiện lớn là VN Pharma và Khaisilk đang gây nên những cơn sóng ngầm trong dư luận. Tất cả đều liên quan tới một chữ “tín”…
Dư luận theo dõi phiên tòa xử phúc thẩm vụ án VN Pharma như “mở cờ trong bụng” vì những bức xúc lâu nay, cuối cùng đã được giải tỏa.
Những chi tiết quan trọng như vì sao thuốc chữa ung giả/kém chất lượng vẫn ra được thị trường; con đường của 7,5 tỉ đồng “rải hoa hồng” cho bác sĩ đi như thế nào… được VKS hỏi dồn dập. Và thật bất ngờ, cuối phiên tòa, hai bị cáo Nguyễn Minh Hùng – nguyên Tổng Giám đốc VN Pharma, Võ Mạnh Cường – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C, bị bắt giam tại trận, khiến Hùng “nức nở”.
Còn Khaisilk cũng đang là “từ khóa nóng”. Theo đó, cộng đồng mạng “nổi cơn thịnh nộ” khi Khaisilk bán khăn lụa tơ tằm vừa gắn mác thương hiệu Việt vừa gắn mác Trung Quốc.
Trước “lùm xùm” này, “ông hoàng của lụa” đã thừa nhận gần 30 năm nay bán khăn lụa nhập từ Trung Quốc, đồng thời cúi đầu xin lỗi khách hàng Việt.
“Sai một ly đi một dặm”, một doanh nhân có tiếng đất Hà thành lại đánh đổi niềm tin của “thượng đế” bằng sự bội tín chỉ vì cái gọi là siêu lợi nhuận.
Có thể thấy được sự tương đồng qua hai vụ “nổi đình đám” VN Pharma và Khaisilk. Nhưng đó là sự tương đồng chua chát!
Cả hai cùng buôn gian bán lận, thiếu trung thực trong kinh doanh, bất tín và lừa lọc. Như một nhà khoa học đã nói: Nếu được lãi 30%, dân buôn bán có thể bán cả con cái, bán cả bố mẹ, nếu lãi lên tới 100%, lãi 200% bán cả bản thân mình.
Hai ví dụ trên giúp ta nhìn xa hơn về chữ tín, sự trung thực trong kinh doanh.
Theo TS Đoàn Hương, trong văn hóa kinh doanh, chữ tín phải đặt lên hàng đầu. Tiền vốn rất quan trọng, mẫu mã cũng quan trọng nhưng quan trọng nhất phải là chữ tín và sự trung thực.
“Trên thương trường, nhiều doanh nghiệp sử dụng thủ thuật để thắng, tôi cho rằng không bền được. Trên thương thường nếu phạm phải chữ tín ắt sẽ thất bại” – TS Hương nói.
Chữ tín của người Nhật và lòng tin khách hàng
Với người Nhật, chữ tín trong kinh doanh và lòng tin trong những cư xử xã hội luôn được đề cao. Người Nhật họ tin nhau bởi tính trung thực, tự giác đã trở thành văn hóa. Khách hàng luôn tin những công ty Nhật bởi cách làm chuyên nghiệp, có trách nhiệm, cam kết thực hiện đúng những gì đã hứa… Đó không phải là việc làm nhất thời mà là “phong cách Nhật” – được người Nhật tạo dựng, duy trì trong suốt một quá trình dài…
Nếu có dịp đến Osaka, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những “shop mini không người bán” – người mua chỉ việc chọn lấy sản phẩm mình thích và tự giác bỏ tiền vào thùng theo đúng giá niêm yết. Ở một số tỉnh như Hokkaido, Sapporo hay Osaka, hầu hết các siêu thị đều không yêu cầu người mua phải gửi giỏ hay túi xách khi vào mua sắm…
Tại Nhật Bản, trong công việc, mọi thứ đều được kiểm tra, giám sát chặt chẽ để tránh sai sót, nhưng kiểm soát về tính trung thực thì rất hiếm vì người Nhật luôn đặt niềm tin lẫn nhau.
Không phải ngẫu nhiên mà người Nhật luôn có lòng tin về tính trung thực, tự giác của người dân trên đất nước họ. Bởi đức tính đó được hình thành, giáo dục từ nhỏ, được rèn luyện qua thời gian và dần trở thành tính cách đặc trưng của hầu hết người dân Nhật Bản…
Trọng chữ tín, cam kết thực hiện đúng những gì đã hứa
Nếu như ở Việt Nam, hai từ “thông cảm” thường được dùng để biện minh cho việc không thực hiện đúng cam kết thì với người Nhật, chữ tín và cam kết thực hiện đúng những gì đã hứa luôn được đặt lên hàng đầu, dù đôi lúc, việc giữ chữ tín có thể gây ảnh hưởng đến lợi ích công ty…
Câu chuyện về việc giữ chữ tín của Fujita – công ty chuyên sản xuất dao, nĩa để cung cấp cho các công ty thực phẩm là một ví dụ rõ nét nhất về tinh thần trọng chữ tín của người Nhật. Theo hợp đồng, Fujita sẽ giao 3 triệu chiếc dao nĩa cho một công ty thực phẩm ở Chicago (Mỹ) vào ngày 1/9. Tuy nhiên, một vài sự cố thiết bị xảy ra khiến lô hàng chỉ được hoàn tất vào ngày 30/8, tức truớc hạn giao đúng…1 ngày.
Nếu áp dụng cách giao hàng như đã thỏa thuận (vận chuyển bằng tàu, thời gian giao mất 1 tháng) đồng nghĩa với việc lô hàng không thể đến Chicago đúng hạn. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, hãng Fujita đã quyết định thuê trọn gói chiếc máy bay Boeing 707 để chở toàn bộ lô hàng đến Chicago đúng hạn đã cam kết.
Dù số tiền bỏ ra cao gấp trăm lần so với giá cước thuê tàu, dù việc làm này dẫn đến lợi nhuận của Fujita bị sụt giảm nghiêm trọng, nhưng đã khiến công ty thực phẩm của Mỹ vô cùng cảm động và khâm phục. Để rồi những năm sau đó, họ tiếp tục đặt mua dao nĩa của Fujita với số lượng tăng gấp đôi, gấp ba và trở thành khách hàng thân thiết của hãng trong suốt thời gian dài…
Thẳng thắn nhận trách nhiệm, biết đặt uy tín lên trên lợi ích, lợi nhuận của công ty là cách giúp người Nhật tạo có được lòng tin và sự tín nhiệm của khách hàng.
Bên cạnh đó, việc nỗ lực khắc phục những sai sót, đồng thời duy trì chất lượng ổn định, nhất quán trong suốt quá trình dài là cách các công ty Nhật Bản chiếm được lòng tin và phát triển bền vững dù có bất kỳ biến động nào xảy ra…
Đạo đức kinh doanh: từ triết gia cổ xưa tới học thuyết kinh tế hiện đại
Ngày nay, “Đạo đức kinh doanh” đã trở thành một bộ môn khoa học độc lập với đầy đủ khái niệm, phạm trù nghiên cứu, cơ sở lý luận và thực tiễn; được giảng trong các chương trình đại học đào tạo doanh nhân. Dù bề dày lý luận và các bằng chứng thực tiễn của môn khoa học này ngày một bề thế, nhưng cũng không nằm ngoài nội hàm mà các hiền triết cổ xưa răn dạy con người, đó chính là giữ chứ tín trong kinh doanh. Phải chăng ngôn ngữ cổ xưa tuy giản dị nhưng có nội hàm uyên thâm, sâu sắc nên không cần một hệ thống lý luận và định nghĩa quá lớn như khoa học hiện nay?
Khổng Tử giảng về đạo đức kinh doanh bằng một câu “Thương Đạo thù Tín” (Luận Ngữ), nghĩa là miễn là giữ được chữ tín, người làm kinh doanh sẽ được tưởng thưởng xứng đáng, phúc lộc đủ đầy. Ông còn giảng thêm “Dân vô tín bất lập”, nghĩa là người không có uy tín thì không có nơi lập thân, hiểu theo nghĩa rộng hơn là cũng khó có thể khởi nghiệp nếu thiếu chữ tín.
Ngày nay, ngoài hệ thống giáo dục bề thế về “đạo đức kinh doanh” trong trường học, để các doanh nghiệp có thể cạnh tranh bình đẳng trong một môi trường kinh doanh lành mạnh, hệ thống luật, thể chế giám sát và các nguyên tắc quản trị công ty luôn không ngừng cố gắng “gia cố” để đảm bảo mọi doanh nghiệp hoạt động trong khuôn khổ đạo đức cho phép. Thực chất là không để lòng tham (dục vọng) của những người có quyền ra quyết định vì lợi ích của chính họ, vượt qua giới hạn đạo đức kinh doanh về chữ tín của cha ông hay vượt ranh giới về luật định ngày nay – đây chính là rủi ro hàng đầu dẫn tới đổ vỡ của doanh nghiệp nói riêng và khủng hoảng kinh tế, tài chính nói chung.
TinhHoa tổng hợp