Bệnh mẩn ngứa là một bệnh lý về da rất khó đối phó. Trong cơ thể, nếu thấp khí tích tụ quá nặng có thể dẫn đến bệnh mẩn ngứa. Một số bệnh mẩn ngứa dễ dàng chữa trị, nhưng cũng có những bệnh ngứa rất khó trị hết.
Theo Trung y, nhân tố gây ra bệnh có thể quy nạp về sáu nhóm lớn: lục tà, lệ khí (dịch bệnh), thất tình, ẩm thực, lao quyện (mệt mỏi), ngoại thương và bệnh do động vật.
“Lục tà” hay “lục dâm” là gọi chung cho 6 loại nhân tố gây bệnh bên ngoài như “phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa”, cũng còn được gọi là “ngoại tà”. 6 loại nhân tố gây bệnh này vốn dĩ là biến đổi đặc trưng của 6 loại khí hậu bình thường trong tự nhiên và được gọi là “lục khí”.
Mỗi khi khí hậu biến đổi khác thường hoặc đột ngột mà “chính khí” trong cơ thể người không đủ, sức đề kháng đi xuống thì “lục khí” biến thành nhân tố gây bệnh nên được gọi là “lục tà”. Thấp khí (khí ẩm) là một trong “lục tà” này. Khi đã gây bệnh thì gọi là “thấp tà”.
Theo bác sĩ Lý Ứng Đạt của phòng khám Trung y Từ Hàng tại Taoyuan (Đài Loan), bệnh mẩn ngứa là một bệnh lý da rất khó đối phó. Nếu thấp khí tích tụ quá lâu trong cơ thể có thể dẫn đến bệnh mẩn ngứa.
Trên lâm sàng có rất nhiều người bệnh mẩn ngứa thường uống thức uống có đá, khi từ bỏ đồ uống lạnh thì bệnh mẩn ngứa giảm đi một nửa. Một số bệnh mẩn ngứa dễ dàng chữa trị, nhưng cũng có những bệnh ngứa rất khó trị hết.
Ba loại tình huống thấp khí dẫn tới bệnh mẩn ngứa
Trên lâm sàng thường gặp ba loại tình huống thấp khí nặng dẫn tới bệnh mẩn ngứa:
1. Bệnh mẩn ngứa thường gặp nhất là do tỳ hư
Tỳ hư cũng chính là tình trạng dạ dày – ruột không được thông suốt. Hệ thống dạ dày ruột cũng giống như rãnh nước ở trong thành phố, nếu rãnh nước không thông, chỉ cần một cơn mưa to liền gây ra ngập lụt; nếu như hàng ngày rãnh nước được làm sạch, đảm bảo lưu thông nước, thì không sợ ngập lụt.
Cơ thể người cũng như vậy, người bệnh thể chất hư hàn không nên ăn thức ăn lạnh, không được ăn uống quá độ, không ăn khuya, như vậy dạ dày – ruột mới thông suốt, thấp khí sẽ không tích tụ lại trong cơ thể. Ngược lại, không những dạ dày ruột không thông, tình trạng còn có thể lan ra toàn thân gây ra bệnh mẩn ngứa.
2. Thích ăn thực phẩm lạnh, uống nước lạnh
Tôi từng gặp trường hợp một người phụ nữ đến xem bệnh dạ dày, cô đau bụng, trướng bụng, có khi tiêu chảy, da nổi ban đỏ và bị mẩn ngứa, hỏi thăm tiền sử mới biết cô thường uống thức uống lạnh.
Thói quen của cô là mỗi sáng sớm đều uống một ly cà phê đá. Khi bắt mạch thì thấy mạch nhanh mà vô lực, chẩn đoán là dạ dày ruột có thấp khí gây ra tiêu hóa không tốt, dẫn tới đau bụng, trướng bụng.
Tôi nói cà phê có tính đắng chát, chứa các alkaloid không tốt đối với dạ dày ruột, lại bởi vì Đài Loan thuộc khu vực ẩm thấp, nếu thường xuyên uống cà phê đá dễ dàng gây ra thấp khí ở dạ dày ruột, thấp khí tích tụ trong cơ thể không tiêu đi được lâu ngày dễ sinh ra bệnh mẩn ngứa.
Thói quen uống nước lạnh dễ gây ra bệnh mẩn ngứa, đây là loại tình huống rất thường gặp trên lâm sàng. Chỉ cần dặn dò người bệnh không uống nước đá thì bệnh mẩn ngứa sẽ giảm đi một nửa; sau đó lại uống thuốc làm ấm dạ dày ruột thì rất nhanh khỏi.
3. Tỳ hư lại thêm phong hàn cảm mạo
Nếu như dạ dày ruột không tốt lại bị thêm cảm mạo, phong tà của cảm mạo ở trên bề mặt da gây ngứa, càng gãi càng ngứa thêm.
Loại bệnh mẩn ngứa nào dễ dàng trị liệu, có thể chữa hết được không?
Bệnh mẩn ngứa do phong hàn cảm mạo thì dễ dàng trị liệu. Trước tiên trừ đi phong hàn cảm mạo, sau đó thêm phương pháp kiện tỳ khứ thấp (bài trừ thấp khí) thì có thể chữa khỏi hẳn bệnh mẩn ngứa. Nhưng cũng có trường hợp phong nhiệt cảm mạo gây ra mẩn ngứa thì phương pháp trị liệu cũng là trừ đi phong nhiệt cảm mạo, sau đó kiện tỳ bài trừ thấp khí.
Nếu nguyên nhân bệnh mẩn ngứa do uống nhiều thức uống lạnh cũng dễ dàng trị liệu, trước tiên khuyên người bệnh ngưng thức uống và thức ăn lạnh, sau đó uống thuốc Trung dược để kiện tỳ bài trừ thấp khí thì có thể khỏi hẳn.
Hai chủng bệnh mẩn ngứa khó trị nhất
Khó trị liệu nhất chính là thể chất hư hàn lại sống ở vùng đất ẩm thấp, bệnh mẩn ngứa trong trường hợp này thường có tính dị ứng và kéo dài lâu ngày. Thực tế có rất nhiều trẻ em bị viêm da dị ứng đồng thời cũng có viêm mũi dị ứng hoặc các triệu chứng thở hổn hển, những trường hợp này phải điều chỉnh thể chất, trong đó chủ yếu là điều chỉnh tràng vị (dạ dày ruột). Dạ dày ruột hấp thu tốt sẽ giúp gia tăng năng lực miễn dịch, như thế mới đạt được tác dụng trị liệu từ gốc đến ngọn.
Còn có một loại bệnh mạn tính là vảy nến, là bệnh nổi mẩn da khó trị liệu nhất. Người bệnh vảy nến thông thường trong cơ thể có thấp khí lại có thêm nhiệt độc, vì vậy lúc trị liệu phải bài trừ thấp, thêm thuốc thanh nhiệt giải độc, ví dụ như rễ khổ sâm, bạch tiễn bì, nhân trần,…
Tôi có một người bệnh là ông Lưu 45 tuổi, được Tây y chẩn đoán bệnh vảy nến đã rất nhiều năm. Toàn thân ông da nổi đỏ, nhất là hai chân có vảy nến nghiêm trọng, có ban đỏ và vảy tróc ra kèm ngứa nhiều, lúc bệnh nặng còn có mụn mủ, tôi chẩn đoán là tỳ thấp kiêm nhiệt độc, can hỏa vượng (nóng gan).
Tôi kê đơn thuốc là đương quy tứ nghịch tán, đương quy niêm thống thang, bảo hòa hoàn, gia sa nhân, bạch tiễn bì. Sau khi liên tục trị liệu 3 tháng thì bệnh vảy nến của ông dường như biến mất, không còn nhìn thấy tổn thương nữa. Đương nhiên không phải cứ uống theo đơn thuốc trên, mà mỗi lần tái khám sau khi chẩn đoán đều có đơn thuốc khác nhau.
Người bệnh mẩn ngứa cần điều chỉnh ăn uống như thế nào?
Người bệnh mẩn ngứa không nên ăn thức ăn lạnh hoặc uống thức uống có đá. Theo quan điểm của Trung y, người bệnh thể chất hư hàn không nên ăn uống thực phẩm có tính mát như lê, dừa, dưa hấu, dưa mật, đu đủ, quýt, bưởi, củ cải trắng, cải trắng, đậu hủ, cua,…
Ngoài ra, chocolate, hải sản, xoài, cũng dễ dàng gây ra dị ứng mà dẫn tới mẩn ngứa, vì vậy cũng nên tránh.
Nên ăn nhiều các thực phẩm kiện tỳ bài trừ thấp như ý dĩ nhân, khoai từ, hạt sen.
Liên Hoa (Theo Epoch Times)