Người xưa thường nói rằng “có đức mặc sức mà ăn”. Các bậc thánh nhân xưa cũng đều nói rằng, “Đức” kết nối, phối hợp trời và đất nên sẽ được Trời bảo hộ, trợ giúp.
Một người chỉ có bồi dưỡng đầy đủ đạo đức tốt đẹp, nhân ái, thiện lương, mang trong mình lòng biết ơn thì người ấy mới tràn ngập dòng năng lượng thuần chính. Khi thân thể tràn ngập trường năng lượng thuần chính thì sẽ hấp thụ những thứ tốt đẹp, thuần chính.
Dưới đây, chúng ta cùng đi phân tích chữ “Đức” này trong tiếng Hán để hiểu thêm về ý nghĩa của nó.
Chữ “Đức” (“德” ) trong tiếng Hán bao gồm năm bộ phận cấu thành, đó là “彳” (Xích), “十” (Thập), “罒” (là chữ mắt “目” nằm ngang), “一” (Nhất) và “心” (Tâm).
“十” (Thập) ngụ ý là nhiều, là đầy đủ, là thập toàn thập mỹ, mười phân vẹn mười, cũng có ngụ ý là bốn phương tám hướng. Điều đó có nghĩa rằng, con người dù ở đâu, lúc nào cũng phải dùng đức hạnh để đối đãi với người khác.
“罒” là chữ mắt “目” nằm ngang, nhấn mạnh rằng, người có đức thì có thể biết rõ thị phi, thật giả, có thể phân biệt được tốt xấu, đúng sai.
“一” (Nhất) mang ý nghĩa là chỉnh thể, tổng thể, là toàn bộ, ý nói người có đức không tư lợi cho bản thân, vạn pháp quy nhất, một lòng một dạ, tâm không tạp niệm, không vướng bận.
“心” (Tâm) là chỉ nội tâm, muốn tu dưỡng được đức thì cần phải dựa vào tu dưỡng nội tâm. Tâm là bên trong, là thật lòng, chân tình, trung thành. Tâm (“心”) là bộ phận dưới cùng của chữ đức (“德”), ý nói đức là trong đáy lòng không có vụ lợi, tư lợi.
Chữ “Đức”, theo cuốn “Khang Hy tự điển” giải thích là “Thiện mỹ, chính đại quang minh, trong sáng”. Thực ra trong lời bói quẻ thời nhà Thương và tài liệu lịch sử thời kỳ trước khi nhà Tần thống nhất Trung Hoa, thì “Đức” và “Đắc” là có liên hệ mật thiết. “Đức” có hàm ý là đạt được, có được. Trong cuốn “Thuyết văn giải tự” giải thích “Đức” như thế này: “Đức giả đắc dã, nội đắc vu kỷ, ngoại đắc vu nhân”; tạm dịch: Người có Đức thì bên trong làm chủ được bản thân, bên ngoài đắc được nhân tâm.
Đức được người xưa xem là tiêu chuẩn phân biệt giữa con người với cầm thú. Chỉ khi phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức mà con người cần phải có thì mới xứng được gọi là người. Mà làm người, muốn “Tề gia trị quốc, bình thiên hạ” thì đầu tiên phải “Tu thân”.
Tu thân, chính là tu dưỡng đạo đức bản thân. Căn cứ trình độ tu dưỡng đạo đức cao hay thấp, người ta chia làm 4 hạng người là Thánh nhân, người tài, quân tử, và tiểu nhân. Cho nên hoàng đế cần phải “Tu Đức cho xứng với Mệnh”, “Kính Đức hạnh và bảo vệ nhân dân”, nhân dân “Sỹ phu có trăm hạnh, đứng đầu là Đức”, cần phải “Tu thân dưỡng Đức”.
“Đức” là đạo đức, phẩm hạnh, phẩm đức. Chân thành, tư tưởng và lời nói hành động là thống nhất với nhau thì được gọi là “đức”. Đức hạnh, mỹ đức, phẩm đức, bồi dưỡng đạo đức là cảnh giới cao nhất mà một người cần theo đuổi.
Làm người phải lấy đức làm gốc, quản lý một đơn vị, một xí nghiệp thì càng phải lấy đức làm gốc mới mong thành công lâu dài.
Người xưa có câu rằng, phong thủy âm dương bảo hộ người lương thiện, còn kẻ trộm, tà dâm, phóng túng thì dù ở nơi phong thủy tốt cũng khó có phúc báo. Hay những câu như, nhà tích thiện thì tất sẽ có phúc dư… đều là để nhấn mạnh tầm quan trọng của “Đức” đối với sinh mệnh mỗi người. Vậy nên, phong thủy lớn nhất đời người chính là “Đức”.
Theo minhhue / daikynguyenvn