Mới đây, trên mạng lan truyền tin tức nói rằng, truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhận được thông báo nên hạn chế đưa tin về Lý Khắc Cường, một vài phương tiện truyền thông phản ứng chậm đã bị chỉ trích.
Vào ngày 12/7, Hàn Liên Triều, một học giả người Mỹ gốc Hoa, đã nói trên Twitter rằng, phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ không được phép đưa tin về Thủ tướng Lý Khắc Cường. Ảnh chụp màn hình trò chuyện Wechat kèm theo tweet cho thấy có người đã tiết lộ rằng: “Con trai tôi làm việc ở Đài truyền hình Trung Ương, chúng đã được thông báo rằng không được phép đưa tin về Lý Khắc Cường, đặc biệt là các bài phát biểu của ông ta với các phóng viên”.
Ảnh chụp màn hình cũng cho biết: Truyền thông của Đảng ở nhiều nơi đã nhận được các tin tức chính thức như trên và sẽ không đưa tin về Lý khắc Cường nữa. Một vài người đứng đầu các cơ quan truyền thông phản ứng chậm hoặc không rà soát các bản thảo một cách nghiêm túc đã bị chỉ trích.
Thời gian đưa ra các thông tin nói trên là vào ngày 3/6. Một số nhà phân tích tin rằng điều này là muốn nhằm vào những lời nói và hành động của Lý Khắc Cường sau kỳ họp Lưỡng hội.
Sau kỳ họp Lưỡng Hội của ĐCSTQ, Lý Khắc Cường tiết lộ rằng thu nhập thực tế hàng tháng của 600 triệu người ở Trung Quốc chỉ là 1.000 nhân dân tệ (NDT). Lý cũng nói rằng, với 1000 NDT (3,3 triệu VND) khó có thể thuê nhà ở một thành phố cỡ trung. Bây giờ lại xảy ra dịch bệnh, một số người có thể tái nghèo. Không chỉ vậy, Lý còn ca ngợi “mô hình kinh tế vỉa hè” để giảm bớt áp lực việc làm. Nhưng sau đó, kinh tế vỉa hè đã bị yêu cầu lập tức dừng lại.
Sau khi phát biểu của Lý Khắc Cường gây xôn xao dư luận vào thời điểm đó, Vương Hỗ Ninh, Ủy viên Ban Thường vụ ĐCSTQ, người phụ trách tuyên truyền văn hóa, đã liên tiếp huy động các phương tiện truyền thông chính thức để “dập lửa”, và đưa ra những bài diễn thuyết cũ của Tập Cận Bình nhằm chế ngự Lý Khắc Cường.
Kênh Up Media của Đài Loan đưa tin, một loạt sự tranh cãi này phát sinh từ việc suy thoái kinh tế Trung Quốc, bởi vì Tập Cận Bình vào 5 năm trước đã lớn tiếng tuyên bố rằng ông muốn thực hiện toàn dân thoát nghèo, có một xã hội khá giả. Nhưng dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến lược tuyên truyền do ĐCSTQ xây dựng. Do đó, Vương Hỗ Ninh, người chịu trách nhiệm tuyên truyền tư tưởng cho Tập, đã đưa ra văn bản “20 điều không được phép” trong nội bộ đảng và kiểm soát chặt chẽ nội dung các bài phát biểu.
Vương Hỗ Ninh được bổ nhiệm làm phó ban duy nhất của Ban phòng chống dịch dưới quyền Lý Khắc Cường, ban Tuyên giáo Trung ương dưới sự kiểm soát của ông đã kiểm soát chặt chẽ thông tin về dịch bệnh. Trước những cáo buộc liên tục của cộng đồng quốc tế về dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, sự không hài lòng với suy thoái kinh tế trong nội bộ Đảng dần trở nên rõ ràng. Do đó, Ban Tuyên giáo Trung ương gần đây đã bắt đầu đưa ra một ‘vòng kim cô’ mới để kiểm soát tư tưởng và lời nói trong nội bộ Đảng.
Vương Hỗ Ninh còn kiểm soát đối với những nhận xét của dư luận dành cho Lý Khắc Cường. Gần đây, Lý Khắc Cường đã đến thăm Quý Châu, nhưng các phương tiện truyền thông cũng đưa tin rất hời hợt.
Từ ngày 6 đến ngày 7/7, Lý Khắc Cường đã đến Quý Châu để khảo sát. Điều kỳ lạ là trên các mạng xã hội có khá nhiều tin tức về việc khảo sát tình hình thiên tai của Lý Khắc Cường, nhưng lại không có nhiều báo cáo từ cơ quan truyền thông chính thức của ĐCSTQ. Cư dân mạng tin rằng đây là một điều vô cùng lạ thường. Một số cư dân mạng cũng nghi vấn rằng, các phương tiện truyền thông chính thức hạn chế đưa tin về cuộc khảo sát của Lý Khắc Cường tại Quý Châu, có lẽ vì họ lo lắng sự thật về thảm họa sẽ được phơi bày.
Trong khoảng một tháng qua, lũ lụt đã lan rộng ở miền Nam Trung Quốc và khắp nơi đều đưa ra cảnh báo về mưa lũ. Cơ quan phòng chống lụt bão và hạn hán quốc gia của ĐCSTQ đã nhanh chóng nâng mức ứng phó khẩn cấp từ cấp 3 lên cấp 2 vào lúc 4 giờ chiều ngày 12/7.
Bộ Thủy lợi ĐCSTQ tuyên bố rằng, đỉnh lũ sông Dương Tử sẽ đi qua các đoạn sông Vũ Hán, Hán Khẩu, Cửu Giang và Đại Thông sớm nhất vào buổi sáng ngày 13/7. Mức đỉnh lũ tại các trạm kiểm soát chính dọc theo sông sẽ đạt mức cao trong lịch sử.
Đỉnh lũ sẽ đi qua vùng trung lưu và hạ lưu trong hai hoặc ba ngày tới. Mực nước của đỉnh lũ tại trạm kiểm soát chính bao gồm Cửu Giang ở Giang Tây và Đại Thông ở Giang Tô, sẽ là cao nhất trong lịch sử và tình hình kiểm soát lũ là cực kỳ gian nan.
Đài quan sát khí tượng Trung ương của ĐCSTQ dự đoán rằng mưa lớn sẽ xuất hiện trở lại ở trung và hạ lưu sông Dương Tử từ ngày 14/7, thậm chí ở một số khu vực sẽ có mưa bão.
Nhiều cảnh báo đã được đưa ra để nhắc nhở mọi người rằng, tình hình kiểm soát lũ là rất nghiêm trọng, nhanh chóng phân loại đồ đạc của họ và nhắc nhở người thân bạn bè sơ tán
Theo truyền thông của ĐCSTQ, tính đến 12 giờ ngày 12/7, thảm họa lũ lụt đã khiến 37,89 triệu người tại 27 tỉnh (khu tự trị và đô thị) ở Giang Tây, An Huy, Hồ Bắc và Hồ Nam gánh chịu hậu quả, 141 người mất tích và thiệt hại kinh tế trực tiếp là 82,23 tỷ NDT. Tuy nhiên, các số liệu chính thức rất có khả năng đã được làm nhỏ lại.
Đối mặt với tình trạng ngập lụt ở 27 tỉnh thành, đến ngày 12/7 Tập Cận Bình mới đưa ra phát biểu đầu tiên. Tập nói rằng mực nước ở các lưu vực sông Dương Tử và sông Hoài, hồ Động Đình, hồ Bà Dương, Thái Hồ và các hồ khác đều vượt mức cảnh báo. Trùng Khánh, Giang Tây, An Huy, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tô và Chiết Giang đã bị lũ lụt nghiêm trọng, tình hình vô cùng khẩn cấp, cần ngăn chặn người dân tái nghèo.
Các nhà phân tích tin rằng, bài phát biểu đầu tiên của Tập Cận Bình đã gắn việc phòng chống lụt bão, thiên tai với công cuộc xóa đói giảm nghèo, bởi vì ông lo lắng rằng thảm họa lũ lụt sẽ khiến mục tiêu toàn dân thoát khỏi đói nghèo vào năm 2020 khó lòng thực hiện.
Tuy nhiên, nhà bình luận thời sự Trịnh Trung Nguyên nói rằng, tầng lớp cấp cao Trung Nam Hải đang đấu đá quyết liệt, không có thời gian quan tâm đến sự khổ ải của người dân. Vào thời điểm đó, chính quyền vẫn tuyên bố rằng tất cả mọi người sẽ thoát nghèo vào năm 2020, nhưng đây chỉ là một con số mà Đảng đưa ra, là một chương trình ca tụng công đức của ĐCSTQ mà thôi.
Minh Huy (Theo NTDTV)