Người xưa rất cung kính đối với câu nói “kính lão đắc thọ”, và luôn gìn giữ truyền thống đạo đức tốt đẹp này. Điều này được thể hiện qua chế độ hưu trí, chế độ đãi ngộ người cao tuổi trong các triều đại xưa.
Kính lão đắc thọ từ xưa đã trở thành một truyền thống tốt đẹp, vậy nên trong thời cổ đại, chế độ hưu trí rất được chính quyền quan tâm.
Chế độ này được cho là hình thành từ nhà Hán rồi tiếp tục phát triển ở triều Đường, đến đời Tống, Nguyên, Minh, Thanh thì đã hoàn thiện. Tuy nhiên theo điển cố, khái niệm “hưu trí” xuất hiện đầu tiên trong các ghi chép và văn học của nhà Đường và Tống.
Người Trung Hoa cổ đại cần thọ đến độ tuổi nhất định thì mới được hưởng chế độ hưu trí, thường là 70 tuổi. Trong một số trường hợp ngoại lệ, một người có thể nghỉ hưu sớm hơn.
Sử sách ghi chép về hưu trí có cuốn “Lễ Ký”, trong đó viết rằng các quan khi về hưu sẽ được hưởng chế độ đãi ngộ khá chu toàn; “lương hưu” sẽ nhiều lên nếu chức quan lớn hơn.
Thường dân không được hưởng lợi từ quỹ hưu trí, tuy nhiên họ lại có chế độ đãi ngộ theo gia đình. Nhà nước Trung Hoa cổ đại ban hành quy định và chế tài pháp luật, cũng như có chính sách riêng dành cho gia đình có người hưu trí. Chủ yếu các chính sách thiên về cắt giảm thuế và ưu đãi cho con cháu của họ để có điều kiện kinh tế chăm sóc người cao tuổi. Thậm chí một số nhà nước còn cắt thêm đất cho quan hưu trí để đảm bảo họ được an hưởng tuổi già.
Nhà Chu quy định, nhà có người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên sẽ miễn quân dịch cho một con hoặc cháu trai. Nếu có người từ 90 tuổi trở lên, miễn toàn bộ quân dịch cho cả nhà.
Thời Xuân Thu Chiến quốc, dù chiến tranh liên miên, triều đình vẫn có chế độ đãi ngộ cho người cao tuổi.
Nhà Tần quy định, hộ nào có người trên 70 tuổi sẽ miễn quân dịch cho một con trai và miễn tô thuế; trên 80 tuổi miễn quân dịch cho 2 con trai, kèm miễn tô thuế; trên 90 tuổi, miễn quân dịch, tô thuế cho cả gia đình.
Vào triều Hán, nhà nước ban hành “Luật bảo vệ người cao tuổi” đầu tiên của Trung Quốc dài gần 600 từ, quy định phải đảm bảo cuộc sống an nhàn cho người từ 70 tuổi trở lên.
Vào triều nhà Đường, gia đình có người cao tuổi sẽ không bị điều tới vùng đất mới. Nhà Đường cũng quy định, nếu cha mẹ cao tuổi còn sống mà con cháu bỏ mặc không chăm lo sẽ bị phạt nặng.
Vào nhà Thanh, nếu cha mẹ già tự kết liễu sớm cuộc đời vì sợ con cái phải chăm lo, con cái họ sẽ chịu tội sát nhân.
Đời Tống, Minh, Thanh đều miễn, giảm thuế cho hộ có người cao tuổi, ngoài ra còn có quỹ để cấp quan tài cho người cao tuổi nếu họ qua đời mà quá túng thiếu.
Những chính sách đãi ngộ đối với người cao tuổi và chế độ hưu trí vào thời cổ đại cho thấy truyền thống tốt đẹp của con người từ xa xưa, đúng theo câu nói “kính lão đắc thọ”.
Theo minhbao.net