Trong cuộc họp đánh giá tình hình nhân quyền ở các quốc gia của LHQ hôm 6/11, Trung Quốc một lần nữa mạnh miệng bác bỏ những chỉ trích đối với việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Tuy nhiên, những bằng chứng cho thấy, việc lên án vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh là có căn cứ.
Trong cuộc họp đánh giá tình hình nhân quyền ở các quốc gia của Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 6/11, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản và nhiều nước khác đã kêu gọi Bắc Kinh giải quyết những lo ngại xung quanh cáo buộc chính quyền Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, theo Fox News.
Một đại diện của Mỹ trong cuộc họp, ông Mark Cassayre, kêu gọi Trung Quốc “ngay lập tức trả tự do cho hàng trăm ngàn, có thể hàng triệu người” bị bắt giữ tùy ý ở Tân Cương. Còn đại diện từ Canada và Vương quốc Anh cũng bày tỏ quan ngại đối với tình hình nhân quyền đang “xấu đi” của Trung Quốc.
Phát biểu trong cuộc họp, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành đã bác bỏ những chỉ trích của quốc tế đối với việc đàn áp tôn giáo và nhân quyền của Bắc Kinh.
“Chúng tôi sẽ không chấp nhận những cáo buộc có động cơ chính trị từ một vài quốc gia có cách nhìn thiên vị”, ông Lạc tuyên bố.
Yasim Sadiq, thị trưởng người Duy Ngô Nhĩ của thủ đô Urumqi, Tân Cương, cũng tham dự cuộc họp. Ông nói với các cử tọa trong phiên họp ở Geneva rằng, các chính sách hiện hành của chính quyền Bắc Kinh là phù hợp với nguyện vọng của người dân.
Ông cũng lặp lại những tuyên bố của Bắc Kinh rằng, không có sự kiện đáng quan ngại nào xảy ra ở Tân Cương trong 21 tháng qua, và rằng các “học viên” người Duy Ngô Nhĩ trước đây “bị nhiễm tư tưởng cực đoan” đã và đang hòa mình vào các hoạt động văn hóa và thể thao tại các “trung tâm dạy nghề”.
Ông Sadiq từng tuyên bố, du khách quốc tế luôn được chào đón ở Tân Cương, nhưng chính quyền của ông đã không giải quyết yêu cầu từ một số quốc gia đề nghị cho các nhà quan sát độc lập của LHQ tới khu vực này.
Fox News đưa tin, trong những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc đã thiết lập ở Tân Cương một mạng lưới an ninh công nghệ cao, các trạm kiểm soát của cảnh sát và camera giám sát có mặt khắp nơi.
Trong một đánh giá thường niên về nhân quyền trong nước, chính quyền Trung Quốc xác nhận, khu vực Tân Cương vốn là một điểm nóng trước đây đã được ổn định nhờ việc người dân được giáo dục trong “các trung tâm dạy nghề”.
Tuy nhiên, những “học viên” ở những trung tâm đã tiết lộ những thông tin khẳng định, các trung tâm mà chính quyền Trung Quốc nói là để dạy nghề cho người dân thực chất là các “trại cải tạo chính trị”, ở đó “tù nhân” chứ không phải “học viên” bị cưỡng bức nghe các bài tuyên truyền chính trị, và bị tra tấn nếu không nghe lời quản giáo, theo WSJ .
LHQ từng có báo cáo trong đó khẳng định, các bằng chứng từ thực tế cho thấy, có tới hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và người thiểu số theo tôn giáo khác bị giam cầm trong các “trại cải tạo chính trị” ở Trung Quốc.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho hay, đánh giá của LHQ minh chứng sự tương phản giữa quan điểm của Bắc Kinh về các hồ sơ nhân quyền và “những sự thật nghiệt ngã”.
“Trung Quốc đã thất bại trong việc thuyết phục nhiều quốc gia tin rằng Bắc Kinh không lạm dụng nhân quyền”, ông John Fisher, giám đốc của Tổ chức theo dõi Nhân quyền, nêu quan điểm.
Khoảng 500 người, trong đó có sự tham gia của người Duy Ngô Nhĩ và những người ủng hộ Tây Tạng, đã tổ chức biểu tình phản đối Trung Quốc bên ngoài phòng họp của LHQ ở Geneva, nơi diễn ra các thảo luận về nhân quyền hôm 6/11. Những người biểu tình đã hô vang các câu như “nỗi sỉ nhục Trung Quốc” và cáo buộc Bắc Kinh là “khủng bố”.
>>> Trung Quốc: Một người đàn ông ở tù 6 năm vì để râu dài
>>> Người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc: Như bầy cừu chờ bị thịt
Theo ĐKN