Ngày nay, mọi người phần lớn thắp hương “cầu Thần bái Phật” là để được tiêu tai, giải nạn, phát tài, khỏi bệnh… Nhưng kỳ thực đó lại không phải mục đích của lễ nghi “cầu Thần bái Phật” theo quan điểm của người xưa.
Vậy “cầu Thần bái Phật” là gì? Vì sao người xưa “cầu Thần bái Phật”? Hãy cùng đọc câu chuyện “Khổng Tử cầu Thần bái Phật” dưới đây để hiểu rõ hơn:
Trong những học trò người nước Vệ của Khổng Tử có một người tên là Vương Tôn Giả. Mặc dù, Vương Tôn Giả là bậc quan lớn của nước Vệ, chức vị cao nhưng vẫn bái Khổng Tử làm thầy.
Một lần Tôn Giả hỏi Khổng Tử: “Thưa thầy! Con nghe có câu nói rằng: ‘Thà đi lấy lòng ông Công còn hơn lấy lòng Thần Áo’. Thầy thấy những lời này thế nào ạ?”.
Người Trung Hoa xưa thờ Thần ở góc Tây Nam nhà gọi là Thần Áo. Đây cũng là chỗ tôn quý nhất khi cúng tế. Nhưng Thần Áo lại không phải là vị Thần quan trọng nhất đối với một gia đình. Ngoại trừ nhà nào thờ cúng Phật hay Bồ tát, thì ông Công tuy rằng được đặt ở chỗ thấp trong nhà lại là vị Thần quan trọng hơn. Tuy nhiên ngoài ý nghĩa tâm linh đó ra, thì hàm ý sâu xa hơn của Vương Tôn Giả là, thay vì phải chờ đợi Quân Vương đến bổ nhiệm chức vị, chi bằng trước đó hãy thông qua ông ấy để xin được sự bổ nhiệm của triều đình.
Khổng Tử nghe xong câu hỏi của Vương Tôn Giả, liền nghiêm túc nói: “Nếu một người làm chuyện vi phạm Thiên lý, đắc tội với Trời thì dù có hướng lên Trời cầu khẩn như thế nào đi nữa cũng đều là vô dụng”.
Khổng Tử còn nói thêm rằng: “Người quân tử có đạo của mình, sẽ không đi lấy lòng Thần Áo và cũng không đi lấy lòng ông Công”.
Vì vậy, Tử Lộ liền xin thầy Khổng Tử cho phép mình thay thầy được hướng lên Trời cầu khẩn để bệnh tình mau khỏi. Khổng Tử nghe xong liền nói: “Có đạo lý cầu Thần mà khiến cho người bệnh khỏi hẳn được sao?”.
Tử Lộ nói: “Con từng nghe trong văn tế lễ của nhà Chu có câu: ‘Hướng về phía Thần cầu khẩn!’”.
Khổng Tử nói: “Con không cần cầu khẩn cho ta nữa, ta đã tự cầu khẩn cho mình từ rất lâu rồi!”.
Khổng Tử nhìn bộ dạng ngạc nhiên của học trò liền nói tiếp: “Cầu khẩn chân chính tức là phải không còn tồn bất kỳ một ý nghĩ đen tối nào trong đầu nữa. Mà quan trọng hơn là còn phải phù hợp với ý chỉ của Trời, Đất và các chư Thần. Cũng chính là phải kính trọng các chư Thần, không làm chuyện vi phạm Thiên lý. Cho nên, ta mới nói rằng, bản thân ta đã cầu khẩn từ rất lâu rồi!”.
Ngày hôm sau, quả thực bệnh tật của Khổng Tử biến mất như một kỳ tích.
Suy ngẫm một chút, chúng ta có thể nhận thấy mỗi một lời nói của Khổng Tử kỳ thực đều là đã nói rõ hàm nghĩa chân chính của “cầu Thần bái Phật”. Cổ nhân thắp hương bái Phật không phải để mong được lợi mà trước hết là để thể hiện tâm kính ngưỡng của mình đối với Phật. Sau đó là phải dựa vào Thiên lý để điều chỉnh hành vi của mình, lấy Thiên lý làm chuẩn tắc để thuận theo.
Bởi vì người xưa biết sự vĩ đại của Thần Phật và sự thù thắng của Phật Pháp. Họ cũng tin rằng, mọi người cho dù không thắp hương, không bái Phật nhưng luôn tuân theo Thiên lý để hành xử thì tự nhiên sẽ được Thần Phật che chở và ban phước lành.
Ngày nay, hỏi có bao nhiêu người “cầu Thần bái Phật” là vì như thế? Không khó để nhận ra rằng, người ngày nay phần lớn “cầu Thần bái Phật” nhưng kỳ thực là đã rời xa Thần, Phật mất rồi. Họ cho rằng chỉ cần thắp hương, dâng lễ tiền là có thể được ban cho những điều tốt đẹp. Liệu có thể như vậy được sao?
Theo trithucvn.net