Mới đây, vụ “lùm xùm” xung quanh cuộc thi Hoa hậu Đại dương 2017 đã thu hút đông đảo sự quan tâm của dư luận. Sau đêm chung kết, Lê Âu Ngân Anh chính thức trở thành chủ nhân của chiếc vương miện. Tuy nhiên, cô đã vấp phải khá nhiều lời chỉ trích từ công chúng.
Nhiều người cho rằng cô gái 9X này sở hữu nhan sắc kém nổi bật và đặt nghi vấn cô phẩu thuật thẩm mỹ, mua giải. Một số hình ảnh đời thường của Tân Hoa hậu Đại dương 2017 xuất hiện trên mạng, khiến nhiều người bất ngờ về nhan sắc của cô trước khi tham gia cuộc thi nhan sắc HH Đại dương 2017.
Tuy nhiên, cả BTC và Lê Âu Ngân Anh đều một mực khẳng định mình có vẻ đẹp tự nhiên, không hề vi phạm quy định cuộc thi.
Năm ngày sau khi đăng quang, tân Hoa hậu Lê Âu Ngân Anh đã có một cuộc phỏng vấn ở Hà Nội về những gì mọi người còn thắc mắc về kết quả của cô. So với đêm chung kết thì ngoài đời, Lê Âu Ngân Anh xinh đẹp hơn. Môi của cô cũng không bị sưng lên như hôm thi. Lý giải về điều này, cô cho biết, đó là sự cố do cô bị dị ứng môi trường và lỗi trang điểm chứ cô không hề sử dụng phương pháp làm đẹp nào khác. Về chuyện thẩm mỹ mũi, cô thừa nhận:
“Khi nhận lời làm đại diện hình ảnh cho một thẩm mỹ viện, tôi đã phẫu thuật mũi, cụ thể là làm sụn nhân tạo vào tháng 3/2016. Nhưng khi quyết định tham gia cuộc thi Hoa hậu Đại dương 2017, tôi đã tháo sụn ra khỏi mũi để tuân thủ tuyệt đối tiêu chí vẻ đẹp tự nhiên mà Ban Tổ chức quy định”.
Tuy nhiên theo một số chuyên gia, ngay cả khi đã rút sụn ra, điều này vẫn là vi phạm quy chế thi. Vì trong quy chế nêu rõ “thí sinh chưa trải qua phẫu thuật thẩm mỹ”.
Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đã có văn bản đề nghị Ban Tổ chức cuộc thi này giải trình về việc tân Hoa hậu có phẫu thuật thẩm mỹ hay không. Tuy nhiên cho đến nay, kết luận vẫn chưa được công bố.
Theo dõi những ồn ào sau cuộc thi Hoa hậu Đại dương, nhà thơ Dương Kỳ Anh – nguyên Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam cho rằng: “Nguyên nhân thực sự đằng sau có lẽ chỉ người trong cuộc mới rõ. Nhưng có một phần tôi cho là vì Ban Tổ chức thiếu kinh nghiệm tổ chức. Đó là lý do mà khi tham gia soạn thảo quy chế tổ chức thi người đẹp năm 1989, tôi có đề xuất phải đề ra các tiêu chuẩn cụ thể cho người tổ chức.
Đó là: Phải là cơ quan am hiểu về văn hóa; có kinh nghiệm tổ chức; có uy tín xã hội – vì nếu không có uy tín thì việc họ có bị “mất” uy tín sau cuộc thi cũng chả sao; luôn đặt mục tiêu cái đẹp lên hàng đầu. Nếu anh chỉ đặt mục tiêu thương mại thì hỏng cả một cuộc thi.
Thế nhưng, bây giờ, tôi có cảm giác ai cũng tổ chức được cuộc thi hoa hậu mà ít chú trọng đến điều kiện khắt khe cần có. Bất cứ một cuộc thi nào cũng có những khó khăn nhưng liên quan đến con người, đến cái đẹp thì lại càng nhạy cảm. Chính vì vậy mà cơ quan cấp phép càng cần sự lựa chọn kỹ càng đơn vị tổ chức”.
Hoa hậu Đại dương Việt Nam là cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia mới tại Việt Nam dành cho thiếu nữ, mới được tổ chức từ năm 2014. Nhà thiết kế Võ Việt Chung là người sáng lập và giữ bản quyền, trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Đại dương Việt Nam.
Sau khi đăng quang, sứ mệnh của Hoa hậu Đại dương là sẽ tham gia các hoạt động thiện nguyện, đồng thời trở thành đại sứ cho dự án bảo vệ môi trường, góp tiếng nói và công sức cho các hoạt động bảo vệ môi trường biển. Điều đáng nói là ở đây. Trong các cuộc thi sắc đẹp, ngoài khía cạnh vẻ đẹp về hình thể, việc tìm ra thí sinh có thể thực hiện sứ mệnh cao cả phục vụ công đồng cũng là một mặt quan trọng.
Tuy nhiên, chúng ta dường như đang quá để tâm vào nhan sắc mà xem nhẹ giá trị này. Điển hình như trong những năm gần đây, khi một hoa hậu đăng quang, thay vì chú ý đến những hành động việc làm của họ cho xã hội, cộng đồng, thì chúng ta dường như chỉ lao vào mổ xẻ những khuyết điểm về gương mặt hay chuyện đời tư, quá khứ của họ. Và đương nhiên cũng phải đặt câu hỏi ngược lại rằng tân hoa hậu liệu có hành động để chứng tỏ bản thân xứng đáng với danh hiệu đó hay không.
Vì danh hiệu cao quý ấy nên đi cùng một mục đích cao cả. Giống như Hoa khôi Áo dài Việt Nam 2014 Lan Khuê từng nói: “Tôi quan niệm rằng chiếc vương miện không chỉ để trang trí cho danh tiếng mà người có nó phải có sứ mệnh riêng. Người đội vương miện có trách nhiệm không chỉ với bản thân, gia đình, mọi người xung quanh mà với cộng đồng, xã hội”.
Khi là Miss World Vietnam 2015 tại cuộc thi Miss World 2015 diễn ra tại Trung Quốc, Lan Khuê cũng từng chia sẻ một video khá thú vị về Hoa hậu Thế giới Canada 2015 Anastasia Lin, và cho rằng: “Đây mới là hoa hậu của các hoa hậu. Đừng chỉ nhìn mà hãy nghe cô ấy nói và theo dõi những gì cô ấy làm. Chả cần vương miện, với trí tuệ và bản lĩnh cô ấy sẽ là một nhà lãnh đạo tương lai”.
Được biết, Anastasia Lin là một cô gái gốc Hoa, định cư tại Canada từ năm 13 tuổi. Anastasia Lin đã khẳng định trong cuộc thi Hoa hậu Thế giới Canada 2015 rằng cô sẽ “cất tiếng nói cho những người không thể lên tiếng”, và cô vận động cho chiến dịch tranh vương miện Hoa hậu Thế giới của mình với tuyên ngôn về tự do tín ngưỡng và nhân quyền.
Cô nổi tiếng với các hoạt động lên tiếng vì nhân quyền, đặc biệt là cuộc đàn áp Pháp Luân Công mà Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành kể từ năm 1999. Cô còn là diễn viên chính của nhiều bộ phim phơi bày tình trạng vi phạm nhân quyền, lạm dụng quyền lực của chính quyền Trung Quốc.
Hồng Liên (t/h)