Điều quan trọng nhất trong lễ tuyên thệ nhậm chức của tổng thống Mỹ chính là lời thề của tổng thống. Tuy nhiên, đây không phải là lời thề đối với nhân dân Mỹ, với đất nước Mỹ, mà lại là lời thề trước Chúa trời…
Trưa ngày 20/1/2017, tổng thống tân cử Donald Trump đặt tay lên quyển Kinh Thánh, đọc lời thề trở thành tổng thống thứ 45 của Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ: “Tôi, Donald John Trump, trịnh trọng tuyên thệ rằng tôi sẽ đảm đương vị trí tổng thống Mỹ một cách trung thành, và sẽ làm hết khả năng để giữ gìn, duy trì và bảo vệ hiến pháp Mỹ”.
Sau đó, ông Trump kết thúc lời tuyên thệ:
“Vì thế xin Chúa giúp tôi”.
Và nếu để ý kỹ, bạn sẽ nhận ra, đây là một lời tuyên thệ không phải đối với nhân dân, không phải đối với đất nước, mà là đối với Chúa trời.
Video Donald Trump tuyên thệ trở thành tổng thống Mỹ:
“Kinh Thánh nói rằng thật tốt lành biết bao khi dân của Chúa sống đoàn kết với nhau”.
“Quan trọng nhất, chúng ta sẽ được bảo vệ bởi Chúa”.
“Dù đứa trẻ sinh ra ở khu đô thị Detroit, hay đồng bằng lộng gió Nebraska, buổi tối chúng cùng nhìn lên một bầu trời, trái tim chúng đặt ở cùng giấc mơ, và cùng nhận hơi thở cuộc sống từ Đấng tạo hoá vĩ đại toàn năng”.
“Xin cảm ơn. Cầu Chúa ban phước cho các bạn, cầu Chúa ban phước cho nước Mỹ”.
Luật pháp Mỹ không hề bắt buộc tổng thống nước này sử dụng Kinh Thánh hay biểu hiện niềm tin trong quá trình tuyên thệ nhậm chức của mình, nhưng kể từ thời tổng thống Franklin D. Roosevelt trở đi, không có một đời tổng thống nào không cầu xin Chúa Trời giúp đỡ sau câu tuyên thệ.
Toàn văn lời tuyên thệ nhậm chức của một tổng thống Mỹ trong tiếng Anh như sau:
“I do solemnly swear (or affirm) that I will faithfully execute the Office of President of the United States, and will to the best of my ability, preserve, protect and defend the Constitution of the United States.”
Tạm dịch:
“Tôi trịnh trọng tuyên thệ rằng tôi sẽ đảm đương vị trí tổng thống Mỹ một cách trung thành, và sẽ làm hết khả năng để giữ gìn, duy trì và bảo vệ hiến pháp Mỹ”.
Chính xác hơn, từ tuyên thệ có thể được sử dụng bằng hai từ khác nhau: “swear” (thề) và “affirm” (xác nhận). Các tổng thống Mỹ đều có thể lựa chọn một trong hai từ này. Tuy nhiên, trong tất cả các đời tổng thống từ trước tới nay, chỉ có duy nhất tổng thống Franklin Pierce (1853-1857) là lựa chọn sử dụng “xác nhận” thay cho “thề”.
Trong đạo luật 1789, Quốc hội đầu tiên của Mỹ đưa ra yêu cầu phải sử dụng cụm từ “Xin Chúa giúp tôi” đối với lời tuyên thệ của tất cả các thẩm phán và nhân viên chính phủ, ngoại trừ tổng thống Mỹ. Hay nói chính xác hơn, nếu sử dụng lời thề (swear) thì trong câu tuyên thệ bắt buộc phải thêm vào cụm từ “Xin Chúa giúp tôi”. Chỉ khi muốn xác nhận (affirm) mà không muốn thề thì người đó mới không phải sử dụng cụm từ này và cũng không được phép sử dụng cụm từ này.
Trong khi đó, lời tuyên thệ tổng thống là lời tuyên thệ duy nhất không bao gồm cụm từ “Xin Chúa giúp tôi”. Tuy nhiên, hầu hết các tổng thống Mỹ, nhất là các tổng thống Mỹ sau thời Franklin D. Roosevelt đều sử dụng lời thề (swear) và thề trước Kinh Thánh.
Lời tuyên thệ của một vị tổng thống quan trọng đến nỗi, nếu có sai sót xảy ra, người ta sẽ không coi ông ta là một vị tổng thống. Đơn cử như vào năm 2008, cựu tổng thống Obama đã phải tuyên thệ lại tại Nhà Trắng, hai ngày sau khi ông lặp lại lời tuyên thệ sai thứ tự trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức.
Nhiều người hẳn sẽ nghĩ rằng, lời thề của tổng thống Mỹ thật là hiếm có, nhưng nếu quay ngược dòng lịch sử, bạn sẽ thấy sự hiện hữu của một niềm tin tương tự vào Thần tại phương Đông.
Ở Đông phương cổ xưa, Vua hay Hoàng Đế còn được gọi là Thiên tử, với hàm ý là người đại diện cho Thần linh. Khi Hoàng Đế lên ngôi phải làm lễ tạ ơn Trời đất. Nghi lễ thờ cúng tổ tiên thời đó mang hàm ý tâm linh rằng nguồn gốc của con người là do Thần tạo ra. Khi giang sơn gặp thiên tai nhân họa, thì Hoàng Đế phải tế lễ Trời đất, thành tâm sám hối, tu chỉnh quan lại, xét lại oan khuất, từ đó khiến cho đất nước được bình an.
Sự sụp đổ của nhiều triều đại đều bắt đầu từ việc vua quan xa rời lương tri, xa rời những giá trị đạo đức vốn bắt nguồn từ tín ngưỡng vào Thần. Tuy nhiên ngày nay, truyền thống đó đã không còn được tiếp nối, có chăng chỉ là việc quan chức lễ chùa cầu danh lợi đầu năm mà thôi. Có thể nói, “lời thề nhậm chức” chính là một nét tín ngưỡng sâu sắc “đã bị quên lãng” tại phương Đông.
Nhưng tại phương Tây, ở một cường quốc về công nghệ như Mỹ, chính phủ và người dân vẫn không hề bớt niềm tin vào tín ngưỡng tâm linh. Kết quả các cuộc điều tra cho thấy, có 76% tổng số người dân Mỹ theo Kitô giáo, 1% theo Do Thái giáo và 1% theo Hồi giáo, tổng cộng là gần 80% người có tôn giáo.
Theo một cuộc khảo sát khác, 40% nói rằng họ tham dự các buổi lễ gần như mỗi tuần, và 58% nói rằng họ cầu nguyện ít nhất 1 lần mỗi tuần. Đó là một tỷ lệ khiến người ta kinh ngạc tại một quốc gia phát triển như Mỹ. Đa số người Mỹ cho biết tôn giáo giữ một vai trò “rất quan trọng” trong cuộc sống của mình. Nhiều tôn giáo đã nở rộ tại Mỹ, kể cả các tôn giáo được bắt nguồn từ đây và các tôn giáo du nhập vào sau này. Mỹ là một trong những quốc gia có tôn giáo đa dạng nhất.
Tờ Đô la Mỹ cũng có in câu: “In God We Trust” (Tạm dịch: Chúng ta tin vào Chúa). Tại sao một siêu cường kinh tế và quân sự bậc nhất thế giới lại chọn in câu nói thể hiện “niềm tin vào một đấng toàn năng nằm ngoài sự hiểu biết của khoa học” trên đồng tiền của mình chứ không phải là in những khẩu hiệu trung thành với Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa?
Dòng chữ “In God We Trust” trên tờ Đô la Mỹ
Từ góc độ tín ngưỡng mà xét, tại sao nhân dân Mỹ lại luôn tràn đầy niềm tin và hy vọng mỗi lần chứng kiến một vị tổng thống nhậm chức? Bởi vì lời thề của tổng thống Mỹ không phải là đối với nhân dân Mỹ, đối với đất nước Mỹ, mà là lời thề đối với Chúa trời, là lời thề đối với giá trị tâm linh sâu thẳm nhất của một vị tổng thống.
Chính vì thế, người Mỹ tin rằng dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất, tổng thống của họ cũng sẽ không đi ngược lại lời “thệ ước” đó.
Theo trithucvn