Bạn có biết vì sao ngày nay vẫn có các phim cổ trang Trung Quốc luôn hấp dẫn người xem? Vì sao Trung Hoa có nhiều danh tác lôi cuốn mạnh mẽ độc giả trên toàn thế giới? Phần quan trọng là nhờ những tài liệu quý giá được các quan Thái sử trong triều đình ghi chép từ đời này sang đời khác.
Dịch giả nổi tiếng, Burton Watson từng nói rằng: ”Không có dân tộc nào ham viết và đọc sử sách như dân tộc Trung Hoa”. Văn nhân thì ưa chép sử mà dân chúng thì ưa đọc sử, nghe sử. Những bộ truyện lớn nhất, danh tiếng nhất như Tam Quốc Chí, Thủy Hử, Đông Chu Liệt Quốc, Tây Hán Chí… phần lớn nội dung được vay mượn từ các câu chuyện trong lịch sử.
Sự thành công của nền văn học Trung Hoa nói chung không thể kể đến công lao của các quan Thái sử, chức quan lần đầu tiên được đặt ra dưới thời nhà Chu các đây hơn 3000 năm. Từ đó việc chép sử đã trở thành cái lệ, ngay cả những nước chư hầu như Yên, Tống, Trung Sơn… cũng có sử quan. Nhờ vậy mà ngày nay, người ta hiểu về thời Xuân Thu, đời Chiến Quốc nhiều hơn người phương tây hiểu về cổ sử Hi Lạp – La Mã.
Khác với các sử gia thông thường ở các nền văn hóa khác, quan Thái sử trong các triều đại Trung Hoa tuy là chức quan tuy không có nhiều quyền hành nhưng rất được kính nể, ngoài ghi chép những chuyện lớn nhỏ xảy ra trong xã hội quan Thái sử còn ghi chép cả những điều hay dở của vua chúa để khuyên răn, cảnh cáo họ.
Sử gia Trung Hoa được miêu tả là người đức cao, rất coi trọng sự thực, phải là người “uy vũ bất năng khuất” (không vì khuất phục cường quyền mà ghi chép sai sự thật). Trong quá khứ đã từng có rất nhiều câu chuyện bi tráng về các quan Thái sử khiến người đời sau hết lòng cảm phục.
Vì sự thật, không màng sống chết
Thời chiến quốc, nước Tề có một người tên là Thôi Trữ. Thôi Trữ tuy là đại phu nhưng lại có công giúp Khương Quang tiêu diệt em trai là Khương Nha lên làm vua nước Tề, tức Tề Trang Công, bản thân Thôi Trữ cũng được phong làm tể tướng. Tuy nhiên về sau, Tề Trang Công lại tư thông với vợ lẽ của Thôi Trữ là Đường Cơ, biết chuyện, Thôi Trữ tức giận lập mưu giết chết Tề Trang Công.
Quan Thái sử lúc bấy giờ là Thái sử Bá lập tức ghi vào sử sách: ”Thôi Trữ giết vua Quang”, Thôi Trữ tức giận lập tức giết chết Bá. Sau đó các em trai của Bá là Trọng, Thúc lên thay chức Thái sử đều ghi chép giống như anh mình kết quả đều bị Thôi Trữ giết chết.
Đến lượt em út là Quý cũng lại chép như vậy, Thôi Trữ bực tức hỏi: ”Ba người anh của ngươi đều vì câu này mà chết, lẽ nào ngươi không biết quý tiếc mạng sống của mình hay sao?”. Quý bình thản đáp: ”Viết đúng sự thật là chức trách của quan chép sử. Nếu vì cầu sống mà làm chuyện sai trái vậy thần thà chết còn hơn”. Thôi Trữ nghe vậy đành thôi không giết nữa và từ đó còn e dè các quan Thái sử.
Nén nỗi đau tuyệt tự, hoàn thành nghiệp lớn
Tư Mã Thiên là một quan Thái sử nhà Hán, cha ông Tư Mã Đàm cũng là quan Thái sử. Ông nổi tiếng với bộ “Sử ký Tư Mã Thiên” ghi chép lại các sự kiện xảy ra ở Trung Hoa hơn 2500 năm từ thời các Hoàng Đế thần thoại cho tới thời ông sống.
Chuyện kể Trung Hoa dưới thời Hán Vũ Đế trở nên cực kỳ hùng mạnh về kinh tế, chính trị và quân sự. Nam chinh bắc phạt, mở mang bờ cõi. Năm 99 TCN, Vũ đế sai Lý Lăng mang quân đi giao tranh với Hung Nô phía Bắc. Lý Lăng thua trận còn đầu hàng quân Hung Nô, Vũ đế nghe được tin liền ban lệnh xử trảm cả nhà Lý Lăng.
Với tấm lòng trượng nghĩa của mình, Tư Mã Thiên dù không có giao tình với Lý Lăng ông vẫn đứng ra can gián Vũ đế, Vũ đế chẳng những không nghe còn giáng tội và xử ông hình phạt nặng nhất thời bấy giờ “cung hình” (thiến). Lúc đó ông chưa có con trai, chỉ có 1 con gái, với hình phạt trên gia đình ông xem như gia đình tuyệt tự và Tư Mã Thiên đã phạm phải đại tội bất hiếu với tổ tiên. Ông thống khổ muốn tự tử nhưng nhớ lại lời cha dặn lúc lâm chung, ông đã nhẫn nhục sống để hoàn thành bộ “Sử Ký” lưu danh cho đời sau.
Sau khi ra tù, ông được giữ lại để làm thái giám trong cung. Ngày hầu hạ Vũ Đế, đêm viết sách, mỗi lần nhớ tới nhục hình đều toát mồ hôi. Tư Mã Thiên hoàn thành bộ “Sử Ký” năm 91 TCN được 5 năm sau thì mất, hưởng thọ 60 tuổi.
Người Trung Hoa cổ đại giảng “thiện hữu thiện báo” có lẽ nhờ công đức to lớn của Tư Mã Thiên mà 352 năm sau, dòng họ Tư Mã nhà ông đã chinh phạt cả 3 nước Nguy-Thục-Ngô, thống nhất Trung Hoa, lập ra nhà Tấn.
Hoàng An Tổng Hợp