Có câu “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, từ thói quen trên bàn ăn có thể nhìn ra sự giáo dưỡng của một người là bao nhiêu. Bởi đó là thể hiện người đó có tôn trọng người khác hay không, có nghĩ cho người khác hay không.
Gần đây, chủ đề về “chiếc đũa của Triệu Lệ Dĩnh” đang được tìm kiếm sôi nổi, nguyên nhân là do nữ diễn viên Trung Quốc Triệu Lệ Dĩnh trong mùa thứ 4 của show truyền hình “Nhà hàng Trung Hoa” do đài Hồ Nam phát sóng, khi cùng với nhiều người nổi tiếng khác ăn cơm, cô đã khuấy đũa liên tục trong bát canh lớn và lựa thức ăn.
Màn “hớ hênh” này đã khiến cư dân mạng “choáng váng” và đặt nghi vấn về sự “thô lỗ” và “tố chất kém” của Triệu Lệ Dĩnh. Chủ đề này thậm chí từng nằm trong danh sách tìm kiếm nóng của cư dân mạng.
Từ xa xưa con người đều coi trọng những giá trị đạo đức trong văn hóa truyền thống, nuôi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp, và một khí chất tao nhã. Mỗi gia đình căn cứ theo hoàn cảnh cụ thể, mà kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp đó.
Các quy tắc cổ xưa còn là thể hiện của sự tôn trọng người già và yêu thương trẻ nhỏ, khiêm tốn, lịch sự, cần kiệm, siêng năng, giúp đỡ người khác, nhân từ và hiếu thảo, khoan dung bác ái và thiện đãi với người khác. Đây là quy phạm đạo đức cơ bản trong giáo dục gia đình, cũng chính là một trong những biểu hiện cụ thể của giá trị phổ quát.
Vì vậy, nhiều “phép tắc xưa” dù có trải qua bao nhiêu đời cũng không hề “cũ”, đó là những giá trị truyền thống được ông cha để lại. Do đó, trong cuộc sống hiện đại chúng ta vẫn cần phải hiểu và làm theo.
Dưới đây là 10 quy tắc trên bàn ăn:
1. Để xới cơm, trước tiên phải đánh tơi cơm trong nồi, cơm xới vào bát cần rời hạt, không được vón cục. Bát cơm cũng không nên xới quá đầy trong một lần, nếu muốn ăn nữa thì có thể xới thêm bát nữa.
2. Khi ăn phải bưng bát cơm lên rồi dùng đũa đưa cơm vào miệng, không được dùng miệng áp vào bát để và cơm, càng không được đặt bát xuống bàn và cúi đầu xuống ăn.
3. Cơm phải được ăn không sót hạt nào, sau khi ăn xong cũng không được để đũa lên bát, vì đây là biểu thị việc chưa ăn xong.
4. Đừng vừa nói vừa vung đũa khi ăn.
5. Tư thế cầm đũa phải chuẩn, vị trí thích hợp, cao quá thì thô lỗ, thấp quá thì tỏ ra thiếu hiểu biết.
6. Gắp thức ăn tay cần phải cầm đũa thuận thế, một món ăn không gắp nhiều hơn hai lần liên tiếp. Cũng đừng bao giờ dán mắt vào thức ăn, lật, hay lựa chọn thức ăn trên đĩa, càng đừng lựa thức ăn từ dưới gắp lên.
7. Cố gắng gắp thức ăn ở ngay trước mặt, tuyệt đối không được đưa đũa qua lại bên trên hay bên dưới đũa của người khác để gắp thức ăn. Nếu không, bạn sẽ bị khiển trách rằng “không có phép tắc”.
8. Không nên lật úp cá khi ăn, mà bạn có thể chọn cách lấy xương cá ra và tiếp tục ăn mặt còn lại; cũng không được tùy ý di chuyển đĩa thức ăn.
9. Nếu trong gia đình có người bị ho, hay cảm cúm, hãy đặt thêm một đôi đũa riêng cho người đó và một bát canh nhỏ. Người bệnh sẽ dùng đũa này trong nhiều ngày để gắp thức ăn và uống nước canh trong chiếc bát nhỏ kia cho đến khi cơ thể khỏe mạnh trở lại.
10. Không dùng ngón giữa của tay trái cầm đũa dưới đáy bát, sau đó bưng bát lên để múc canh.
Tóm lại giáo dục là gì? Chính là việc thể hiện theo các quy tắc cổ xưa được ông cha ta đúc kết lại, sau đó truyền từ đời này sang đời khác. Những quy tắc cổ xưa này có thể được tóm gọn trong hai từ là: Lễ nghi.
Từ xưa đến nay, lễ nghi và giáo dưỡng đã là thái độ sống cơ bản, đối với người hiện đại mà nói, nếu không thể tuân theo được thì cũng đừng quên, vì nếu không cẩn thận sẽ dễ trở thành một “Triệu Lệ Dĩnh” thứ hai mà dùng đũa “khuấy đồ ăn”.
Ngoài ra, trong cuộc sống ngày nay, điện thoại di động đã trở thành một công cụ mới của con người, một khi cầm trong tay là không thể buông xuống. Vì vậy, phải bổ sung một quy tắc mới, chính là: Không được dùng điện thoại khi ăn!
Chúc Di (Theo Secret China)