Con người thường cảm thấy khổ não phần lớn là do truy cầu quá nhiều, trong tâm cứ cố chấp ôm giữ mà không chịu buông bỏ, như vậy càng khiến cho tư tưởng bị bó hẹp, không thể nhìn nhận rõ được vấn đề.
Người xưa coi trọng đức, người đức dày có thể tải được cả danh lợi, thất đức ắt suy, đức tận ắt vong. Vì thế, mưu tài mưu quyền nhất định phải xem trọng đức, người chịu khổ, chịu thiệt, hành thiện sẽ tích được nhiều đức.
“Trang Tử – Đại Tông Sư” có câu: “Suối cạn, cá sống trong đó như ở trên mặt đất, vẫy vùng giãy giụa, chi bằng quên suối đi tiến vào sông hồ lớn”.
Đạo đức như nước, Đạo gia ví von xã hội con người như sông hồ, con người như cá trong nước. Đạo đức xã hội cao thượng, tựa như sông hồ nước đầy sóng rộng, cá tự nhiên sẽ vui vẻ tự tại. Đạo đức xã hội xuống cấp, giống như sông cạn, con người tựa như cá mắc cạn, vậy nên con người cần phải tu dưỡng đạo đức.
Đàm luận thị phi, chi bằng nhảy ra khỏi thị phi, quên hết những ngăn cách và mâu thuẫn, sống thanh tịnh vô vi, thuận theo lẽ tự nhiên.
Cổ nhân thường nói: “Toàn tâm tu đạo, là phải tu bỏ nhân tâm mà phản bổ quy chân. Nhân tâm tiêu đi, tâm sẽ tịnh, tịnh hóa nhân tâm mà đạt thanh tĩnh, đạo đức thăng hoa đến tâm tận chính là vô!”.
Lão tử nói: “Tổn chi hựu tổn, cho đến vô vi”. Ý rằng, chỉ khi không ngừng trừ bỏ nhân tâm chấp trước cho đến vô lậu, tâm đạt đến trạng thái vô vi thì mới đắc đạo viên mãn.
Trong tác phẩm “Hồng Lâu Mộng” có đoạn: Chân Sỹ Ẩn thấy lòng người biến đổi, trong tâm chán nản. Một hôm, ông chống gậy ra phố dạo chơi cho thanh thản, chợt thấy một đạo sỹ chân đi khập khiễng, giày vải áo rách, ngông ngông ngang ngang, vừa đi vừa hát:
“Người đời ai cũng thích thần tiên,
Mà việc công danh chẳng muốn quên.
Tướng súy xưa nay đâu rồi vậy?
Nhà hoang cỏ dại lấn bên thềm.
Được làm thần tiên ai chẳng ham,
Mà sao bạc tiền vẫn cứ tham.
Tháng ngày cứ mải mê tích góp.
Nhắm mắt xuôi tay, hận muôn ngàn.
Được làm thần tiên ai cũng thích,
Mà sao vợ đẹp vẫn đam mê.
Ngày ngày lưu luyến bao tình cảm,
Hai mắt nhắm rồi còn biết ai.
Thế nhân đều thích làm thần tiên,
Nhưng chuyện cháu con chẳng muốn quên.
Cha mẹ có lòng nhưng chẳng rõ,
Hiếu thuận cháu con ai giữ bền?” .
Sỹ Ẩn nghe thấy, liền đến hỏi: “Ông ca bài gì mà chỉ nghe thấy ‘tốt thôi’ tốt thôi’ vậy?”.
Đạo sĩ cười đáp: “Nếu nghe được hai chữ ‘tốt thôi’ ‘tốt thôi’ thì cũng là sáng suốt đấy. Mọi việc ở đời muốn ‘tốt’ thì phải ‘thôi’, ‘thôi’ được thì ‘tốt’, không ‘thôi’ được thì không ‘tốt’, ‘tốt’ tức là ‘thôi’, ‘thôi’ tức là ‘tốt’. Vì thế bài ca này có tên là ‘tốt thôi’ vậy”.
Sỹ Ẩn vốn thông minh, nghe được, hiểu ra ngay, nói: “Thong thả cái đã! Để tôi giải nghĩa bài ca này được không?”.
Đạo sĩ cười, nói: “Xin mời giải thích”.
Sỹ Ẩn ngâm luôn:
“Nay nhà vắng tanh, xưa đầy yến oanh,
Nay cỏ dại tràn, xưa là vũ tràng,
Tơ nhện giăng bít ngõ, màn the rủ lạnh lùng,
Xưa nào phấn nào hương, giờ tóc đã pha sương,
Nay nấm mộ tha phương, xưa lầu các uyên ương,
Xưa vàng bạc đầy rương, nay ăn xin bên đường,
Nói người mệnh dở hay, phận mình cũng lất lây,
Xưa học bao điều hay, giờ đây xấu quá tay,
Những chọn nơi yên ấm, lại rơi vào lầu xanh,
Kén chọn mũ xanh hồng, lại mắc vào cùm gông,
Trước áo rách co ro, ấm no lại so đo,
Kịch đời vai diễn đủ tuồng, nào ai biết quê hương chính mình?
Nghĩ ra lại thẹn với lòng, bao lần chuyển kiếp có mong được gì?”.
Đạo sĩ điên nghe xong, vỗ tay cười, nói: “Đúng lắm! Đúng lắm!”
Sỹ Ẩn thốt lời: “Đi thôi!”. Rồi đỡ lấy cái túi trên vai đạo nhân, vác lên lưng, cùng đạo nhân kia đi luôn, không về nhà nữa.
Hồng Lâu Mộng, mới đầu nói rõ, ai ai cũng biết làm thần tiên được tiêu dao tự tại, nhưng lại không hiểu rằng: Vứt bỏ được nhân tâm ấy chính là thần tiên; không buông bỏ được mọi chấp trước trong tâm, ấy chính là phàm nhân.
Việc tu luyện xem ra đơn giản, dù Phật hay Đạo đều dựa trên cơ sở là có buông bỏ được nhân tâm hay không? Đây là chỗ Đạo gia gọi là phản bổn quy chân, Phật gia nói minh tâm kiến tính. Tất cả đều lấy tu tâm làm chính.
Tại sao phiền não nhiều?
Một là nhân tâm chấp trước, tâm danh lợi nhiều, tâm buông ắt không phiền não, vô dục vô cầu mới có được niềm vui vĩnh hằng;
Hai là không tin thiên mệnh. Tin thiên mệnh mà thuận theo thiên đạo, từng sự việc cụ thể đều đối chiếu thiên đạo mà hành xử, chính là thuận theo tự nhiên;
Ba là sợ gian khổ, không thể chịu thiệt. Chịu thiệt là xuất phát từ nội tâm chịu làm người ngốc trong mắt mọi người.
Nhưng, người tu đạo chịu khổ mới có thể tiêu nghiệp! Nếu không làm sao có thể tiêu nghiệp? Khoản nợ nghiệp sẽ hoàn trả như thế nào? Vì thế, người minh bạch thiên lý có thể chịu được đại khổ, có thể chịu thiệt, cam tâm tình nguyện bị người khác gọi là ngốc mà tâm bất động, đại trí giả ngu chính là ý nghĩa này.
Người có thể quên chính là vong tâm, tâm vong tắc ngộ! Vong tâm, chính là chân lý cuộc sống, là khởi nguồn của niềm vui và hạnh phúc. Không trừ bỏ tâm mà cầu tự tại, thì chỉ là vọng tưởng!
Lê Hiếu biên dịch
Xem thêm: