Tinh Hoa

Trung Quốc phát động “vỉa hè là nơi in tiền” giữa làn sóng thất nghiệp

Giữa nạn thất nghiệp, việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mới đây ra sức tuyên truyền về “cỗ máy in tiền” từ “kinh tế vỉa hè” đã khiến dân cư mạng không khỏi chất vấn. Trong đó, nhiều người đã có thái độ mỉa mai và châm biếm trước động thái này của chính quyền Trung Quốc.

ĐCSTQ buộc phải nới lỏng kiểm soát đối với việc buôn bán quy mô nhỏ trên vỉa hè, các phương tiện truyền thông chính thức cũng đi đầu trong việc ca ngợi “kinh tế vỉa hè”. (Ảnh qua Twitter)

Do  ảnh hưởng của dịch Vũ Hán nên nền kinh tế của Trung Quốc chịu phải tổn thất nặng nề, sau đại dịch làn sóng thất nghiệp đã xuất hiện. Sau khi kết thúc cuộc họp Quốc Hội Trung Quốc năm 2020, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thừa nhận rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thất nghiệp do đại dịch, và kinh tế suy yếu đã khiến nhiều người mất việc làm. Ông cũng thừa nhận rằng gần một nửa số dân Trung Quốc (600 triệu người) chỉ kiếm được khoảng 3,2 triệu đồng, mức thu nhập không đủ để trả tiền thuê nhà hàng tháng ở Trung Quốc.

Để tăng cường sức tiêu thụ yếu, ĐCSTQ buộc phải nới lỏng kiểm soát đối với việc buôn bán quy mô nhỏ trên vỉa hè, các phương tiện truyền thông chính thức cũng đi đầu trong việc ca ngợi “kinh tế vỉa hè”. Vài ngày trước, để biểu dương “thành quả” của chính sách này, truyền thông ĐCSTQ đã báo cáo rằng: Một chủ gian hàng vỉa hè ở Nam Xương mỗi ngày thu vào hơn 30.000 nhân dân tệ (khoảng 98 triệu đồng). Dư luận nước ngoài chế giễu rằng điều này có thể so sánh với việc “phóng vệ tinh” thời kỳ “Đại nhảy vọt”.

Trong đợt bùng phát dịch Vũ Hán năm nay, các đợt phong tỏa với quy mô lớn diễn ra khắp Trung Quốc đã khiến nền kinh tế quốc gia gần như bị đình trệ trong quý đầu tiên. Sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đối mặt với việc hủy đơn đặt hàng dồn dập từ nước ngoài, làn sóng đóng cửa các doanh nghiệp và thất nghiệp của công nhân đã xuất hiện trở lại. 

Để giảm bớt áp lực lớn về công ăn việc làm và thúc đẩy tiêu dùng trong nước, Phòng Nếp sống văn hóa Trung ương ĐCSTQ vào 27/5 đã tuyên bố  rằng, “chiếm đường để kinh doanh, chợ đường xe chạy và buôn bán lưu động” không còn bị liệt vào đối tượng kiểm tra đánh giá đô thị nữa. Phương tiện truyền thông chính thức cũng bắt đầu viết bài tuyên truyền về “kinh tế vỉa hè” và “kinh tế đường xe chạy”.

Vào ngày 31/5, Đài truyền hình Trung Quốc đã phát hành một bài báo phát sóng tin tức khách hàng, tuyên truyền rằng thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây đã đạt được “thành quả” nhờ áp dụng “kinh tế vỉa hè” để mở chợ đêm.

Bài báo cho biết, Chính quyền thành phố Nam Xương vào ngày 26/5 đã ban hành chính sách, chỉ định 100 đường phố mở chợ đêm để người dân có thể bày bán hàng trên vỉa hè để kiếm sống.

“Khung cảnh náo nhiệt” của một chợ đêm tại Trung Quốc. (Ảnh qua Facebook)

Bài báo cũng mô tả “khung cảnh náo nhiệt” của một chợ đêm trên một con phố dài 200 mét ở quận Tây Hồ, thành phố Nam Xương, và đặc biệt giới thiệu việc kinh doanh của một chủ gian hàng vỉa hè họ Đinh đã “phát đạt” như thế nào. Bài báo nói  rằng, khi chính quyền không cho phép cửa hàng hoạt động, mức doanh thu của người họ Đinh chỉ hơn 8.000 nhân dân tệ (26 triệu đồng) mỗi ngày, nhưng sau khi địa phương cho phép cửa hàng bày bán trên vỉa hè thì “ít nhất mỗi ngày đều hơn 30.000 nhân dân tệ (98 triệu đồng) trở lên”.

Sau khi bài viết này được truyền ra cộng đồng mạng ở Trung Quốc, nhiều cư dân mạng Trung Quốc tỏ ra nghi ngờ. Có cư dân mạng đã tính toán rằng: Thông thường mỗi ngày đồ ăn nhẹ cũng chỉ được mua trong vài giờ, căn cứ theo số giờ làm việc mỗi ngày là 8 giờ để tính thì chủ gian hàng đó muốn kiếm được 30.000 nhân dân tệ mỗi ngày thì có nghĩa là trung bình mỗi giây bán ra  hơn 1 nhân dân tệ (khoảng 3.272 đồng) đồ ăn vặt. 

Tuy nhiên tỷ lệ thất nghiệp hiện đang tăng vọt, rất nhiều người đều tự nấu ăn tại nhà để tiết kiệm chi tiêu, vậy làm thế nào một gian hàng lớn ở chợ đêm có thể kiếm được 30.000 nhân dân tệ mỗi ngày? cũng có cư dân mạng cười nói: “Tuyên truyền theo hình thức phóng vệ tinh kiểu này là để chính quyền địa phương chuẩn bị thu tiền (ý nói phí quản lý và thuế)”.

Tài khoản Twitter @leroyzhu của một cư dân mạng Trung Quốc cũng đăng: “12 giờ không ngừng xào nấu (đồ ăn), mỗi giờ thu vào 2.500 nhân dân tệ (khoảng 8 triệu đồng), mỗi phút kiếm phải kiếm được 40 nhân dân tệ (khoảng 130.000 đồng). Đây là trình độ của máy in tiền”.

Tài khoản @ ToddnayRaynard1 chất vấn: “Sao không nói là 300.000 hay 3 triệu (nhân dân tệ) đi?”

Còn tài khoản @xiaotezhou chế giễu: “Mỗi ngày 30.000 nhân dân tệ là gần 4.000 đô la Mỹ, khả năng kiếm tiền này có thể cạnh tranh với các nhà giao dịch ở Phố Wall rồi. Tôi cũng muốn bán hàng ở vỉa hè rồi”.

Tài khoản @ rocbuilder1 thì bình luận: “Vẫn là thủ đoạn tuyên truyền nghìn tấn trên một hecta. Thật qua loa và thô lỗ. Đại Cách mạng văn hóa hay, thật là hay! Không dễ để phân biệt”.

Cư dân mạng là Shima cũng châm biếm: “Chú ý, ngày mà làn sóng lớn các “bài thơ” sắp đến rồi”.

Lương Phong (t/h)