Trong con mắt của người xưa, điều đáng quý nhất của sinh mệnh chính là có tâm cầu Đạo, người tu Đạo là trân quý nhất. Nhưng thế gian khó nhất lại chính là tu Đạo, đặc biệt là buông bỏ sinh tử và danh lợi là vô cùng khó khăn.
Dùng đan dược thử lòng đệ tử
Trong “Thần tiên truyện” có chép lại, kể về Ngụy Bá Dương là một người tu Đạo rất tốt, cuối cùng ông dẫn 3 đệ tử vào núi luyện đan. Sau khi đan đã luyện thành, Ngụy Bá Dương biết có đệ tử không thành tâm, liền thăm dò nói: “Tuy rằng đan đã luyện thành, nhưng tốt nhất là nên thử cho chó trước, nếu con chó ăn vào mà bay lên trời thì chúng ta sẽ ăn, nếu chó ăn vào mà chết thì chúng ta sẽ không ăn nữa”. Sau đó ông liền lấy đan cho con chó ăn, chó ăn xong ngay lập tức lăn ra chết.
Bá Dương nói với các đệ tử của mình rằng: “Con chó sau khi ăn đan đã chết rồi, ta sợ rằng đan chúng ta luyện không làm vừa ý thần linh. Nếu chúng ta ăn nó thì rồi cũng sẽ chết như con chó, vậy thì phải làm sao?”
Có đệ tử hỏi: “Vậy sư phụ có quyết định ăn đan này không?”
Bá Dương nói: “Ta bất chấp định kiến của người đời, rời xa gia đình đi vào núi sâu, không đắc được Đạo thì còn mặt mũi đâu để quay về nữa. Dù sống hay chết, ta cũng phải ăn đan”, dứt lời Bá Dương liền uống đan dược, ăn xong cũng lăn ra chết.
Các đệ tử nhìn nhau nói: “Vốn dĩ luyện đan là để trường sinh bất tử, vậy mà bây giờ uống vào liền chết, thật là hết cách rồi”. Duy chỉ có một đệ tử nói: “Tôi thấy Sư phụ không phải người thường, uống đan xong liền chết, có lẽ không phải thật như vậy?” Thế là vị đệ tử này liền cầm lấy đan và uống, lập tức anh cũng ngã lăn ra đất và chết.
Hai người đệ tử còn lại thấy vậy thương lượng với nhau: “Chúng ta luyện đan là để cầu trường sinh, bây giờ uống vào lại chết, vậy thì chúng ta uống vào nào có tác dụng gì đâu? Không uống thì còn có thể sống thêm mười mấy năm nữa trên thế gian”, vì vậy hai người họ không dám uống đan nữa và cùng nhau xuống núi, định đi tìm quan tài cho Bá Dương và vị đệ tử kia.
Sau khi hai người đệ tử này rời đi, Bá Dương liền đứng dậy, sau đó ông nhét viên đan thật vào miệng người đệ tử và con chó trắng đã chết, người đệ tử và con chó lập tức tỉnh lại, thế là vị đệ tử và con chó trắng cùng Bá Dương bay lên trời mà rời đi.
Buông bỏ sinh tử là có hy vọng trở thành tiên, nhưng trong lúc đối mặt với khảo nghiệm sinh tử thực sự, có mấy ai có thể làm được điều này?
Buông bỏ tâm phàm, quyết chí thực tu
Lại kể một câu chuyện khác, ngày xưa, ở Ấn Độ có một người đàn ông vì nhất thời tức giận, chán ghét người thế gian mà bỏ nhà trốn vào Phật môn và quy y đạo Phật.
Tuy nhiên, thân dù đã xuất gia, vào cửa không môn, nhưng trong tâm anh ta vẫn còn quyến luyến trần thế, bị sắc dục trói buộc, thường thoa dầu mè lên cơ thể, dùng nước nóng để tắm, chú trọng đến sự thơm tho và mịn màng của da, thức ăn và vật dụng trên giường ngủ cũng rất chú ý, tâm đã hoàn toàn bị vật chất bao bọc lại, giống như thân thể bị trói bởi những đám dây chằng chịt, một phút cũng không cảm thấy tự tại.
Mặc dù anh ta về hình thức là đã xuất gia, chịu giới luật, nhưng về hành vi và cảnh giới vẫn chỉ là một người thường, một người chưa xuất gia, còn cách thánh đạo rất xa.
Vào lúc bấy giờ, ở Vương quốc Mallas có một vị tôn giả tên là Upagupta, ngài là một nhà sư đức cao vọng trọng, do đó người tỳ khưu (chỉ người quy y cửa Phật) mới xuất gia này đã rất ngưỡng mộ danh tiếng của vị tôn giả mà đi đến yết kiến.
Tôn giả hỏi anh ta: “Con từ xa đến đây là có chuyện gì vậy?”
Người tỳ khưu nói: “Con vì ngưỡng mộ ngài mà đến đây, muốn được nghe tôn giả khai thị những lời dạy từ bi của đức Phật”.
Vị tôn giả sau khi quan sát căn cơ của người tỳ khưu xong thì biết anh ta vẫn còn bị ái tình trói buộc, không thể giải thoát, bèn hỏi: “Con có thể nghe lời ta nói, chịu để ta dạy bảo, và đối chiếu với lời ta nói mà làm hay không?”
“Con nhất định có thể, tất cả đều chiểu theo lời ngài dạy bảo”, tỳ khưu nói.
Tôn giả nói tiếp: “Nếu con phát khởi tín tâm, ta trước tiên sẽ dạy cho con thần thông, sau đó sẽ thuyết Pháp cho con”.
Nghe thấy vậy, vị tỳ khưu vui sướng reo lên: “Học thần thông trước, thật tốt quá!”
Thế là Tôn giả đưa anh ta vào núi, rồi dạy ngồi thiền và bảo anh ta phải tuyệt đối tuân theo, sau đó Tôn giả dùng thần thông hóa ra một cái cây lớn và nói: “Con hãy trèo lên cây lớn này!” Người tỳ khưu nghe theo mà trèo lên cây, nhưng khi vừa nhìn xuống thì thấy một cái hố lớn và sâu hun hút.
Lúc này tôn giả lại nói: “Hãy buông chân ra!” người tỳ khưu nghe lời buông hai chân ra, tiếp theo vị tôn giả lệnh cho anh ta buông một tay ra, anh ta liền làm theo buông một tay, nhưng khi được bảo buông tiếp tay bên kia thì anh ta đã vô cùng sợ hãi và nói “nếu buông tay một lần nữa, con sẽ rơi xuống hố chết mất!”
“Chẳng phải con đã hứa với ta rằng tất cả sẽ làm theo lời của ta, sao giờ lại hối hận rồi?” Người tỳ khưu không còn cách nào khác, đành phó mặc không nghĩ ngợi gì nữa mà buông cánh tay kia và rơi xuống hố lớn vừa sâu vừa tối.
Lúc này anh ta sợ hãi đến hồn bay phách lạc, toát cả mồ hôi lạnh nhưng vừa mở mắt ra đã thấy cây và hố đều không còn nữa, lúc này vị tôn giả bắt đầu hỏi anh ta: “Bây giờ ta hỏi con, khi con buông cánh tay kia và rơi xuống, con có còn cảm thấy trên thế gian này có gì đáng để quyến luyến không?”
Người tỳ khưu đáp: “Tôn giả, khi sinh tử ở trước mắt, tất cả đều không có gì đáng để luyến tiếc nữa cả”.
“Đúng vậy, hết thảy mọi thứ thế gian đều do ảo ảnh chi phối, khi thân người tiêu tan thì tình cũng theo đó mà tan thành mây khói, nếu có thể nhìn thấu sự vô thường của thân người thì sẽ giải thoát khỏi sự ràng buộc của tình. Tình là căn nguyên của phiền não, sống chết, hãy cảnh giác với nó, tinh tấn tu hành, đừng đánh mất bản tính của mình, sẽ thành chính quả”.
Lúc này người tỳ khưu tức khắc hiểu ra, từ đó suy nghĩ thấu đáo, chuyên cần tu luyện tinh tấn, chứng đắc quả vị A-la-hán.
Chân Chân (Theo Secretchina)