Thời báo Epoch Times cho biết bà Lý Vân (dùng tên giả) đã bị nhiễm virus Vũ Hán trong thời gian làm việc tại thành phố này. Bà chỉ có triệu chứng ho nhẹ, nhưng khi đưa đến bệnh viện thì không được điều trị nên đã qua đời 5 ngày sau đó.
Bà Lý Vân năm nay 60 tuổi, trú tại đường Lý Gia Tập, quận Hoàng Pha, thành phố Vũ Hán. Khoảng tháng 6 hoặc tháng 7/2019, vì muốn kiếm thêm tiền chu cấp cho gia đình, bà Lý đã đến làm nhân viên dọn dẹp cho siêu thị Vanke Plaza ở Vũ Hán 15 hoặc 16 giờ mỗi ngày.
Ông Vương Đào (dùng tên giả), chồng bà Lý cho biết, lần cuối cùng bà Lý Vân rời nhà đến Vũ Hán là ngày 19/1/2020. Sau khi Vũ Hán bị phong tỏa vào ngày 23/1, bà Lý không trở về nhà mà sống trong ký túc xá của đơn vị.
Ngày 5/2 bà Lý trở về nhà, khi đó bà chỉ đeo một cái khẩu trang bảo hộ. Ông Vương Đào nói “Bà ấy trông vẫn rất khỏe, chỉ là có triệu chứng ho nhẹ”, họ cũng không biết rằng bà Lý đã bị nhiễm virus Vũ Hán.
Ông Vương nói: “Bà ấy không bị sốt, cho nên đơn vị đã không đưa bà ấy đến bệnh viện. Tại đơn vị không ai quan tâm đến bà ấy, nên bà đành phải quay về nhà”.
Sau khi trở về nhà, bà Lý đã thông báo tình trạng của mình cho cán bộ thôn, ngày sau đó bà được đưa đến trung tâm y tế Trung Ương trên đường Lý Gia Tập để điều trị. Tuy nhiên, “Chính phủ đã không coi trọng bà ấy và không cho bà ấy đến chữa trị tại bệnh viện lớn”, ông Vương Đào nói.
Vào ngày 10/2, bệnh viện gọi cho Vương Đào và thông báo rằng bà Lý đã qua đời. Thi thể của bà nhanh chóng được đem đi hỏa táng tại Nhà hỏa táng Hoàng Pha. Lúc đó, gia đình bà đều bị cách lý tại nhà, nên không ai được gặp mặt bà lần cuối.
Con trai của bà Lý, Vương Tranh (dùng tên giả), hiện đang làm nghề lái xe ở Vũ Hán cho biết: “Tôi nghi ngờ họ chỉ coi đây là một triệu chứng nhẹ, và đã không cho mẹ tôi sử dụng máy thở, nếu vậy thì bệnh viện này có thể không đủ điều kiện chữa trị”.
Vương Tranh nói rằng, anh nhất định phải tìm hiểu rõ toàn bộ quá trình lây nhiễm và điều trị y tế của mẹ mình. “Tôi sẽ đến bệnh viện đó để làm việc và hỏi cho rõ tại sao tình hình lại nghiêm trọng như vậy. Là một lãnh đạo của một bệnh viện mà nói, nếu có một tình huống nghiêm trọng như vậy, ít nhất họ phải lưu tâm đến chứ. Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì? Nhưng đơn vị của họ căn bản là không làm gì cả, tôi cũng nghi ngờ rằng bác sĩ tại đó cũng không có tiến hành chữa trị”.
Sau khi Lý Vân chết, đại đội thôn đã liên lạc với gia đình bà để hủy chứng minh thư và xóa bỏ hộ khẩu của bà, kể từ đó thì không còn ai đến nữa. “Cho đến bây giờ chúng tôi cũng chưa nhận được sự quan tâm nào của chính phủ, thậm chí là một cú điện thoại cũng không có”. Ông Vương nói: “Nghe nói nhà nước còn phải trợ cấp hàng chục ngàn nhân dân tệ, nhưng đến nay tôi cũng chưa thấy một đồng nào”.
Được biết, ông Vương Đào bị mắc bệnh gan và bệnh tim, cần uống thuốc quanh năm và không có khả năng làm việc. Sau khi Lý Vân đi rồi, gia đình ông trở nên chật về tài chính, và chi phí mua thuốc cho ông cũng trở thành một vấn đề nan giải. Ông Vương hy vọng rằng chính quyền địa phương có thể cấp cho ông một khoản trợ cấp sinh hoạt tối thiểu để đảm bảo một chút cho cuộc sống sau này.
Vương Tranh không biết liệu yêu cầu trợ cấp của cha mình có thể được thực hiện hay không? Anh cho biết: “Nghe nói bây giờ muốn yêu cầu được trợ cấp cần phải đút tiền cho bí thư thôn và thị trấn, nếu không có tiền thì không làm”.
Mặc dù Vũ Hán đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa nhưng Vương Tranh vẫn không dám về quê nhà ở Hoàng Pha. Anh nói tình hình dịch bệnh trong thành phố Vũ Hán vẫn còn rất nghiêm trọng, có rất nhiều ca nhiễm mà không có triệu chứng, anh sợ sẽ mang virus về nhà.
Vương Tranh còn cho biết: “Nhiều tiểu khu vẫn còn đang trong tình trạng phong tỏa một nửa. Tôi thì luôn mang theo cồn bên mình. Chai cồn 180ml của tôi có thể dùng trong nửa ngày”.
Lương Phong (Theo NTDTV)