Những bậc thầy toán mệnh thời xưa không những thông qua tướng mạo, mà ngay cả qua một nét bút, cũng đã có thể biết được tám chín phần vận mệnh của người ấy rồi.
Văn hóa Trung Hoa được xưng là nền văn hóa lâu đời và phong phú nhất trên thế giới, trong đó ẩn chứa rất nhiều những tinh hoa bí ẩn về Thần tiên, con người, trang phục, chữ viết…
Chữ Trung Hoa cổ luôn được xem là có nội hàm rất sâu sắc, do Thần truyền thụ. Thời cổ đại, những người am hiểu về tướng thuật chỉ cần nhìn một người đặt bút viết chữ, họ đã có thể đoán biết được tương lai của người ấy. Đây chính là “thuật đoán chữ” của người xưa.
Trương Thừa Trà đoán chữ
Trương Thừa Trà vào triều Minh là một cao thủ “đoán chữ biết mệnh”. Những năm đầu Hồng Vũ, có một lần quan tri huyện Lưu công và Vương công cùng ghé thăm Giang Chiết, tình cờ đổi tên “Củng Bắc Lầu” thành “Lai Viễn”.
Đang lúc cử hành nghi thức gỡ bảng hiệu cũ thì Trương Thừa Trà cũng có mặt tại hiện trường. Nhìn thấy tên bảng hiệu mới là “Lai Viễn”, ông dự đoán rằng trong ba ngày tới gia chủ sẽ có chuyện buồn. Quả nhiên như lời đoán, ba ngày sau, mẹ của Vương công đột ngột mất vì bệnh, còn Lưu công lại vướng vào một vụ án.
Vương công tìm đến Trương Thừa Trà xin hướng dẫn, Trương nói: “Chữ ‘lai’ (來) có nét bút giống với chữ ‘tang’ (喪); chữ ‘viễn’ (遠) có hình dáng giống với chữ ‘ai’ (哀). Hai chấm ở bên cạnh chính là giọt nước mắt đấy”. Vương công lập tức xin Trương Thừa Trà đổi sang một tên khác, Trương Thừa Trà nói đổi thành “Trấn Hải Lầu”.
Phạm Thời Hành đoán chữ
Trong năm Càn Long, ở Tô Châu có một vị am hiểu thuật đoán chữ tên là Phạm Thời Hành. Ông mở quầy ở trên phố để đoán chữ cho người đi đường nhưng mỗi ngày chỉ thu đủ 600 tiền rồi từ chối khách đi đường không đoán nữa.
Có một binh sĩ đến xin đoán chữ, đã viết ra chữ ‘kỳ’ (棋) và hỏi việc họa phúc cả đời. Phạm Thời Hành nói: “Khi chơi cờ vây, quân cờ càng chơi càng nhiều. Khi chơi cờ tướng, quân cờ càng chơi càng ít. Ông giữ lấy chữ ‘kỳ’ (棋) – trong cờ tướng chứ không phải chữ ‘kỳ’ (碁) của cờ vây, giống như cây gỗ mà không thuận với đá, là cờ tướng chứ không phải cờ vây. E rằng nhân khẩu trong nhà càng ngày càng ít rồi”.
Người binh sĩ nói: “Thế này, tôi không phải hỏi điều đó, điều tôi muốn hỏi xem là vận mệnh sau này thế nào?”
Phạm Thời Hành nói: “Ông là người trong quân đội. Là ‘tốt’ (卒) ở bên này giới tuyến (bên nhà) chỉ có thể đi từng bước một, sau khi qua giới tuyến bên kia thì có thể ‘tung hoành thiên hạ’, vì vậy ông thích hợp ở bên ngoài, đừng ở mãi quê nhà. Nhưng tiểu tốt cho dù có qua sông cũng chỉ có thể đi từng bước, vì vậy khó đạt được những việc có ý chí lớn”.
Một người khác viết ra chữ ‘nghĩa’ (義) để đoán mệnh, Phạm Thời Hành hỏi người ấy bao nhiêu tuổi rồi. Sau khi người đến xem chữ trả lời xong, Phạm nói: “Ông tuổi con dê, chữ ‘nghĩa’ (義) ở trên là chữ ‘dương’ (羊), dưới là chữ ‘ngã’ (我), cả đời ông chỉ có một mình, khó có vợ”.
Có một người viết ra chữ ‘phong’ (風), hỏi đứa con đang mang thai là trai hay gái. Phạm Thời Hành nói: “Lấy chữ ‘sâu’ (虫) ở bên trong đặt ra bên phải sẽ giống như chữ ‘hủy’ (虺), trong thơ cổ có câu: ‘Duy hủy duy xà, nữ tử chi tường’ (Mộng thấy rắn là điềm sinh con gái), đứa bé này là nữ đấy”.
Chu Sinh đoán chữ
Thời Nam Tống Cao Tông có một vị am hiểu đoán chữ họ Chu, đoán được khá chuẩn. Tình hình lúc đó người Kim đang xâm lấn biên giới, Tống Cao Tông phải chạy tới Hàng Châu. Thừa tướng đã viết ra một chữ ‘hàng’ (杭) nhờ Chu Sinh đoán.
Chu Sinh nói: “Không bao lâu nữa sẽ có chiến sự xảy ra”. Hỏi tại sao thì ông giải thích: “Chữ ‘hàng’ (杭) nếu đem một chấm ở trên đầu đưa qua bên phải để lên chữ ‘mộc’ (木) chính là hai chữ ‘Ngột Thuật’ (兀术)”. Quả nhiên chưa tới 10 ngày sau, Kim Ngột Thuật đã xâm lấn tới phía nam.
Lúc này trong triều đình, Tần Cối và Triệu Đỉnh thường xuyên có ý kiến bất đồng, tranh luận không ngừng, hai người đều rất chán nản, nảy ý định thoái lui. Một hôm, cả hai mỗi người viết một chữ ‘thoái’ (退) nhờ Chu Sinh dự đoán.
Chu Sinh nói: “Tần Cối không được như ý, Triệu Đỉnh được như ý. Bên trong chữ ‘thoái’ thì chữ ‘nhật’ (日) là biểu hiện quân vương, Tần Cối viết chữ ‘thoái’, chữ ‘nhân’ (人) bên dưới gần với chữ ‘nhật’ nên thoái không được. Triệu Đỉnh viết chữ ‘thoái’, phía dưới chữ ‘nhân’ cách xa chữ ‘nhật’ nên được như ý”. Không lâu sau điều này quả thật ứng nghiệm.
Viết chữ một cách hữu ý hay vô ý thì chữ giống nhau nhưng số mệnh khác nhau
Vào triều Minh, có một thư sinh vào kinh thành đi thi đã viết ra một chữ ‘xuyến’ (串) và xin thầy tướng bói cho một quẻ. Thầy tướng nói: “Đây là việc đại cát, ông không chỉ có thể đậu cử nhân kỳ thi hương, mà còn đậu tiến sĩ ở kinh thành đấy. Chữ ‘xuyến’ là hai chữ ‘trung’ (中) tức là thi đậu”.
Một thư sinh khác đứng bên cạnh vừa nghe xong câu chuyện, cũng viết ra một chữ ‘xuyến’ (串) và hỏi vận mệnh sẽ thế nào. Thầy tướng nói: “Ông không những không thể tham gia lễ tân hưng (quan địa phương tổ chức tiệc mừng cử nhân mới trúng cử), mà còn bị một đợt bệnh nặng”.
Người thư sinh này hỏi tại sao, thầy tướng nói: “Người thứ nhất vô ý viết chữ ‘xuyến’, là hai lần đậu cao; người thứ hai dụng tâm (chữ tâm ‘心’ ) viết chữ ‘xuyến’ (串), như vậy có phải là chữ ‘họa’ (患) không?” Sau này sự việc xảy ra đúng như vậy.
Vào thời đại của Yến Vương, trước khi Minh Thành Tổ xưng đế từng đến một quầy đoán chữ tiện tay viết một chữ ‘bạch’ (帛). Thầy tướng vừa xem xong lập tức quỳ xuống xin tạ tội, Chu Lệ vội vàng đỡ ông dậy và hỏi vì sao lại hành đại lễ như vậy, còn đòi tạ tội nữa chứ.
Thầy tướng nói: “Chữ ‘bạch’ ý chỉ hoàng đế đó, đây đâu phải chữ mà người bình thường có thể viết ra được đâu”.
Sau khi Chu Lệ đi khỏi, lại có một người cố ý viết chữ ‘bạch’ (帛) tương tự, thầy tướng trả lời thẳng thắn: “Nhà ông chắc chắn có việc tang tóc, ‘bạch’ (帛) có nghĩa là tấm vải trắng (白巾)”.
Thuật xem chữ không giống như thuật xem tướng mạo được lưu lại bằng học thuật. Trong lịch sử không có trình bày phân tích lý luận nào chuyên biệt về thuật xem chữ. Những thầy tướng xem chữ nổi tiếng trong vận mệnh của họ cũng thường gặp nạn nhiều hơn, e là theo quy luật thiên cơ không cho phép tiết lộ.
Liên Hoa biên dịch