Thuở xưa, tại tỉnh Sơn Đông, núi Phượng Hoàng là nơi cư trú ẩn dật của một tín đồ tâm linh cùng con sói cận vệ của ông. Trải qua quá trình tu luyện gian khổ, vị tín đồ cuối cùng đã tu thành Thần núi. Ông ở lại trên núi, sống cùng con sói của mình tại một ngôi nhà đá bên trong hang động lớn.
Vị thần này vô cùng yêu quý con sói của mình. Mỗi ngày, trông coi ngọn núi, ông đều tụng niệm Kinh Phật. Trong lúc ông tụng kinh, con sói sẽ nằm túc trực bên cạnh để canh gác.
Dù biết rằng nếu không có thân người thì không thể tu luyện thành Phật. Nhưng chú sói vẫn ngày ngày ghi nhớ Pháp và quyết tâm hành thiện, không bao giờ sát sinh giết người. Nó hy vọng có thể tích đủ phúc đức để kiếp sau đắc được thân người và có cơ hội tu thành Chính quả.
‘Xin hãy làm ơn làm phước!’
Một sáng nọ, sói rất đói bụng, nó cầu xin thần núi hãy ban cho nó chút thức ăn. Thần núi nhìn con sói rồi từ bi đáp: “Buổi trưa hôm nay, ngươi hãy đi đến khúc sông cạn. Ở đó, chắc chắn sẽ có thức ăn cho ngươi”.
Nghe Thần núi nói vậy, sói vô cùng mừng rỡ. Ngay buổi trưa hôm đó, nó liền đi đến khúc sông cạn và rồi bắt gặp một người đàn ông mù chống cây sào tre đang đi đến. Trong cơn đói, nó không còn kiềm chế được bản thân mình nữa, đã xông thẳng đến vồ lấy người mù kia.
Vị người mù tha thiết van xin con sói: “Xin hãy làm ơn làm phước tha cho ta. Ta còn có mẹ già ở nhà phải chăm sóc và phụng dưỡng. Nếu ngươi ăn thịt ta thì mẫu thân đáng thương của ta sẽ chết vì đói mất. Xin ngươi đừng ăn thịt ta”.
Sau khi nghe những lời cầu khẩn tha thiết, sói động lòng. Nó tha mạng cho người đàn ông mù kia rồi rời đi. Trong cơn đói, sói ta lại lang thang đi đến một ngôi làng gần đó để kiếm thức ăn. Sau rất nhiều nỗ lực tìm kiếm, nó tìm thấy một ít xương gà để ăn lót dạ. Cuối cùng lại quay trở về hang động trong cơn đói cồn cào.
Hai tuần sau, nó lại phải vật lộn với cơn đói giày xéo. Nó tìm đến Thần núi cầu khẩn xin chút thức ăn. Thần núi nhìn con sói đáng thương rồi nói: “Trưa nay, ngươi hãy cứ đi đến khúc sông cạn lần trước. Ở đó, chắc chắn ngươi sẽ tìm thấy đồ ăn”.
Buổi trưa hôm ấy trời lạnh giá và tuyết rơi đầy. Con sói run rẩy lại đi đến khúc sông cạn lần trước. Lần này, nó bắt gặp một bà lão đang bồng một đứa bé trên tay. Vì quá đói, sói ta ngay lập tức vồ đến, nó đẩy bà lão ngã xuống đất và ngoạm lấy đứa bé trong miệng.
Nó định chạy đi thì bỗng nhiên bà lão quỳ xuống đất và van xin: “Xin ngươi hãy làm ơn làm phước! Thằng bé này là đứa cháu trai duy nhất của nhà ta. Nếu ngươi ăn thịt nó, gia đình ta sẽ không còn ai nối dõi tông đường. Ta van xin ngươi đừng ăn thịt thằng bé”.
Nghe những lời cầu khẩn đáng thương của bà lão, con sói bỗng dập tắt cơn đói. Nó nhả đứa bé ra rồi lại lang thang đến ngôi làng lần trước để kiếm thức ăn. Lần này, tuyết phủ dày đặc khắp mọi nơi, con sói tìm kiếm trong vô vọng cũng không có được thứ gì để lót dạ. Dưới cái đói lạnh giá, con vật buồn bã lê từng bước nặng nề quay trở về hang động. Kể từ đó, người nó rời rạc, ốm yếu. Nó không thể bước ra ngoài nỗi nữa. Cuối cùng, nó chết vì đói.
Vị sư trụ trì và con sói nhỏ
Vì kiếp trước, con sói đã không sát sinh nên kiếp này nó đắc được thân người. Nó trở thành con trai trong một gia đình ở chính ngôi làng mà nó đến kiếm ăn. Thuở nhỏ, bé trai rất thích đến một ngôi chùa gần nhà và thường cùng gia đình đi thắp hương khấn Phật.
Khi mới 13 tuổi, cậu bé đã quyết tâm tu hành. Cậu xuất gia tu luyện tại một ngôi chùa trên núi Phượng Hoàng. Ngôi chùa nằm gần hang động, nơi từng là ngôi nhà đá cũ mà cậu, trong hình hài con sói ở kiếp trước, sinh sống với thần núi.
Cậu bé rất tinh tấn tu hành; ngày ngày tụng niệm Kinh Phật và tu dưỡng đạo đức. Khi tròn 20 tuổi, cậu đã trở thành sư trụ trì của ngôi chùa.
Về phần thần núi, vì vô cùng yêu quý và gắn bó với con sói của mình. Nên khi con vật ra đi, vì quá nhớ thương, ông không còn hứng thú với việc trông coi ngọn núi và đọc kinh Phật nữa. Mỗi khi nghĩ đến cảnh con sói chết vì đói, thần núi đau xót mà mất ăn mất ngủ. Rồi vài năm sau, ông cũng ra đi trong chính hang động.
Kiếp này, thần núi tái sinh thành một con sói vàng trong một lứa sói đẻ ra trên Núi Phượng Hoàng. Con sói sống dựa vào sữa mẹ và lớn lên trông rất khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi mẹ nó ngừng cho con bú, nó rất khó kiếm đủ thức ăn. Con sói không muốn sát sinh vì nó vẫn còn nhớ rất rõ về ký ức tu hành của mình. Do đó, nó luôn phải ăn đồ ăn thừa còn sót lại của những con sói trong đàn nên lúc nào cũng đói bụng.
Tu thành Phật quả
Sói con biết rằng nhiều người thường cúng dường thức ăn và trái cây ở chùa Phượng Hoàng nên thường xuyên đến ngôi chùa đó để kiếm ăn.
Một ngày nọ, khi đang trộm trái cây tại chùa, sói con bỗng bị sư trụ trì phát hiện khi ông vừa bước vào sảnh. Sư trụ trì trông thấy sói liền thốt lên ngạc nhiên: “A Di Đà Phật!”, rồi ngài niềm nở chào đón vị khách nhỏ: “Ngoan, ngoan, ngoan lắm!”.
Sói con nhìn thấy vị sư trụ trì liền nhận ra ngay đây chính là chú sói cận vệ của mình trong kiếp trước.
Hóa ra, vị thần núi kiếp này lại đầu thai thành một con sói, còn con sói cận vệ của ông giờ lại trở thành một vị sư trụ trì.
Cảm thấy vô cùng tủi hổ, sói con buồn bã vụt chạy ra khỏi ngôi chùa. Nó lang thang băng qua phía bên kia ngọn núi. Nó không còn thiết sống nữa. Ước muốn duy nhất của nó là có lại hình hài con người để được tu thành Phật quả.
Nghĩ vậy, sói con quyết định kết liễu đời mình bằng cách đâm đầu vào một tảng đá lớn. Cú đập mạnh quá đến nỗi người nó bật ra và rồi rơi xuống thung lũng.
Quả đúng là: “Nhân thân nan đắc”, được thân người nào có dễ chi. Có được thân người rồi thì hãy nên biết quý tiếc. Nhân sinh như mộng, đời người đến rồi đi trong vô thường. Hết kiếp này đến kiếp khác ta mãi đắm chìm trong bể khổ luân hồi. Tự hỏi ý nghĩa đời người là gì?
Bất giác, ta chợt nhận ra chỉ có một con đường là “Phản bổn quy chân”, một lòng hướng Phật, tinh tấn tu hành; mới mong thoát khỏi nỗi khổ trần ai.
An Nhiên