Trương Hành (78 – 139 SCN) là một nhà thiên văn học, toán học, chuyên gia sáng chế, nhà địa lý, người họa bản đồ, thi nhân và là chính khách nổi tiếng của Trung Hoa xưa.
Ông sinh ra tại Nam Dương, Hà Nam, Trung Quốc. Tên tuổi ông được lưu dấu trong các phát minh Trung Quốc cổ đại.
Ông rất am hiểu lĩnh vực cơ khí và cơ học bánh răng. Hiểu biết của ông thể hiện trong một số phát minh Trung Quốc cổ đại, ví dụ như thiết bị Hỗn thiên nghi thủy năng dùng cho quan sát vũ trụ, cùng máy đo địa chấn có khả năng định hướng trận động đất cách thiết bị 500 m. Cả hai đều là phát minh đầu tiên trên thế giới trong lĩnh vực này.
Ông cũng cải thiện khả năng tính toán của người Trung Quốc thông qua công thức tính số pi.
Chưa dừng lại ở đó, tài năng của ông còn thể hiện qua khả năng thi phú mà hậu thế không ngớt lời tán dương.
Thuở thiếu thời
Ông nội ông là một quan huyện, qua đời khi Trương Hành lên mười. Ông được mẹ và bà chăm sóc. Năm 17 tuổi ông rời nhà để theo đuổi sự nghiệp học hành ở kinh đô Trường An và Lạc Dương.
Quan lộ
Năm 112 sau Công Nguyên, Trương được cất nhắc làm quan trông coi việc Thiên Văn cho Hán Đình dưới thời Hán An Đế, đảm nhận hai nhiệm kì. Ông chuyên trách về việc quan sát thiên tượng và điềm báo, tạo lịch và báo ngày lành tháng tốt.
Văn chương và thi ca
Trường thi của Trương Hành tiết lộ rất nhiều thông tin về phong cảnh kinh đô và địa lý cơ bản.
Trong tác phẩm Ứng Gian, Trương là người khai thủy và đề xướng dòng văn xã luận hoặc giả thuyết. Tác giả của dòng văn này thường viết bài đối thoại giữa chính mình và một người giả định.
Thành tựu khoa học và công nghệ
Trong nhiều thế kỉ, người Trung Quốc đã tính được số pi có giá trị xấp xỉ là 3. Lưu Hâm (23 sau Công Nguyên) được biết là người đầu tiên tính chính xác số pi đến 3,154.
Trong những năm 130 sau Công Nguyên, Trương Hành so sánh quỹ đạo vũ trụ với đường kính trái đất, chia tử số 736 cho 236, kết quả thu được là 3,1724.
Trương Hành bắt đầu các nghiên cứu về vũ trụ ở độ tuổi 30 và không ngừng cho ra đời công trình vũ trụ, toán học.
Trương phân loại 2.500 ngôi sao, xếp chúng vào loại “ánh sáng mạnh” (người Trung Quốc ước tính tổng số ngôi sao dạng này lên tới khoảng 14.000). Ông cũng quan sát được 124 chòm sao. Nếu so sánh thì bộ phân loại của ông liệt kê được nhiều hơn so với 850 ngôi sao theo ghi chép của nhà thiên văn học Hy Lạp là Hipparchus (190 – 120 trước CN) và hơn của Ptomely (83 – 161 sau Công Nguyên) với 1.000 ngôi sao được phân loại.
Hỗn thiên nghi thủy năng
Bản thân Hỗn thiên nghi có thể chuyển động nhờ vào sự quay vòng của bánh xe nước. Chính lớp nước tràn ra từ bồn chứa bên trên khiến bánh xe này quay đều. Hỗn thiên nghi thủy năng lấy ý tưởng từ đồng hồ nước của Trung Quốc trước đó và đưa đến sự khám phá ra cơ cấu hồi của thế kỷ 8.
Hỗn thiên nghi của Trương Hành ảnh hưởng sâu rộng đối với ngành vũ trụ học và kỹ thuật cơ khí trong các thế hệ tiếp theo. Năm 132 sau Công Nguyên, Trương Hành giới thiệu trước Hán Đình một thiết bị được nhìn nhận là máy đo địa chấn có tên là Hậu Phong địa động nghi với một con lắc đung đưa bên trong.
Thông qua thiết bị này, ông có thể dò tìm hướng của một trận động đất cách đó hàng trăm cây số.
Thiết bị này đóng vai trò quan trọng trong việc giúp triều nhà Hán gửi cứu trợ nhanh đến vùng bị thiên tai tàn phá. Người Trung Quốc sau này đã có thể tái tạo lại máy đo địa chấn của Trương Hành.
Bản đồ
Việc tạo ra bản đồ đã xuất hiện ít nhất là 4 thế kỷ trước Công Nguyên, với bản đồ Tần Quốc được tìm thấy tại Cam Túc năm 1986. Tấm bản đồ thể hiện chính xác đường đi quanh co của gió, dòng chảy sông suối. Hơn nữa, Hậu Hán Thư gợi ý về việc Trương Hành là người đầu tiên tạo ra đồ thị mạng lưới định vị toán học trên bản đồ cổ Trung Quốc. Cuốn sách viết, ông đã tính toán một mạng lưới tọa độ của trời và đất rồi xác định các vị trí dựa trên đó.
Lý trình biểu và chỉ nam xa
Văn thư Trung Quốc cổ đại thường miêu tả về một thiết bị vận chuyển cơ khí. Sau khi đi được 1 lý (khoảng 500 m) thì một hình nhân bằng gỗ điều khiển bằng cơ học sẽ gõ trống, và sau đi được 10 lý, thì một hình nhân gỗ khác đánh trống hoặc gõ chiêng như một tín hiệu vận hành cơ khí. Chỉ nam xa (xe chỉ hướng nam), một phương tiện xe hai bánh của người Trung Quốc cổ với một hình nhân luôn chỉ tay về hướng nam và hoạt động như một la bàn phi từ tính, là một thiết bị cơ khí khác gắn liền với tên tuổi Trương Hành.
Thanh danh sau khi qua đời
Để vinh danh những thành tựu đạt được của Trương Hành trong lĩnh vực khoa học và kỹ nghệ, bạn tâm giao của ông là Thôi Viện đã đề lên tấm bia tưởng niệm Trương Hành như sau: “Tài năng tính toán thấu trời đạt địa”.
Một số thứ sau này được lấy theo tên của ông, ví dụ như núi lửa mặt trăng Trương Hành, tiểu hành tinh Trương Hành 1802 và mỏ khoáng Trương Hành để vinh danh sự vĩ đại của nhà phát minh Trung Quốc thời cổ đại.
Thiên Hà, Hàn Mai – Theo VisionTimes