Tinh Hoa

Truyền thuyết dân gian thú vị về suối “1 chén”

Có một thị trấn nổi tiếng gọi là Độc Thạch Khẩu. Cách nơi đây khoảng 5km về phía Nam có một con suối tên là “Nhất Oản Tuyền” (có nghĩa là một chén suối), gắn liền với một truyền thuyết kỳ diệu.

Ảnh minh họa.

Tương truyền con suối này ban đầu nằm ở Độc Thạch Khẩu và cũng là nguồn cung cấp nước cho người dân nơi đây. Vào một mùa đông giá rét, một người đàn ông trông rất lam lũ từ phương xa đến, đúng lúc đang khát nước thì bắt gặp dòng suối trong mát này, ông vội vàng nằm rạp người xuống uống liền mấy ngụm. Sau khi uống xong, ông cảm thấy trong người vui vẻ thoải mái, nhẹ nhàng khoan khoái lên rất nhiều, mọi mệt nhọc đều tan biến. Ông không khỏi khen ngợi: “Nước ngon, nước ngon, đúng là suối thần!”.

Ông nghĩ: Băng tuyết ngập trời, nước đều đã đóng băng, vậy mà con suối này vẫn chảy như đang trong ngày hè nắng ấm, nước suối lại như ngọc dịch. Quả thật rất thần kỳ! Ông nghĩ rằng trong này chắc có điều gì đó bí ẩn và tự hỏi tại sao mình không đi tìm hiểu cho rõ ràng?

Thế là ông liền ở tại một nhà trọ gần đó, ngày ngày đi tới thăm dò con suối. Qua mấy ngày cũng không nghe được tin tức gì, ông bắt đầu cảm thấy chán nản. Vào một đêm trăng sáng, ông thấy khó ngủ nên đã ra bờ suối đi dạo. Nhưng vẫn không dò la được tin tức gì, bất đắc dĩ ông lại đành quay về quán trọ. Một lát sau đó, ông lại đi tới bên bờ suối rồi thở dài thì chợt thấy một tăng nhân đang đi tới, người này đầu tóc bù xù, mặt mũi lấm bẩn, đôi chân trần cùng với chiếc áo để lộ cánh tay, miệng lẩm bẩm gì đó. Thấy vị tăng nhân này có vẻ đạo mạo trang nghiêm, không giống như người thường, người đàn ông liền bước tới cúi chào rồi hỏi chuyện về con suối. Sau một hồi cười khoái chí, vị tăng nhân này chỉ tay vào chóp mũi và nói rằng: “Ở sườn núi Không Động, cỏ dại bụi gai, dưới hòn đá có một chén gỗ, kỳ diệu hủy suối”, vừa nói dứt lời thì ông liền rời đi.

Người đàn ông liền vươn tay muốn níu giữ tăng nhân nhưng ông lại nắm phải một vật vừa lạnh vừa cứng, mở mắt ra nhìn thì thấy đó chính là thành giường. Bây giờ ông mới biết rằng hóa ra đây chỉ là một giấc mơ, suy nghĩ kỹ càng từ lời nói của tăng nhân, ông chợt hiểu ra và quyết định leo lên núi Không Động ngay trong đêm đó. Khi đến nơi quả nhiên ông tìm thấy một cái chén gỗ dưới hòn đá xanh. Lúc quay về bên bờ suối, trời cũng đã rạng sáng. Ông dùng chén gỗ múc nước, nhưng vừa múc xong thì con suối bỗng chốc khô cạn. Người đàn ông này rất đỗi kinh ngạc, và bưng chén gỗ đi về hướng Nam.

Đến khi trời sáng, có người tới gánh nước thì phát hiện con suối đã “không cánh mà bay”. Người này truyền lời người khác, không lâu sau cả thành đều biết được chuyện này. Một ông cụ cho biết, tờ mờ sáng ông nhìn thấy một người bưng một chén nước đi về phía Nam ra khỏi thành. Mọi người hối thúc ông cụ nhanh chóng đi báo cho vị đô đốc phụ trách việc canh giữ cửa thành. Vị quan này lập tức phái một đội binh lính cưỡi ngựa đuổi theo.

Người đàn ông đang vội vàng chạy trốn thì chợt thấy sau lưng bụi đất bay mù trời, liền biết là quan binh đang đuổi theo mình nên ông đã rẽ sang con hẻm vắng vẻ ở hướng Tây. Nhưng quan binh đã phát hiện ra ông ấy và đánh ngựa đuổi theo. Người đàn ông chạy qua thôn Quan Âm Đường, tiến vào vùng đất hoang vu rộng 4 – 5 dặm không nơi lẩn trốn, để bảo toàn tính mạng nên ông đành đổ chén nước đi. Không ngờ, nước vừa đổ xuống đất thì biến thành một con suối trong xanh. Thế là cái tên “Nhất Oản Tuyền” liền được loan truyền.

Theo người biên soạn lại câu chuyện này, anh ta từng đến “Nhất Oản Tuyền”. Để đến đây, anh đã đi ra khỏi Độc Thạch Khẩu về phía Nam 2,5 km đến thôn Quan Âm Đường, rồi lại đi tiếp khoảng 2km thì nghe thấy tiếng nước chảy róc rách. Anh ta liền đi về phía tiếng nước chảy thì nhìn thấy con suối. Mặc dù lúc đó xung quanh toàn băng tuyết, nhưng dòng suối vẫn chảy trong xanh, phản chiếu hình ảnh trời xanh mây trắng, có thể nhìn thấy rõ rêu và đá cuội bên dưới.

Người đàn ông phương xa kia dùng “chén gỗ” múc nước suối nhưng không ngờ lại làm dòng suối khô cạn. Ông ta mặc dù hoảng sợ, nhưng trong lòng vẫn giữ tham niệm mà bưng chén nước chạy trốn. Mọi người biết được báo cho đô đốc phái binh đuổi theo, chén nước đổ xuống đất lại trở thành dòng suối trong veo. Tục ngữ có câu: “Nhất phương thủy thổ dưỡng nhất phương nhân” (Tạm dịch: “đất nơi nào thì nuôi ra người kiểu giống thế”, ý chỉ môi trường, hoàn cảnh tạo nên con người). Tạo hóa của trời đất do thần tạo ra, con người làm sao có thể thay đổi được?

Tú Văn, theo kannewyork